Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
22369

Hồ Pangong huyền bí – lời giải của tranh chấp biên giới Ấn-Trung?

 

Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong gần một năm qua đã tạm được giải quyết vào ngày 22-2 khi toàn bộ binh sĩ và khí tài quân sự hạng nặng của hai bên được rút ra xa khỏi Đường kiểm soát thực tế (LAC), đoạn chạy qua bờ Bắc và bờ Nam của hồ Tso Pangong thuộc khu vực Đông Ladakh trên dãy Himalaya. Theo các nhà phân tích, đây là tiền đề quan trọng để hai nước xử lý các mâu thuẫn khác.

Hồ Pangong có một vẻ đẹp nên thơ với nước hồ xanh thay đổi màu sắc tuỳ vào thời điểm trong ngày

Hãng tin CNN ngày 22-2 đã cho đăng lại nội dung của tuyên bố chung giữa Bộ Quốc phòng Ấn Độ và Trung Quốc, khẳng định vòng đàm phán cấp Tư lệnh quân đoàn lần thứ 10 đánh giá tích cực về việc hoàn tất suôn sẻ quá trình rút lực lượng tiền tuyến khỏi khu vực hồ Pangong. Theo đó, New Delhi và Bắc Kinh nêu rõ: “Hai bên đã nhất trí tiếp tục giao thiệp và đối thoại, ổn định và kiểm soát tình hình trên thực địa, đồng thời thúc đẩy một giải pháp mà 2 bên có thể chấp nhận được đối với những vấn đề còn tồn đọng”. Động thái này được giới quan sát đánh giá là một “bước tiến quan trọng”, mang lại điểm khởi đầu tốt đẹp cho giải pháp giải quyết những tranh chấp khác ở khu vực phía Tây của biên giới tranh chấp này. Suốt hơn 80 năm qua, Ấn Độ-Trung Quốc vẫn luôn mâu thuẫn về tuyến biên giới dài gần 3.500km dọc dãy Himalaya và đụng độ thường xảy ra do các tuyên bố chồng lấn. Hơn 20 vòng đàm phán diễn ra nhưng chưa thể đưa hai quốc gia đông dân nhất thế giới này đi đến đồng thuận về vấn đề biên giới. Căng thẳng giữa hai bên đã leo thang trở lại hồi đầu tháng 5 năm ngoái. Câu hỏi được đặt ra lúc này là tại sao hồ Pangong thanh bình – một địa điểm thu hút rất đông khách du lịch lại trở thành tâm điểm của tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc?

Mỏ muối quan trọng

Tờ The Print cho hay, Trung Quốc đã kiểm soát hơn một nửa hồ nước lợ cao nhất thế giới, nhưng kể từ tháng 5-2020, họ còn thực hiện thêm các cuộc xâm nhập để ngăn chặn các cuộc tuần tra của quân đội Ấn Độ. Trong 11 năm qua, hồ nước mặn cao nhất thế giới này là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Ladakh, với hàng chục nghìn người đổ về để chụp ảnh và tham quan. Nhưng vẻ đẹp nguyên sơ của hồ Pangong lại mang một mối bất hòa sâu sắc về lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Biên giới trên thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở bang Jammu, Kashmir và hiện nay thuộc lãnh thổ liên hiệp của Ladakh là LAC- đường ngừng bắn không chính thức sau cuộc chiến năm 1962, và vào năm 1993, được chấp nhận trong một thỏa thuận song phương. Tuy nhiên, do yêu sách của cả hai quốc gia vẫn khác nhau nên dẫn đến nhiều lần bùng phát đấu súng, chiến sự. LAC không chỉ chạy qua đất liền mà còn xuyên qua hồ Pangong- một hồ dài 155 km, hẹp, sâu và không giáp biển, có tổng diện tích trên 700 km2. Phần phía Tây của hồ dài 45 km nằm trong sự kiểm soát của Ấn Độ. Sườn của những ngọn núi cằn cỗi nhô ra hồ ở tám điểm khác nhau, được chính thức gọi là “ngón tay”. Ấn Độ tuyên bố rằng lãnh thổ của họ kéo dài cho đến ngón tay cực Đông, tức là số 8.

Hồ Pangong có một vị trí địa lý chiến lược trong khu vực tranh chấp Ấn Độ-Trung Quốc

Một quan chức cấp cao của chính quyền Jammu, Kashmir – người từng là một phần của chính quyền Ladakh trước khi nó được coi là một lãnh thổ liên hiệp riêng biệt, cho biết hồ Pangong được coi là một phần rất quan trọng của đặc tính Ladakhi và đó là lý do tại sao người dân địa phương cũng trả đũa các cuộc xâm nhập của quân đội Trung Quốc. “Lực lượng an ninh được bố trí trong khu vực luôn thể hiện sự kiềm chế, nhưng người dân Ladakh luôn đối đầu với Trung Quốc bất cứ khi nào có nỗ lực xâm nhập. Ở những khu vực như Demchok và Chushul, rất nhiều đất chăn thả đã bị người Trung Quốc xâm phạm. Nông dân thường đến gặp chính quyền địa phương để can thiệp. Có những khu vực không có người sinh sống, nhưng người dân địa phương sử dụng chúng để chăn thả gia súc và họ thường đối đầu với người Trung Quốc”, quan chức giấy tên này nói. Mặc dù có rất ít nghiên cứu học thuật được thực hiện về lịch sử của hồ Pangong, nhưng hồ này rất quan trọng đối với người dân Ladakh vì nó tạo ra mỏ muối được tiêu thụ tại địa phương và thậm chí xuất khẩu, theo đánh giá  Phunchok Stobdan, nhà ngoại giao và chuyên gia chiến lược Ấn Độ. “Ngoài tầm quan trọng chiến lược to lớn, hồ còn là nguồn cung cấp muối. Không chỉ có hồ Pangong, mà còn có các hồ khác. Chúng không chảy ra ngoài mà tạo ra muối. Hầu như không có bất kỳ tài liệu nào về việc xuất khẩu hoặc nhập khẩu muối Ladakh, nhưng nó chắc chắn được tiêu thụ tại địa phương. Nó có thể có một số giá trị khoáng chất, điều này chưa thực sự được nghiên cứu. Theo truyền thống, mỏ muối sẽ được sử dụng để sản xuất thuốc, nhưng nó thiếu iốt”, Stobdan, cựu Đại sứ của Ấn Độ tại Kyrgyzstan, cho biết.

Việc khan hiếm công việc học thuật, nghiên cứu về hồ Pangong còn do tranh chấp biên giới Ấn Độ – Trung Quốc và kết quả là quân sự hóa khu vực này. “Với hồ nước bị chia cắt giữa Ấn Độ và Trung Quốc, chúng tôi chưa thể khám phá hoàn toàn về hệ sinh thái của hồ. Chúng tôi không biết nó như thế nào ở phía Trung Quốc. Có thể có một hệ sinh thái đầm lầy rất sống động mà chúng ta chưa biết đến. Khu vực này có thể có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc vì nhiều lý do”, nhà sinh vật học nổi tiếng, TS Raghunandan Chundawat nhận xét. Và nay, việc quân sự hóa cũng đã tác động đến hệ sinh thái của hồ Pangong. “Nếu bạn đi trên bất kỳ con dốc nào bao quanh hồ, nó đều được xây dựng kiên cố. Tất cả các sườn dốc đều có boongke quân đội, các công trình phá hoại môi trường. Hồ có thể bị nhiễm mặn nhưng nó có hệ động thực vật riêng”, TS Raghunandan Chundawat nói thêm.

Vị thế quân sự chiến lược

Giải thích thêm về sự khởi đầu của mối bất hòa quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc về hồ Pangong, cựu Tư lệnh quân đội miền Bắc Ấn Độ, Trung tướng H.S. Panag kể: “Theo ranh giới quốc tế ban đầu mà chúng tôi thừa kế vào năm 1947, chúng tôi có một phần lớn hơn của hồ Pangong so với ngày nay. Điều đã xảy ra là Trung Quốc có một đường yêu sách mà họ đã thông báo cho Ấn Độ vào tháng 11-1959. Một số người gọi đó là đường yêu sách năm 1960. Đường tuyên bố chủ quyền đó gần với LAC ngày nay, nhưng ngay cả trước năm 1962, Trung Quốc đã chiếm khu vực pháo đài Khurnak và chỉ ở khu vực Sirijap nơi Dhan Singh Thappa đã đánh trận chiến năm 1962 nổi tiếng. Vì vậy, bây giờ, LAC chạy qua ngón tay thứ 8, trong khi đường yêu sách của Trung Quốc là đến ngón tay thứ 4. Trung Quốc đã lấy hồ, từ khu vực chung của pháo đài Khurnak, nơi có đường biên giới quốc tế, lên đến Sirijap vào năm 1962. Về cơ bản là đến ngón tay thứ 8. Bây giờ, họ đã lấy khu vực này từ ngón tay thứ 8 đến ngón tay thứ 4, và họ không cho phép chúng tôi tuần tra đến LAC”. Trung tường H.S. Panag cũng nói thêm rằng, Trung Quốc có thể sử dụng vùng nước để tấn côngvà họ cũng có thể làm điều tương tự từ khu vực Chushul: “Phòng thủ trên cao là ở tầm cao chứ không phải ở bờ kênh. Hệ thống phòng thủ chính sẽ ở trên núi. Bờ Bắc và bờ Nam của hồ sẽ được bảo vệ hoàn toàn trong tình huống chiến tranh gay gắt”.

Ấn Độ và Trung Quốc đã đạt thoả thuận để rút toàn bộ binh sĩ và khí tài quân sự hạng nặng ra xa khỏi LAC, đoạn chạy qua bờ Bắc và bờ Nam của hồ Tso Pangong thuộc khu vực Đông Ladakh trên dãy Himalaya

Tờ Civilsdaily thì cho hay, hồ Pangong nằm trong con đường của “cách tiếp cận Chushul”, một trong những cách tiếp cận chính mà Trung Quốc có thể sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Ấn Độ. Các đánh giá khác cũng cho thấy, một cuộc tấn công lớn từ phía Trung Quốc, nếu xảy ra, sẽ tràn qua cả phía Bắc và phía Nam của hồ. Trong cuộc chiến năm 1962, đây là nơi Trung Quốc phát động cuộc tấn công chính và quân đội Ấn Độ đã chiến đấu anh dũng tại Rezang La, con đèo trên đường tiếp cận phía Đông Nam tới thung lũng Chushul, nơi Đại đội Ahir của 13 Kumaon do Thiếu tá Shaitan Singh chỉ huy đóng. Cách đó không xa, về phía Bắc của hồ, là đồn Dhan Singh Thapa của quân đội Ấn Độ được đặt theo tên của Thiếu tá Dhan Singh Thapa, người đã được trao giải thưởng dũng cảm cao nhất. Trong những năm qua, người Trung Quốc đã xây dựng những con đường dành cho xe máy dọc theo bờ hồ Pangong nơi họ giành quyền kiểm soát. Căn cứ Huangyangtan của quân đội Trung Quốc ở Minningzhen, phía Tây Nam của Ngân Xuyên, thủ phủ của khu tự trị Hồi Ninh Hạ, là một mô hình quy mô lớn của khu vực tranh chấp này ở Aksai Chin. Nó chỉ ra tầm quan trọng mà người Trung Quốc dành cho hồ Pangong. Ngay cả trong thời bình, sự khác biệt trong nhận thức về nơi LAC nằm ở bờ phía Bắc của hồ đã tạo nên địa hình tranh chấp này. Năm 1999, khi đơn vị lục quân từ khu vực này được chuyển đến Kargil cho Chiến dịch Vijay, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội để xây dựng 5 km đường bên trong lãnh thổ Ấn Độ dọc theo bờ hồ. Từ một trong những con đường này, các vị trí của Trung Quốc trên thực tế nhìn ra các vị trí của Ấn Độ ở mũi phía Bắc của hồ.

Về đối đầu trên mặt nước hồ, người Trung Quốc có một lợi thế lớn cho đến vài năm trước  là những chiếc thuyền vượt trội của họ theo đúng nghĩa đen có thể chạy vòng quanh thuyền của Ấn Độ. Nhưng cách đây 8 năm, Ấn Độ đã mua những chiếc thuyền Tampa tốt hơn, dẫn đến phản ứng nhanh hơn và quyết liệt hơn. Mặc dù đã có những cuộc tập trận được thiết lập kỹ lưỡng để tách tàu tuần tra của cả hai bên, nhưng các cuộc đối đầu trên mặt hồ đã dẫn đến tình hình căng thẳng trong vài năm qua.

Ngoài tên Pangong, hồ nước này quan trọng này còn được gọi là Hollow, tức một hồ nội sinh, chỉ nhận nước từ các nhánh sông và không chảy ra biển. Trong hồ có khoảng 5 hòn đảo, lớn nhất là đảo Chim, nơi có rất nhiều loài chim sinh sống. Hồ Pangong được bao bọc bởi hai dãy núi Côn Lôn, Trung Quốc ở phía Bắc và Himalaya tại phía Nam. Điểm đặc biệt nhất của hồ là màu nước xanh thay đổi tùy thời điểm trong ngày. Bên cạnh đó, Pangong còn nổi tiếng với hai dòng nước mặn ở khu vực Kashmir và ngọt tại vùng Tây Tạng. Đây cũng là nơi sinh sống của vô số loài cá cùng thảm thực vật xanh mướt trải dọc ven bờ. Trong các cuộc đàm phán giữa Ấn Độ-Trung Quốc về tranh chấp biên giới, hồ Panong luôn là vấn đề lớn, tâm điểm tranh cãi. Từng xuất hiện trong các cảnh quay cuối của bộ phim bom tấn Ba chàng ngốc (Three Idiots), nằm ở độ cao 4.250 m, hồ Pangong dài khoảng 155 km chạy từ Tây sang Đông, rộng từ 40 m đến 15 km, sâu trung bình 57m. Đây là một trong những hồ nước lợ lớn nhất khu vực dãy Himalaya cũng như châu Á.

Sông Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *