Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
50755

Giới hạn chính đáng đối với quyền tự do biểu đạt trên mạng xã hội

 

Quyền tự do biểu đạt được ghi nhận gắn liền với quyền tự do quan điểm, tuy nhiên, việc giữ quan điểm, chính kiến là một quyền tuyệt đối, không bị hạn chế hay tước đoạt trong bất kỳ hoàn cảnh nào còn tự do biểu đạt lại phải chịu một số hạn chế nhất định. Sở dĩ như vậy bởi vì quan điểm, tư tưởng chỉ nằm bên trong ý thức con người vốn không gây tổn hại cho xã hội và vốn dĩ không thể kiểm soát nó còn việc thể hiện, chia sẻ, truyền bá quan điểm, tư tưởng ấy ra bên ngoài lại có thể dẫn đến xung đột, tổn thương các lợi ích chính đáng cần ưu tiên khác. Vì vậy, quyền tự do biểu đạt trên mạng xã hội cũng phải chịu những giới hạn chính đáng chung được áp dụng đối với quyền tự do biểu đạt.

Những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật

Trên cơ sở nguyên tắc đã được ghi nhận tại lời nói đầu của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 rằng: “mỗi cá nhân, trong khi có nghĩa vụ đối với người khác và đối với cộng đồng của mình, phải có trách nhiệm phấn đấu cho việc thúc đẩy và tôn trọng các quyền đã được thừa nhận”, quyền tự do biểu đạt cũng phải chịu những giới hạn nhất định vì nghĩa vụ trên. Tại khoản 3 Điều 19 Công ước này xác định:

Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:

  1. Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
  2. Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội.[1]

Theo đó, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt phải chịu một số hạn chế nhất định nhưng việc hạn chế quyền này phải dựa trên cơ sở lý do, điều kiện chính đáng. Điều kiện của việc hạn chế tự do biểu đạt là những hạn chế đó: 1) phải được quy định trong pháp luật; 2) phải vì các lý do chính đáng; 3) phải cần thiết để phục vụ các mục đích nêu ra trong lý do chính đáng.

Các điều kiện này được Bình luận chung số 34 năm 2011 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn giải cụ thể tại đoạn thứ 22:

Khoản 3 đưa ra những điều kiện cụ thể và chỉ dưới những điều kiện này mới có thể áp dụng các hạn chế: các hạn chế này phải “được luật pháp quy định”; chỉ được áp dụng các hạn chế dựa trên những lý do đưa ra trong mục (a) và (b) của khoản 3; và những hạn chế này phải tuân thủ những kiểm chứng nghiêm ngặt về tính cần thiết và mức độ tương xứng. Không được đưa ra những hạn chế với những lý do không nằm trong khoản 3, ngay cả nếu những lý do này có thể phù hợp để áp dụng hạn chế những quyền khác trong Công ước. Những hạn chế này chỉ được áp dụng với những mục đích mà vì những mục đích ấy những hạn chế này được đặt ra, và phải trực tiếp liên quan đến nhu cầu cụ thể mà những hạn chế này được định liệu.[2]

Diễn giải này xác định rành mạch và chặt chẽ các điều kiện của việc hạn chế quyền tự do biểu đạt. Thứ nhất, các hạn chế đối với quyền tự do biểu đạt nhất định phải được luật pháp quy định. Điều kiện này tiếp tục được cụ thể hóa tại các đoạn thứ 24 và 25 của Bình luận chung số 34. Theo đó, luật hạn chế quyền tự do biểu đạt có thể do cơ quan lập pháp hoặc tòa án ban hành nhưng không được phép trao thẩm quyền quyết định giới hạn tự do biểu đạt cho chủ thể có nhiệm vụ thi hành luật đó. Các điều luật hạn chế tự do biểu đạt phải công khai, minh bạch, dễ hiểu, cụ thể là: “được xác lập với độ chính xác thích đáng để căn cứ vào đó cá nhân có thể điều chỉnh hành vi của mình và phải được đưa ra để công chúng có thể tiếp cận”; “phải đưa ra hướng dẫn phù hợp để những người thừa hành có thể hiểu biết rõ những loại biểu đạt nào bị hạn chế và những loại biểu đạt nào không bị hạn chế”.  Thứ hai, việc hạn chế chỉ được đưa ra trên cơ sở các lý do tại khoản 3 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, mà cụ thể là: a) để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) để bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội. Ngoài ra không có mục đích nào khác được trở thành lý do hạn chế quyền tự do biểu đạt. Thứ ba, việc hạn chế đó là cần thiết và tương xứng để phục vụ mục đích chính đáng được nêu tại các lý do trong khoản 3 Điều 19. Tính cần thiết, tương xứng của các hạn chế phải được kiểm chứng nghiêm ngặt. Theo giải thích tại đoạn thứ 33 của Bình luận chung số 34 thì nguyên tắc cần thiết bị vi phạm khi việc bảo vệ các lợi ích chính đáng có thể đạt được bằng những hình thức khác mà không hạn chế tự do biểu đạt. Nguyên tắc tương xứng theo giải thích ở đoạn 34 Bình luận chung này thỏa mãn khi mà các biện pháp hạn chế phù hợp để đạt được chức năng bảo vệ; các biện pháp ấy phải là phương tiện ít xâm hại nhất trong số những biện pháp có thể để đạt được chức năng bảo vệ; những biện pháp ấy phải tương xứng với lợi ích cần được bảo vệ… Tóm lại, việc hạn chế quyền tự do biểu đạt chỉ được đặt ra trong trường hợp thực sự cần thiết để đạt được các mục đích chính đáng đã nêu trong Công ước và mức độ hạn chế vừa đủ để đạt được những mục đích ấy.

Như vậy có thể nói rằng lý do hạn chế quyền tự do biểu đạt là là điều kiện cốt lõi thể hiện tính chất chính đáng của việc giới hạn quyền này còn các điều kiện luật định, điều kiện về tính cần thiết, tương xứng là các điều kiện phải bảo đảm về hình thức. Lý do hạn chế quyền tự do biểu đạt được xác định tại khoản 3 Điều 19 ở trên là: nhằm tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia hoặc các lợi ích công cộng như: trật tự, sức khỏe, đạo đức… Bên cạnh đó, Điều 20 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 bổ sung rằng: “1. Mọi hình thức tuyên truyền cho chiến tranh đều bị pháp luật nghiêm cấm. 2. Mọi chủ trương gây hằn thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch, hoặc bạo lực đều phải bị pháp luật nghiêm cấm.”[3] Tức là, quyền tự do biểu đạt cũng bị hạn chế nếu quyền ấy được sử dụng để tuyên truyền cho chiến tranh; gây hằn thù trên các phương diện dân tộc, chủng tộc, tôn giáo; kích động bất kỳ sự phân biệt đối xử, thù địch, bạo lực nào.

Khác biệt với biện pháp giới hạn quyền tự do biểu đạt truyền thống

Tại đoạn thứ 22 Bình luận chung số 34 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn giải rằng việc hạn chế quyền tự do biểu đạt chỉ được áp dụng dựa trên những lý do đưa ra trong mục (a) và (b) của khoản 3 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Tuy nhiên, đoạn thứ 50 Bình luận chung này cũng ghi nhận rằng: “Các điều 19 và 20 tương thích và bổ sung cho nhau. Các hành vi nêu trong Điều 20 đều là đối tượng hạn chế trong khoản 3, Điều 19. Vì thế, một giới hạn được cho là hợp lý dựa vào Điều 20 cũng phải tuân theo khoản 3, Điều 19.”[4] Theo đó, có thể hiểu rằng việc thực hiện quyền tự do biểu đạt có thể bị hạn chế một cách chính đáng vì các lý do sau: 1) để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; 2) để bảo vệ an ninh quốc gia hoặc các lợi ích công cộng như: trật tự, sức khỏe, đạo đức…; 3) để ngăn chặn việc tuyên truyền, cổ động chiến tranh, gây hằn thù dân tộc, chủng tộc hay tôn giáo; 4) để ngăn chặn việc cổ súy, thúc đẩy sự phân biệt đối xử, thù địch hay bạo lực.

Mặc dù quyền tự do biểu đạt trên mạng xã hội cũng phải chịu những giới hạn chính đáng trên cơ sở các điều kiện, lý do áp dụng đối với quyền tự do biểu đạt nói chung nhưng do đặc thù về phương tiện biểu đạt nên biện pháp giới hạn đối với quyền tự do biểu đạt trên mạng xã hội có khác biệt với biện pháp giới hạn quyền tự do biểu đạt truyền thống. Trên thực tế, các quốc gia thường giới hạn quyền tự do biểu đạt trên mạng xã hội bằng hai biện pháp: kiểm soát nội dung biểu đạt trên mạng xã hội và kiểm soát việc tiếp cận Internet. Nguy cơ vi phạm quyền tự do biểu đạt từ việc kiểm soát nội dung biểu đạt có thể ngăn chặn bằng việc bảo đảm thực thi nghiêm túc các điều kiện và lý do giới hạn quyền này tại Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Đối với nguy cơ vi phạm quyền tự do biểu đạt do kiểm soát việc tiếp cận Internet, mặc dù chưa được lường đến trong bối cảnh ra đời của Công ước nhưng Bình luận chung số 34 nêu trên đã có các diễn giải ràng buộc để đảm bảo kiểm soát việc tiếp cận Internet phải tuân thủ giới hạn chính đáng đối với quyền tự do biểu đạt tại khoản 3 Điều 19 Công ước. Đoạn 39 Bình luận chung số 34 yêu cầu: “Quốc gia thành viên phải đảm bảo hành lang pháp lý và hành chính điều chỉnh các phương tiện truyền thông đại chúng phù hợp với các quy định trong khoản 3”. Tại đoạn 40 của Bình luận chung số 34, Ủy ban Nhân quyền tái khẳng định nhận xét trong Bình luận chung số 10: “do sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, cần có các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn việc kiểm soát truyền thông vì sự kiểm soát đó sẽ can thiệp vào quyền của mỗi người thụ hưởng tự do biểu đạt”. Cụ thể hơn, đoạn 43 trong Bình luận số 34 yêu cầu: “Bất kỳ hạn chế nào lên việc vận hành các trang web, trang blog hay bất kỳ hệ thống truyền bá thông tin bằng internet, điện tử hay hệ thống nào khác, bao gồm cả các kệ thống phụ trợ thông tin như nhà cung cấp dịch vụ internet hay công cụ tìm kiếm, chỉ được phép ở mức độ phù hợp với khoản 3. Những hạn chế được phép nói chung phải cụ thể về nội dung; việc cấm đoán chung chung hoạt động của một địa chỉ hay hệ thống cụ thể là không phù hợp với khoản 3.”[5] Như vậy, bất kỳ giới hạn nào được đặt ra đối với quyền tự do biểu đạt trên mạng xã hội, cho dù là hướng tới kiểm soát nội dung biểu đạt hay phương tiện biểu đạt (cụ thể là việc tiếp cận, vận hành, khai thác, sử dụng Internet) đều phải tuân thủ các điều kiện, lý do chính đáng được thiết lập bởi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.

Phương Nhung

[1] Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giới thiệu các văn kiện quốc tế về quyền con người, Sđd, tr.86.

[2] Lã Khánh Tùng, Vũ Công Giao, Giới thiệu Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966), Sđd, Phụ lục: Bình luận chung số 34.

[3] Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giới thiệu các văn kiện quốc tế về quyền con người, Sđd, tr.86.

[4] Lã Khánh Tùng, Vũ Công Giao, Giới thiệu Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966), Sđd, Phụ lục: Bình luận chung số 34.

[5] Lã Khánh Tùng, Vũ Công Giao, Giới thiệu Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966), Sđd, Phụ lục: Bình luận chung số 34.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *