Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức tri ân và lễ húy kỵ, kỷ niệm ngày mất của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát – người có công định chế y phục, trong đó có chiếc áo dài Việt Nam.
Đoàn diễu hành đến Triệu Miếu để dâng hương, húy kỵ và tri ân Võ vương Nguyễn Phúc Khoát ẢNH T.T.H
Sáng 9.7, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tại lăng Trường Thái để tri ân Võ vương Nguyễn Phúc Khoát – người có công định chế lại y phục áo dài Việt Nam, với sự có mặt của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ cùng bà con hậu duệ nhà Nguyễn, đông đảo nhà thiết kế, nghệ nhân thêu, người mẫu, người dân…
Sau khi dâng hương tại lăng Trường Thái, đoàn hành lễ đã diễu hành áo dài đến Triệu Tổ Miếu (Hoàng thành, TP.Huế) và tiến hành nghi lễ húy kỵ, kỷ niệm ngày mất của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (7.7.1765 – nhằm 20.5 âm lịch năm Ất Dậu) tại Triệu Miếu theo nghi thức truyền thống.
Dâng hương tại lăng Trường Thái, nơi yên nghỉ của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát ẢNH: T.T.H |
Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) hiệu Võ vương, là vị chúa Nguyễn thứ 8, trị vì Đàng Trong từ năm 1738 đến 1765. Thời trị vì của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, xứ Đàng Trong trở thành một đế chế hùng mạnh, lãnh thổ được mở mang và bước vào giai đoạn phát triển đỉnh cao. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các ngành kinh tế sản xuất hàng hóa và hoạt động giao thương buôn bán mà Đàng Trong trở nên giàu có, phồn thịnh; chính quyền được xây dựng vững chắc, đủ sức đối trọng với Đàng Ngoài và các thế lực thù địch. Thông qua hoạt động ngoại thương, Đàng Trong trở nên nổi tiếng và được biết đến như là vương quốc riêng của họ Nguyễn, mọi thư từ trao đổi được xếp ngang hàng với các quốc gia độc lập khác như ở Đàng Ngoài.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế tham dự lễ dâng hương tại lăng Trường Thái ẢNH: T.T.H |
Thời kỳ Võ vương cũng có nhiều cải cách được ban hành như: phủ đổi thành điện, những gì trình lên vua gọi là tấu, Thân quân gọi là Vũ lâm quân, Văn chức đổi là Hàn lâm viện. Bộ máy hành chính chia làm 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình và Công.
Tái hiện đoàn rước gồm các quan viên, binh lính, lễ nhạc trong đoàn diễu hành ẢNH: D.T.H |
Diễu dành áo dài dâng hoa, dâng hương tri ân Võ vương Nguyễn Phúc Khoát – “ông tổ” của chiếc áo dài Việt Nam ẢNH: D.T.H |
Đặc biệt, “Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) đã mượn câu sấm truyền “bát đại hoàn trung đô” để thay đổi vận mệnh nên quyết định chính thức lên ngôi vương, xây dựng Đô thành Phú Xuân, hạ lệnh đổi mới phong tục, trang phục trên toàn cõi Nam Hà; bắt buộc dân chúng nam, nữ đều phải dùng kiểu áo năm thân cổ dựng, cài khuy bên phải cùng với quần hai ống, trên đầu để tóc búi. Từ đây, áo bốn thân, váy, tóc vấn dần dần không còn xuất hiện phổ biến ở Đàng Trong”, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên – Huế, cho biết.
ĐOÀN DIỄU HÀNH ÁO DÀI TRI ÂN VÕ VƯƠNG NGUYỄN PHÚC KHOÁT ẢNH: B.N.L |
Cử hành nghi lễ húy kỵ Võ vương Nguyễn Phúc Khoát theo nghi thức truyền thống ẢNH: D.T.H |
Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành quy định nhằm định chế lại chế độ y quan trong triều chính, quy định lại chiếc áo dài của cả nam lẫn nữ nhằm phân biệt y phục giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Do đó, Lê Quý Đôn trong sách Phủ biên tạp lục đã nhận xét rằng: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết những trang sử đầu cho chiếc áo dài như vậy”.
Ngày 7.7.1765 (nhằm 20.5 âm lịch năm Ất Dậu), chúa Nguyễn Phúc Khoát qua đời, thọ 51 tuổi. Ông được táng tại lăng Trường Thái, làng La Khê (nay thuộc xã Hương Thọ, TX.Hương Trà, Thừa Thiên – Huế)
Bùi Ngọc Long