Trong khu vực Đông Nam Á, có 6/11 quốc gia đã thành lập NHRIs và hầu hết các NHRIs dưới dạng “Ủy ban nhân quyền” (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Myanmar), chỉ riêng Đông Timo được thành lập dưới dạng “Thanh tra Quốc hội” (Ombusman). Nhìn chung, các NHRIs ở khu vực Đông Nam Á đều được thành lập dựa trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và/hoặc các đạo luật riêng, và đều có chức năng bán tư pháp (tức là có thẩm quyền tài phán và giải quyết khiếu kiện).
Việt Nam hiện nay chưa có NHRIs. Trong những năm gần đây, Nhà nước Việt Nam đã đưa ra những cam kết chính trị mạnh mẽ về tăng cường bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, trong đó bao gồm việc ủng hộ thành lập một NHRIs. Điều này thể hiện cụ thể qua các cam kết khi Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ và việc chấp thuận khuyến nghị của một số quốc gia về việc xem xét thành lập NHRIs trong tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ 2, 3 năm 2014 và 2019. Hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang triển khai việc nghiên cứu thành lập NHRIs của Việt Nam.
Một câu hỏi được đặt ra là Việt Nam có nên thành lập NHRIs không? Qua những phân tích về các quốc gia Đông Nam Á kể trên, có thể thấy nhu cầu thành lập NHRIs ở các quốc gia này xuất phát từ hai lý do chính, đó là: thứ nhất, sức ép từ phía cộng đồng quốc tế với việc cải thiện tình hình nhân quyền ở các quốc gia này; thứ hai, đòi hỏi của người dân với chính quyền quan tâm và giải quyết các vấn đề nhân quyền. Đối với Việt Nam, với quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước là tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện trong Hiến pháp 2013, việc thành lập NHRIs trước hết và trên hết xuất phát từ nhu cầu bảo đảm tốt hơn quyền của người dân. Vì thế, việc thành lập NHRIs là cần thiết. Ngoài ra, từ kinh nghiệm của các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, có thể thấy việc thành lập NHRIs còn hữu ích cho Việt Nam ở những khía cạnh khác.
Thứ nhất, với vị thế đặc biệt của nó, NHRIs sẽ là cơ quan hữu ích giúp cho nhà nước thúc đẩy quyền con người thông qua việc cung cấp những tư vấn và trợ giúp độc lập, khách quan, có tính xây dựng cho nhà nước, cũng như giúp nhà nước giám sát, xử lý các hành vi vi phạm nhân quyền.
Thứ hai, việc thành lập NHRIs đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, vì thế làm tăng uy tín của nhà nước trên trường quốc tế, đồng thời là đầu mối cung cấp thông tin khách quan, tin cậy cho cộng đồng quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Thứ ba, việc thành lập NHRIs sẽ giúp làm trung gian giúp giảm thiểu và hóa giải những bất đồng giữa nhà nước với người dân và các chủ thể khác trong vấn đề nhân quyền.
Về dạng thức, việc thành lập NHRIs ở Việt Nam đòi hỏi phải có thêm những nghiên cứu chuyên sâu, tuy nhiên, kinh nghiệm từ các nước Đông Nam Á cho thấy, thành lập dưới dạng một Ủy ban Nhân quyền quốc gia là phù hợp hơn cả. Tuy nhiên, gợi ý này không đồng nghĩa với sự giới hạn về số lượng. Việt Nam có thể thành lập nhiều hơn một NHRIs nếu có các điều kiện khách quan và chủ quan phù hợp (như trường hợp Thái Lan có cả NHRCT và Ombudsman).
Về mối quan hệ với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, kinh nghiệm của các nước Đông Nam Á cho thấy, Ủy ban Nhân quyền quốc gia có thể đặt dưới sự quản lý của Quốc hội hoặc Chính phủ, tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam, việc đặt cơ quan này dưới sự quản lý của Quốc hội có thể sẽ nhận được sự ủng hộ cao hơn. Thực tiễn NHRIs ở các quốc gia Đông Nam Á cho thấy, trong giai đoạn đầu thành lập, các cơ quan này chưa thể có sự độc lập tương đối đối với các Chính phủ (nhánh hành pháp), mà phải sau một khoảng thời gian hoạt động từ 5-10 năm, sự độc lập tương đối mới dần được hình thành.
Về chức năng và thẩm quyền, Ủy ban Nhân quyền quốc gia nên là một cơ quan đầu mối về nhân quyền và có chức năng giám sát, tham vấn cho các cơ quan nhà nước khác trong việc xây dựng, triển khai các chính sách, pháp luật có liên quan đến nhân quyền; và theo thời gian, chức năng và thẩm quyền của cơ quan này sẽ dần được điều chỉnh mở rộng (bao gồm chức năng bán tư pháp).
Về cơ sở pháp lý, Ủy ban Nhân quyền quốc gia nên được thành lập theo một đạo luật của Quốc hội. Điều này sẽ giúp khẳng định được vị trí, vai trò của cơ quan này trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước cũng như để tạo được uy tín, sự tin tưởng (đối với cơ quan này) từ phía dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế.