Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
62095

Quyền làm việc và hưởng thù lao công bằng, hợp lý

Quyền làm việc và hưởng thù lao công bằng, hợp lý (right to work, right to just and favourable remuneration)là một nhóm quyền cơ bản liên quan đến lĩnh vực lao động.

Bảo đảm quyền làm việc của người lao động trong đại dịch Covid

Liên quan đến lao động, các văn kiện nhân quyền quốc tế quy định khá nhiều quyền của người lao động: quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, được đảm bảo điều kiện lao động hợp lý, được trả thù lao hợp lý, được thành lập công đoàn, được đình công, quyền được nghỉ ngơi…

Trước hết Điều 23 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR), quy định: 1. Mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi và được bảo vệ chống lại nạn thất nghiệp; 2. Mọi người  đều có quyền được trả công ngang nhau cho những công việc như nhau mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào; 3. Mọi người lao động đều có quyền được hưởng chế độ thù lao công bằng và hợp lý nhằm bảo đảm sự tồn tại của bản thân và gia đình xứng đáng với nhân phẩm, và được trợ cấp khi cần thiết bằng các biện pháp bảo trợ xã hội; 4. Mọi người đều có quyền thành lập hoặc gia nhập công đoàn để bảo vệ các quyền lợi của mình. Tại Điều 24 quy định vệ quyền nghỉ ngơi và thư giãn, kể cả quyền được giới hạn hợp lý số giờ làm việc và được hưởng những ngày nghỉ định kỳ có hưởng lương.

ICESCR cụ thể hóa các quyền về lao động tại các Điều 6, 7 và 8. Theo Điều 6 (1), các quốc gia thành viên Công ước này thừa nhận quyền làm việc, trong đó bao gồm quyền của tất cả mọi người có cơ hội kiếm sống bằng công việc do họ tự do lựa chọn hoặc chấp nhận, và các quốc gia phải thi hành các biện pháp thích hợp để đảm bảo quyền này.2. Các  quốc gia thành viên Công ước phải tiến hành các biện pháp để thực hiện đầy đủ quyền này, bao gồm triển khai các chương trình đào tạo kỹ thuật và hướng nghiệp, các chính sách và biện pháp kỹ thuật nhằm đạt tới sự phát triển vững chắc về kinh tế, xã hội và văn hoá, tạo công ăn việc làm đầy đủ và hữu ích với điều kiện đảm bảo các quyền tự do cơ bản về chính trị và kinh tế của từng cá nhân.

Điều 7 ICESCR khẳng định về quyền của mọi người được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi, đặc biệt là được đảm bảo: a) Thù lao cho tất cả mọi người làm công tối thiểu  phải đảm bảo thoả đáng và công bằng, đảm bảo cuộc sống tương đối đầy đủ cho họ và gia đình họ; b) Những điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh; c) Cơ hội ngang nhau cho mọi người trong việc được đề bạt lên chức vụ thích hợp cao hơn, chỉ cần xét tới thâm niên và năng lực làm việc; d) Sự nghỉ ngơi, thời gian rảnh rỗi, giới hạn hợp lý số giờ làm việc, những ngày nghỉ thường kỳ được hưởng lương cũng như thù lao cho những ngày nghỉ lễ.

Điều 8 ICESCR khẳng định về quyền của mọi người được thành lập và gia nhập công đoàn do mình lựa chọn, theo quy chế của tổ chức đó, để thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích kinh tế và xã hội của mình. Cùng với quyền này là quyền đình công với điều kiện là quyền này phải được thực hiện phù hợp với pháp luật của mỗi nước.

Các quyền trong lĩnh vực lao động còn được ghi nhận và bảo vệ bởi rất nhiều văn kiện do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khởi xướng. Một chức năng cơ bản của ILO là thiết lập các chuẩn mực lao động quốc tế bằng việc thông qua các công ước và khuyến nghị bao trùm các lĩnh vực liên quan đến lao động, đôi lúc chúng được nhắc đến như là Bộ luật Lao động quốc tế (International Labour Code). Các chủ đề rất rộng, bao gồm tự do lập hội, sức khỏe người lao động, các điều kiện lao động trong lĩnh vực hàng hải, lao động ban đêm, phân biệt đối xử, lao động cưỡng bức, lao động trẻ em…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *