Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
21268

Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng đóng cửa, diễn viên lao đao

Các diễn viên của Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng đang lao đao khi điểm diễn quen thuộc với du khách hơn 20 năm nay tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM buộc phải đóng cửa từ khi dịch COVID-19 tấn công.

Ở TP.HCM, có thể nói đây là điểm diễn múa rối nước hoạt động thường xuyên và có tuổi đời cao tại TP.

Ai có dịp đi ngang Cung văn hóa Lao động (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1) hồi trước dịch bệnh, mỗi ngày sẽ bắt gặp hình ảnh quen thuộc từng hàng xe chở khách du lịch đổ xuống địa điểm này để du khách thưởng thức nghệ thuật múa rối nước truyền thống VN.

Với uy tín của mình, Rồng Vàng trở thành điểm hẹn không thể thiếu của các công ty du lịch khi giới thiệu đến du khách những sô diễn nghệ thuật đặc sắc ở TP.HCM. Trung bình mỗi ngày nhà hát biểu diễn ít nhất hai suất, mỗi năm lên đến khoảng 800 suất diễn.

Tuy nhiên, vì sống nhờ vào hoạt động du lịch nên một khi du lịch bị đình trệ, Rồng Vàng đành phải đóng cửa. Hơn 20 năm ròng, đây là lần đầu tiên các diễn viên, nhân viên của nhà hát nếm mùi… thất nghiệp!

Với Ngọc Phượng – người xuất thân từ diễn viên diễn rối cạn vì mê mà xin tham gia học tập và dần trở thành diễn viên rối nước tại Rồng Vàng sau 3, 4 năm rèn luyện – thì đợt thất nghiệp này khiến cô chới với.

Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng đóng cửa, diễn viên lao đao - Ảnh 1.

Các diễn viên múa rối nước Rồng Vàng chào khán giả sau suất diễn – Ảnh: LINH ĐOAN

“Thật sự không bao giờ tôi nghĩ tới ngày này. Tôi bị nghệ thuật múa rối nước quyến rũ nên mê quá mà theo luôn tới giờ. Nhà hát đã trở thành ngôi nhà thứ hai của anh em chúng tôi. Sau mỗi suất diễn là rèn luyện, tập thêm những trò diễn mới có khi kéo dài tới 11h đêm.

Vậy nên, anh em tụi tôi coi như ăn ngủ cùng nhau. Thời gian ở nhà hát còn nhiều hơn ở nhà” – Ngọc Phượng chia sẻ. Trong thời gian nhà hát đóng cửa, mỗi khi có dịp ngang đây cô đều tranh thủ rẽ vào, đứng nhìn cánh cửa đóng im lìm rồi cứ vậy mà rớt nước mắt.

Đức Trung, Tấn Vinh – hai nam diễn viên gắn bó với Rồng Vàng trên 10 năm – đều hụt hẫng khi nhà hát đột ngột đóng cửa. Họ cũng là những người được đào tạo bài bản và làm nghề mỗi ngày để phục vụ du khách. Khi dịch bệnh ập đến, mỗi người tứ tán dạt ra ngoài để kiếm sống.

Đức Trung cho biết các bạn nam chủ yếu bán hàng ăn vặt online, nhận giao hàng, còn các bạn nữ thì đóng gói hàng hóa hoặc đi may đồ để đắp đổi sống qua ngày.

“Có một hãng xe công nghệ chuyên dịch vụ giao hàng, vậy là bạn này rủ bạn kia, diễn viên nam nhà hát tụi tui tham gia cũng nhiều lắm. Tụi tui đã quen công việc biểu diễn, thật sự bước ra ngoài đi làm thấy lạ lẫm lắm, suốt ngày chạy ngoài đường nắng nôi, rồi phải đối diện với những khách hàng khó dễ, có lúc lại bị “bom” hàng…” – Đức Trung kể.

Đào tạo ra một diễn viên múa rối nước không phải dễ, ngoài việc có năng khiếu, cảm được âm nhạc, luyện đôi tay khéo léo, người diễn viên cần phải có sức khỏe tốt, phải chịu được lạnh (vì biểu diễn ngâm mình dưới nước), bị ảnh hưởng bệnh nghề nghiệp như đau cột sống, lưng, cổ, khớp tay…

Ngọc Phượng cho biết vì phải dùng tay trực tiếp điều khiển nên bàn tay ngâm lạnh, không khéo rất dễ bị tét tay chảy máu.

Với đa số diễn viên, vì gắn bó với nghề mười mấy hai mươi năm nay nên họ bày tỏ sự thông cảm với nhà hát và mỗi người cố gắng bươn chải để mong một ngày được trở lại biểu diễn.

Tuy nhiên, như Đức Trung thổ lộ: “Tôi thì xác định đây là nghiệp của mình rồi, không thể bỏ được, thế nhưng có vài người vì phải lo cuộc sống gia đình nên họ buộc phải chọn một công việc khác để ổn định hơn. Và ngày trở lại, sự thiếu hụt nghệ sĩ có lẽ sẽ khó tránh khỏi…”.

Linh Đoan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *