Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
16017

Cửu vạn sách: Gieo mầm văn hóa đọc

Là kỹ sư với bao bận rộn nhưng anh Đỗ Tiến Thành vẫn dành thời gian đi xin sách, tặng sách, đọc sách dạo tại các trường học và khuyến đọc, biệt danh Thành ‘cửu vạn sách’ ra đời từ đó.

Gieo mầm văn hoá đọc

Mẹ của anh Thành từng là cô giáo dạy văn hiện đã nghỉ hưu, thế nên ngay từ khi biết đọc, anh vô tình tìm thấy trong nhà cuốn truyện Không gia đình. “Sách đã có những trang cũ nát nhưng trên tờ bìa còn lưu dòng chữ: Tặng các con yêu quý mà mẹ đề tặng anh em chúng tôi nhiều năm trước đó. Tôi đã đọc liền mấy ngày và vô cùng xúc động bởi câu chuyện nhân văn và nó đã đi theo tôi đến tận bây giờ. Có lẽ đây chính là hạt mầm giúp tôi có cơ duyên đến với một chương trình rất ý nghĩa của cuộc đời mình, được đem những cuốn sách hay và văn hóa đọc đến với trẻ em nông thôn”, anh Thành chia sẻ.

‘Cửu vạn sách’ gieo mầm văn hoá đọc
Hình ảnh anh Đỗ Tiến Thành với “tay xách nách mang” toàn sách được bắt gặp ở bất cứ đâu.

Năm 2014, qua mạng xã hội, anh Thành biết đến anh Nguyễn Quang Thạch và chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam. Anh rất thích tinh thần “Chia sẻ trách nhiệm xã hội” mà chương trình hướng đến thông qua xây dựng văn hóa đọc trong trường học và cộng đồng.

Đồng cảm với anh Thạch ở góc nhìn về thực trạng trẻ em nông thôn thiếu sách là một trong những nguyên nhân tạo ra rất nhiều hệ lụy xã hội, anh Thành đã quyết tâm bắt đầu hành trình đưa sách về quê. Đầu tiên là chăm chỉ đi tặng sách và vận động bạn bè tham gia, sau đó là phát động xây dựng tủ sách và khuyến đọc cho các trường ở quê hương Hưng Yên của mình.

Anh chia sẻ, nông thôn Việt Nam hiện còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Và một trong những nguyên nhân chính là do con người thiếu tri thức, thiếu những kỹ năng cần thiết để xây dựng cho mình một cuộc sống tốt.

“Tôi quan niệm đọc sách là một cách tự học, làm giàu tri thức và phong phú tâm hồn của mỗi con người. Mỗi hành trình đưa sách về nông thôn, vận động thầy cô, cha mẹ học sinh và nhìn thấy phản hồi tích cực từ chính các em sau khi đọc sách, chúng tôi lại có thêm động lực theo đuổi chương trình tặng sách, khuyến đọc”, anh Thành nói.

Càng tham gia vào các dự án của Sách hoá nông thôn, anh càng nhận thấy một thực tế rằng, trẻ em bây giờ đang bị lôi cuốn bởi nhiều yếu tố giải trí hiện đại. Điều này sẽ gây hệ lụy rất lớn đến sự phát triển trí tuệ và ngôn ngữ của các em. Nguy hiểm hơn cả, trẻ sẽ có nguy cơ tiếp cận những hình thức giải trí không lành mạnh trên không gian mạng, gây ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách.

Thấy sách có thể giúp bồi dưỡng tâm hồn, giúp trẻ em phát triển lành mạnh, anh Thành tự nhủ phải làm điều gì đó để văn hóa đọc lan tỏa sâu rộng, góp phần đẩy lùi cái xấu.

Lập tủ sách không phải để thống kê

Suốt 6 năm theo đuổi, anh Thành không thống kê chính xác được số lượng tủ sách đã thực hiện. Anh và các bạn lập tủ sách như vậy để “làm mẫu” và hy vọng mọi người có thể lấy đó làm động lực để làm theo.

‘Cửu vạn sách’ gieo mầm văn hoá đọc
Cứ thu xếp được là anh Thành lại đọc sách cho các em học sinh.

Anh nghĩ đơn giản rằng như việc cha mẹ học sinh dành 15 phút mỗi ngày đọc sách cùng con ở nhà hay mỗi phụ huynh góp từ 50-100 ngàn đồng/năm thì có thể làm cho con mình một tủ sách ở lớp học.

Anh tâm sự: “Ban đầu mong muốn của tôi đơn giản chỉ là đưa sách về trường cũ của mình ở quê giúp các em học sinh nơi tôi từng học có tủ sách lớp học và được đọc sách hàng ngày. Nhưng rồi đi nhiều nơi, nhìn thấy sự khó khăn, đói sách của trẻ em nông thôn và ý nghĩa mà sách đem lại cho các em, tôi thấy mình cùng nhiều thành viên khác cần phải tiếp tục kiên trì theo đuổi hành trình này. Chúng tôi coi việc tặng sách, khuyến đọc ở các trường chỉ là gieo mầm, việc tiếp theo là vận động các thầy cô, cha mẹ học sinh tiếp tục làm cho hạt mầm lớn lên thành cây tri thức dự án mới đạt kết quả”, anh Thành chia sẻ.

Dù tâm huyết với hoạt động thúc đẩy văn hoá đọc nhưng anh Thành cùng các bạn của trong nhóm cũng gặp không ít những khó khăn. Anh cho rằng văn hoá đọc ở trường học đang có vấn đề. Có một thực trạng là những người làm công tác thư viện ở trường học phần lớn là kiêm nhiệm hoặc không được đào tạo bài bản về chuyên môn. Hơn nữa, số lượng học sinh đông, thời gian nghỉ ra chơi không có nhiều nên để đến đọc sách ở thư viện chung của trường là rất khó.

Anh Thành cũng từng chủ động đến nhiều trường vận động, đưa mô hình tủ sách phụ huynh vào từng lớp học. Thấy được hiệu quả của mô hình, rất nhiều trường tham gia hưởng ứng. Nhưng bất cập cũng không ít, bởi chương trình học đang quá tải, giáo viên cũng bận rộn nên khó có thể đáp ứng việc đọc sách cùng học sinh.

Thực hiện đại trà khó khăn, anh Thành đã sáng tạo ra cách khuyến đọc mới, áp dụng hiệu quả ở trường Tiểu học đô thị Việt Hưng, nơi con gái anh đang theo học. Hàng ngày, mỗi 15 phút trước giờ vào lớp, anh mang sách đến đọc và trao đổi kiến thức cùng các em. Nhờ đó, thói quen đọc sách, yêu sách đã dần được hình thành trong bọn trẻ. “Nhiều phụ huynh từng nói với tôi, họ mừng đến rơi nước mắt vì thấy con đã có được thói quen đọc sách thay vì chơi điện tử, xem tivi…”, anh Thành tâm sự.

Nhiều hệ luỵ xảy ra, phụ huynh mới hướng con đọc sách

Nhiều năm theo đuổi thúc đẩy văn hoá đọc, khó khăn lớn nhất theo anh vẫn là thói quen đọc sách mỗi ngày. Vì quá mải với đời sống kinh tế hay nhiều yếu tố khác mà con người đang xem nhẹ đời sống văn hóa tinh thần. “Chúng tôi quan sát rất nhiều gia đình và thấy rằng, sau khi các hệ lụy xảy ra rồi họ mới bắt đầu để ý đến chuyện đọc sách. Nhiều trẻ em nghiện game bỏ bê học hành, thậm chí vi phạm pháp luật, bố mẹ mới tìm đến sách để học cách nuôi dạy con. Trong khi đây là việc cần làm trước khi sự đã rồi. Bởi nhiều người không thấy ngay được lợi ích của việc đọc sách và vai trò của tủ sách gia đình. Đọc sách phải là thói quen hằng ngày chứ không phải giải pháp tình thế. Và để giúp một người hình thành thói quen không phải đơn giản”, anh Thành tâm sự.

‘Cửu vạn sách’ gieo mầm văn hoá đọc
Được tặng sách là niềm hạnh phúc vô bờ đối với Đỗ Tiến Thành.

Để có thể bền bỉ nhiều năm nay đi tặng sách cho trẻ em, anh Thành đã nhận được sự góp sức về tinh thần và sách vở, tiền bạc từ rất nhiều bạn bè trên mạng xã hội. Sinh nhật 41 năm nay, anh chợt nghĩ rằng, nếu mình làm được một điều gì ý nghĩa cho trẻ em nhân ngày sinh nhật và tạo thành thói quen thật giá trị.

“Chia sẻ 1 cuốn sách thay lời chúc sinh nhật để tặng cho con em y bác sĩ thật là tuyệt vời, mỗi người chỉ cần gửi 25 nghìn đồng vào tài khoản để mua một cuốn sách thôi” – ý nghĩa đó nảy ra trong đầu và anh Thành viết liền lên trang cá nhân. Rất vui, rất nhiều người đã vui vẻ tham gia và anh cũng tự cảm thấy đôi chút vô duyên khi đi xin tiền trong ngày sinh nhật. Nhưng với anh, vô duyên mà có ý nghĩa vẫn nên vô duyên. Những cuốn sách do cộng đồng góp tặng đã được con em các y bác sĩ đón nhật và phản hồi rất tích cực.

Nói về những dự định tiếp theo, anh Thành chia sẻ ban đầu, anh nghĩ Sách hoá nông thôn chỉ đơn giản là xây dựng ra nhiều tủ sách trong trường học và cộng đồng. Nhưng rồi thực tiễn cho thấy rằng khuyến đọc và những chính sách tốt đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo dựng văn hóa đọc.

Vì vậy, bên cạnh việc kêu gọi cộng đồng, đánh thức trách nhiệm của mỗi công dân trong việc làm tủ sách và khuyến đọc thì Sách hoá nông thôn còn phối hợp với các ngành trong việc thúc đấy những chính sách đối với văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. “Đến nay, chúng ta đã có những kết quả nhất định, đó là sự ra đời của Luật thư viện, là nhiều văn bản thúc đẩy hoạt động đọc sách trong trường học”, anh nói.

Anh bảo, nhìn lại lịch sử, Việt Nam sau năm 1945, là giai đoạn mà đến 95% dân số không biết đọc, biết viết. Xóa nạn mù chữ thành công nhưng chúng ta chưa thực sự có văn hóa đọc, điều đó thể hiện qua thống kê số lượng sách đọc trên mỗi đầu người của quốc gia. Và giờ đây, trong thời đại xâm nhập bởi công nghệ kỹ thuật số, việc tạo dựng được văn hóa đọc trở nên khó khăn gấp bội.

“Giáo dục có 3 ngôi trường quan trọng, đó là gia đình, trường học và xã hội mà cuộc đời mỗi người đều phải trải qua. Vì vậy, để tạo dựng được văn hóa đọc, gia đình phải là nơi cha mẹ quan tâm đến việc đọc của con trẻ ngay từ lúc còn nhỏ, đó là việc những việc đơn giản mỗi ngày như đọc sách cùng con, xây dựng tủ sách gia đình. Tiếp đến, trường học có thư viện tốt và đọc sách được coi trọng như là môn học chính thức sẽ nối tiếp nuôi dưỡng và phát triển văn hóa đọc trong từng em học sinh. Bằng sự tự lực của người dân cùng những chính sách đúng đắn và hành động quyết liệt của Nhà nước đối với xây dựng văn hóa đọc, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ có cơ hội trở thành quốc gia đọc sách”, anh Thành hy vọng.

Tình Lê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *