Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
15088

Quyền tự do thông tin phát triển theo xu hướng không thể đảo ngược Kỳ 1: Cách tiếp cận toàn diện và hệ thống

Mạng toàn cầu đã làm thay đổi quyền tự do thông tin của con người theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Những vấn đề xã hội mới được hình thành. Xu hướng không thể đảo ngược này khiến các nhà nước phải quan tâm xây dựng một khung pháp lý về quyền tự do thông tin nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của mạng toàn cầu.

Vấn đề 2 mặt

Tích cực:

  1. Việc tìm kiếm thông tin trở nên quá dễ dàng tạo ra hiệu ứng thừa thông tin. Chính vì vậy, con người sẽ phải chọn lọc những thông tin hữu ích. Những thông tin “rác” sẽ bị loại trừ, những thông tin tích cực sẽ được khuyến khích. Hay nói cách khác, thông tin được sàng lọc để ngày càng chất lượng hơn. Đã có những dịch vụ “sàng lọc” thông tin như tại website www.ComplaintRemover.com đã quảng cáo “Bạn có muốn thông tin tiêu cực được gỡ bỏ? Chúng tôi là những chuyên gia trong việc gở bỏ nhưng link xấu ra khỏi trang đầu trong bộ máy tìm kiếm!”[1].
  2. Quyền tự do thông tin được mở rộng cũng tạo điều kiện cho các quyền con người khác phát triển. Đặc biệt là những quyền cần xử lý thông tin như quyền tự do báo chí, quyền lập hội, quyền tham gia quản lý nhà nước, quyền khiếu nại, quyền tố cáo… Tiếp cận theo lý thuyết về “điểm bùng phát”[2], quyền tự do thông tin sẽ là điểm chốt và cần kích thích vào điểm chốt này để tạo hiệu ứng “bùng phát” trong hệ thống các quyền con người.

Chúng ta có thể hy vọng một sự thúc đẩy dân chủ hóa xã hội một cách tích cực. Một nền “chính trị điện tử” đã xuất hiện. Như có người đã phân tích: “không gian số” sẽ đem lại sinh khí mà xã hội dân sự cần để hoạt động. Được trang bị các công cụ rẻ tiền và dễ sử dụng để huy động nguồn quỹ, dễ xuất bản, và các nền tảng huy động hiệu quả (đầu tiên là MySpace và bây giờ là Facebook và MeetUp), các tổ chức xã hội dân sự có thể vượt qua lỗ hổng tài nguyên và sự thiếu hiệu quả trong hoạt động trước đây để trở nên nhanh hơn, tinh gọn và mạnh mẽ hơn[3].

  1. Trong xã hội thông tin toàn cầu, dường như không có chỗ cho sự lọc lừa, dối trá, bưng bít. Những bí mật ngày càng ít đi. Để không bị đặt ra ngoài lề xã hội, con người (nhà nước, tổ chức xã hội, cá nhân) ngày càng phải trung thực, minh bạch hơn. Đây là tiền đề quan trọng cho nhà nước pháp quyền và xã hội lành mạnh.

Tiêu cực:

  1. Sự vi phạm quyền con người cũng trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt các quyền liên quan đến bí mật đời tư, bí mật thư tín, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền tác giả… Thông tin bôi nhọ, thông tin đời tư có thể “lây lan” khủng khiếp qua mạng. Hơn nữa, lại rất khó khăn phát hiện người vi phạm pháp luật thông qua mạng toàn cầu.
  2. Sự kích động nhằm mục đích xấu (khủng bố, bạo lực, phân biệt chủng tộc…) trở nên nguy hiểm hơn cho xã hội do có tính lây lan rất nhanh. Mặc dù công nghệ Internet chắc chắn là đã giảm bớt đi quyền lực nhà nước nhưng đồng thời, nó cũng củng cố quyền lực cho những ai không nằm trong danh sách “bạn bè của xã hội dân sự” (các phong trào cực đoan)[4]

Cách tiếp cận toàn diện và hệ thống

Chúng ta cần có một cách tiếp cận toàn diện và hệ thống về các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền tự do thông tin. Việt Nam sẽ không chỉ quan tâm xây dựng Luật Tiếp cận thông tin mà cần phải tạo lập một khung pháp lý đẩy đủ và hiệu quả về quyền tự do thông tin. Bởi vì việc tiếp cận thông tin của nhà nước chỉ là một khía cạnh của quyền tự do thông tin. Khung pháp lý này tập trung ở những lĩnh vực sau:

  • Quyền tiếp cận thông tin của người dân và trách nhiệm cung cấp thông tin của nhà nước
  • Quyền tham gia quản lý nhà nước
  • Quyền khiếu nại, quyền tố cáo
  • Quyền bày tỏ quan điểm
  • Quyền lập hội
  • Sự công khai, minh bạch của nhà nước
  • Báo chí
  • Xuất bản
  • An ninh mạng
  • Giao dịch điện tử
  • Thương mại điện tử
  • Bảo vệ danh dự, nhân phẩm
  • Bảo vệ bí mật đời tư, bí mật thư tín

Pháp luật về bảo vệ danh dự, nhân phẩm cần được quan tâm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích cá nhân (đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết như bí mật đời tư, danh dự, nhân phẩm…) đồng thời nhằm ngăn ngừa sự lợi dụng để hạn chế quyền tự do thông tin. Muốn thực hiện điều đó, cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa quyền tự do thông tin và hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966: “Việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt” (Điều 19).

Chúng ta cũng cần xác định rõ và hợp lý các trường hợp ngoại lệ của quyền tự do thông tin để tránh việc hạn chế quyền tự do thông tin một cách phi lý. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 xác định “Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu: a. Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác. b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý” (Điều 19).

Tóm lại, sự phát triển của quyền tự do thông tin trong một thế giới ngày càng “phẳng” đang đặt ra rất nhiều thách thức cho sự cải cách luật pháp cho mọi nhà nước. Sự cải cách này cần toàn diện, đồng bộ và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của nhà nước và xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *