Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
19659

Mở rộng dân chủ bầu cử để không chọn nhầm cán bộ

Mở rộng dân chủ bầu cử để không chọn nhầm cán bộ.

Bí thư tỉnh ủy là nhân sự cấp chiến lược của Đảng. Việc bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy tại đại hội không chỉ góp phần nâng cao uy tín của Đảng trong tình hình mới, mà còn làm cơ chế bầu cử trong Đảng được hoàn thiện. Mở rộng dân chủ bầu cử để không chọn nhầm cán bộ

Tín hiệu tích cực từ Quảng Ninh

Thông tin Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị Ban Tổ chức Trung ương báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý chủ trương Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh được thực hiện thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy tại đại hội thu hút sự quan tâm của dư luận.

Dư luận quan tâm bởi lẽ từ trước đến nay, đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành bầu cử theo cơ chế đại hội bầu ban chấp hành khóa mới, sau đó ban chấp hành lựa chọn, bầu bí thư tỉnh ủy trong số cấp ủy viên vừa trúng cử.

Mở rộng dân chủ bầu cử để không chọn nhầm cán bộ
Mở rộng dân chủ bầu cử để không chọn nhầm cán bộ
Đoàn công tác của Ban Bí thư TƯ Đảng do ông Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tổ chức TƯ làm trưởng đoàn làm việc với tỉnh Quảng Ninh ngày 6/6. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Phương thức bầu cử này đã ổn định từ nhiều nhiệm kỳ nay, có ưu điểm là bầu được người nằm trong diện quy hoạch, nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao của các thành viên cấp ủy khóa mới. Nếu nhân sự dự bầu bí thư tỉnh ủy trải qua thực tiễn chứng tỏ là người thật sự nổi trội, ưu tú về mọi mặt và đáp ứng đủ tiêu chí, tiêu chuẩn, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ, thì việc thực hiện cơ chế này cơ bản phù hợp.

Tuy vậy, cơ chế “bầu tròn” (tức là bầu không có số dư) người đứng đầu cấp ủy chỉ trong phạm vi cấp ủy phần nào làm giảm tính cạnh tranh lành mạnh trong bầu cử.

Do đó, có thể khẳng định rằng, việc Tỉnh ủy Quảng Ninh tiên phong đề nghị được thực hiện bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy tại đại hội là bước tiến mới trong đại hội. Đây là việc làm chưa có trong tiền lệ, nhưng rất đáng khuyến khích, bởi thực hiện tốt việc này là góp phần tăng cường, mở rộng, phát huy dân chủ rộng rãi hơn, hiệu quả hơn trong việc lựa chọn, bầu cử những người xứng đáng vào vị trí lãnh đạo cao nhất cấp ủy cấp tỉnh. không chọn nhầm cán bộ

Theo quy định của Điều lệ Đảng, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc.

Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Điều này cho thấy vị thế, thẩm quyền, trách nhiệm của đại hội đảng bao giờ cũng lớn lao hơn, nặng nề hơn cấp ủy đương nhiệm. Do đó, việc bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy tại đại hội sẽ góp phần nâng tầm vị thế, thẩm quyền, uy tín của người được bầu giữ chức vụ lãnh đạo cao nhất của tỉnh.

Khi được đại hội trực tiếp bầu cử, uy danh, tiếng nói, vai trò của bí thư tỉnh ủy sẽ trọng lượng hơn, lan tỏa hơn trong cấp ủy khóa mới nói riêng, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên toàn đảng bộ nói chung. Vì danh có chính, ngôn mới thuận. Khi được nhiều người đồng lòng nhất trí giới thiệu, đề cử và bầu giữ chức người đứng đầu cấp ủy, bí thư tỉnh ủy mới có điều kiện phát huy tốt hơn trọng trách của mình trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Nhân sự bí thư tỉnh ủy là nhân sự cấp chiến lược của Đảng. Thế nên, việc bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy tại đại hội không chỉ góp phần nâng cao vị thế, uy tín cầm quyền của Đảng trong tình hình mới, mà còn bảo đảm cho cơ chế bầu cử trong Đảng không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, phù hợp với trình độ dân trí ngày càng cao và xã hội văn minh; phù hợp với xu hướng phát triển dân chủ của các đảng cách mạng, đảng cầm quyền chân chính trên thế giới.

Sàng lọc kỹ, lựa chọn nhân sự tốt nhất giữ vị trí đứng mũi chịu sào

Chưa bao giờ công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng các cấp, nhất là nhân sự Đại hội 13 của Đảng lại được đặc biệt quan tâm như hiện nay. Từ giữa năm 2019 đến nay, Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, hướng dẫn nhằm bảo đảm chuẩn bị tốt nhất nhân sự bầu vào cấp ủy các cấp khóa mới. Cấp ủy càng cao thì công tác chuẩn bị nhân sự càng phải bảo đảm chặt chẽ, chu đáo, thận trọng thì mới tạo cơ sở lựa chọn được những nhân tố ưu tú nhất vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của tổ chức đảng giữa hai kỳ đại hội.

Một trong những điểm mới đã được xác định tại Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng” là thực hiện đại hội lấy phiếu giới thiệu bí thư cấp ủy trong số những người vừa trúng cử vào ban chấp hành đảng bộ khóa mới, trừ những nơi trực tiếp bầu bí thư cấp ủy. Kết quả giới thiệu của đại hội để cấp ủy khóa mới tham khảo khi bầu bí thư cấp ủy. Trường hợp giới thiệu của đại hội khác với phương án nhân sự được duyệt thì báo cáo cấp ủy cấp trên cho ý kiến chỉ đạo trước khi bầu bí thư cấp ủy.

Không ngẫu nhiên mà Bộ Chính trị đã đề ra yêu cầu như vậy, vì trên thực tế có những nhân sự dự bầu bí thư cấp ủy tuy có thể được cấp ủy đồng ý, nhưng khi lấy phiếu tín nhiệm trong đại hội lại chưa được tín nhiệm của số đông đại biểu.

Trong trường hợp này, việc lựa chọn bí thư cấp ủy khóa mới phải hết sức thận trọng, chặt chẽ để bảo đảm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên của đảng bộ; rất nên tránh tình trạng tuy cấp ủy lựa chọn, bầu được bí thư cấp ủy khóa mới, nhưng phần đông cán bộ, đảng viên lại không “tâm phục, khẩu phục”, từ đó vừa có thể nảy sinh mầm mống, nguy cơ mất đoàn kết nội bộ, vừa gây khó cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy sau đại hội.

Một trong hai nhiệm vụ quan trọng nhất của đại hội đảng các cấp là giới thiệu, lựa chọn, bầu được những nhân sự có đủ tiêu chuẩn, tiêu chí, uy tín vào cấp ủy khóa mới. Trong đó, đại hội phải rất tinh tường, sáng suốt, công tâm lựa chọn người tiêu biểu nhất trong đội ngũ cấp ủy khóa mới để bầu họ giữ cương vị đứng mũi chịu sào, cầm cân nảy mực trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Đầu có xuôi, đuôi mới lọt.

Người đứng đầu cấp ủy phải là người bản lĩnh toàn diện, ưu tú toàn năng, đức tài toàn vẹn nhất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của tổ chức đảng mới hy vọng trở thành “hoa tiêu” tỏa sáng, dẫn đường chỉ lối cho người khác tự nguyện học tập, noi theo.

Thực tiễn cách mạng đã chứng minh rằng, cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược chính là nhân tài của đất nước.

Nhân tài tuy chỉ chiếm tỉ lệ rất ít trong số đông, nhưng họ có khả năng góp phần làm xoay chuyển tình thế cách mạng, biết khai thác thuận lợi, khắc phục khó khăn để nhân lên thời cơ, giảm thiểu nguy cơ, phát huy sức mạnh tổng hợp để lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, ban, ngành, địa phương thực hiện, hoàn thành tốt các mục tiêu chính trị của tổ chức đề ra. Do đó, lựa chọn, bố trí, sử dụng đúng những nhân tài không chỉ góp phần mang lại lợi ích tốt đẹp, tối ưu cho mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, mà còn mang lại “hồng phúc” cho Đảng, đất nước và dân tộc.

nhanquyenvn.org/

Thiện Văn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *