Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
28499

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị – điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Convenant on Civil and Political Rights – Công ước ICCPR) là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, là một phần của Bộ luật quốc tế về quyền con người, cùng với ICESCR và UDHR. Công ước ICCPR có hiệu lực từ ngày 23/3/1976.

Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do thông tin, tự do internet

Cam kết tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của con người

Trong suốt thế kỷ XX, quyền con người đã phát triển như một khuôn khổ đạo đức, chính trị, pháp lý và như một hướng dẫn nhằm phát triển một thế giới tự do khỏi sợ hãi và tự do làm điều mong muốn. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, Liên Hợp Quốc ra đời và thông qua bản Hiến chương về việc thành lập tổ chức vào năm 1945. Mặc dù quyền con người không phải là chủ đề chính của văn kiện này, tuy nhiên có thể coi đây là cơ sở xác lập nền tảng pháp lý cho sự phát triển của Luật nhân quyền quốc tế. Hiến chương đã khẳng định việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một trong những mục tiêu hoạt động của Liên hợp quốc, đồng thời khẳng định ý chí của các thành viên Liên hợp quốc là “phòng ngừa cho những thế hệ tương lai khỏi thảm hoạ chiến tranh đã … gây cho nhân loại đau thương không kể xiết”, “… tin tưởng vào những quyền cơ bản, nhân phẩm và giá trị của con người, vào các quyền bình đẳng giữa nam và nữ, vào quyền bình đẳng giữa các quốc gia lớn và nhỏ”[1].

Ngày 10/12/1948, Đại hội đồng đã thông qua bản Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền (UDHR) – văn kiện quốc tế đầu tiên đề cập trực tiếp đến các quyền cơ bản của con người trên tất cả các phương diện chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hoá. Mặc dù không phải là một điều ước quốc tế nhưng UDHR vẫn có sức ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu và là nền tảng pháp lý cho việc xây dựng và phát triển hệ thống văn kiện nhân quyền quốc tế.

Ý tưởng về việc xây dựng Bộ luật quốc tế về quyền con người nảy sinh và được triển khai ngay sau khi thông qua Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945. Một Ủy ban trù bị (Preparatory Commission) của Liên Hợp Quốc về vấn đề này đã được triệu tập ngay sau khi kết thúc Hội nghị San Francisco và đã khuyến nghị Hội đồng Kinh tế và Xã hội nhanh chóng thành lập một ủy ban về thúc đẩy quyền con người dựa trên nội dung của Điều 68 Hiến chương. Trên cơ sở khuyến nghị này, Hội đồng Kinh tế và Xã hội đã thành lập Uỷ ban quyền con người (Commission on Human Rights) (nay đã được thay thế bằng Hội đồng Nhân quyền trực thuộc Đại hội đồng) vào đầu năm 1946.

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã yêu cầu Ủy ban này cũng đã yêu cầu xây dựng Dự thảo Công ước về quyền con người và đưa ra các biện pháp thực hiện Công ước. Tuy nhiên, Dự thảo đầu tiên đã không nhận được sự đồng thuận của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc do đã quá nhấn mạnh vào các quyền dân sự, chính trị. Năm 1950, Đại hội đồng quyết định rằng, Dự thảo Công ước, ngoài các quyền dân sự và chính trị phải bao gồm các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá. Bởi vậy, vào năm 1951, Uỷ ban quyền con người đã bổ sung vào Dự thảo Công ước trước đó các điều khoản mới về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá dựa trên đề xuất của các quốc gia cũng như các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc[2]. Sau quá trình xây dựng dự thảo, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Convenant on Civil and Political Rights – Công ước ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (Công ước ICESCR) cùng được thông qua bằng Nghị quyết A/RES/2200(XXI) vào ngày 16/12/1966[3].

Công ước ICCPR là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, là một phần của Bộ luật quốc tế về quyền con người, cùng với ICESCR và UDHR. Công ước ICCPR có hiệu lực từ ngày 23/3/1976.

Ngoài ra, một Nghị định thư tùy chọn đi kèm với Công ước ICCPR cũng được thông qua trong Nghị quyết số A/RES/2200(XXI) ngày 16/12/1966 nhằm quy định các thủ tục giải quyết các khiếu nại của các cá nhân về việc vi phạm các quyền dân sự, chính trị của các quốc gia. Đến năm 1976, một Nghị định thư tùy chọn thứ hai bổ sung Công ước

Việt Nam trở thành thành viên của Công ước này vào ngày 24/9/1982 vàtính đến ngày 05/10/2022, Công ước ICCPR có 173 quốc gia thành viên.

Khi trở thành thành viên của Công ước ICCPR, Việt Nam cũng như các quốc gia khác sẽ đều cam kết phải tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của con người trên cơ sở quy chuẩn quốc tế, bao gồm quyền sống, quyền tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do hội họp, quyền bầu cử và quyền được xét xử bình đẳng và theo đúng trình tự pháp luật…

Nội dung của Công ước ICCPR 

Công ước ICCPR gồm 6 phần, 53 điều với những nội dung cơ bản sau đây:

– Lời nói đầu gồm 5 đoạn.

– Phần I gồm Điều 1 về quyền tự quyết.

– Phần II, từ Điều 2 đến Điều 5, quy định về nguyên tắc bình đẳng, tạm đình chỉ các quyền trong tình trạng khẩn cấp và không được lạm dụng các quy định của Công ước.

– Phần III, từ Điều 6 đến Điều 27, quy định về các nội dung của các quyền dân sự (quyền sống, quyền không bị tra tấn, quyền không bị bắt làm nô lệ… ); các quyền chính trị (quyền hội họp, quyền lập hội, quyền tham gia đời sống chính trị) và một số quyền của trẻ em, quyền của người thiểu số. Đây là phần chứa đựng những nội dung quan trọng nhất, trong đó bao gồm các quy định về nội hàm của các quyền dân sự và chính trị.

– Phần IV, từ Điều 28 đến Điều 45, quy định về thành lập, cơ cấu, tổ chức và hoạt động của Ủy ban Nhân quyền (Human Rights Committee) – cơ quan có nhiệm vụ giám sát việc thi hành Công ước.

– Phần V, gồm Điều 46 và Điều 47, quy định về việc giải thích Công ước không được làm phương hại đến các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và quyền của các dân tộc trong việc quyết định về tài nguyên của mình.

– Phần VI, từ Điều 48 đến Điều 53, quy định về việc ký kết, gia nhập, phê chuẩn, sửa đổi và hiệu lực của Công ước.

Nội dung quan trọng nhất của Công ước chính là Phần III, gồm các quy định về nội hàm của các quyền dân sự và chính trị. Đây là những chuẩn mực (standards), hay các quy phạm (norms), quan trọng và cơ bản nhất về các quyền dân sự và chính trị thuộc về các cá nhân (individual rights).

Nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ báo cáo quốc gia về việc thực thi Công ước

Xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia là một quá trình nhằm“tạo ra một cuộc đối thoại trong xã hội về các yêu cầu của công ước, việc áp dụng các tiêu chuẩn của công ước vào điều kiện quốc gia, những hạn chế trong việc tuân thủ, các ưu tiên khắc phục và thiết kế một kế hoạch hành động”[1]. Khoản 1 Điều 40 Công ước ICCPR quy định: “các quốc gia thành viên Công ước cam kết sẽ đệ trình báo cáo về những biện pháp mà mình đã thông qua để thực hiện các quyền được ghi nhận trong Công ước này, và về những tiến bộ đã đạt được trong việc thực hiện các quyền đó: Trong thời hạn một năm kể từ ngày Công ước này có hiệu lực đối với quốc gia thành viên liên quan; Và sau đó, mỗi khi có yêu cầu của Uỷ ban”.

Như vậy, để giám sát và đánh giá báo cáo quốc gia về việc thực thi Công ước của các quốc gia thành viên, Công ước ICCPR cũng quy định về việc thành lập một Uỷ ban để duy trì cơ chế báo cáo quốc gia tình hình thực hiện Công ước.

Đây thực chất là quá trình đối thoại giữa các thiết chế quốc tế với các quốc gia về những vấn đề nhân quyền mà các bên cùng quan tâm, qua đó quốc gia thành viên đưa ra được thông tin toàn diện về khung pháp luật, công bố những biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp mà quốc gia đã thực hiện để cải thiện tình hình nhân quyền trong nước; đồng thời xem xét, đánh giá những bước phát triển tích cực, những thách thức mà các quốc gia phải đối mặt trong quá trình triển khai thực hiện Công ước. Bên cạnh đó, thông qua quá trình xây dựng và bảo vệ báo cáo, các quốc gia còn có thể chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác hỗ trợ trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của con người.

[1] Anne F. Bayefsky, The UN Human Rights Treaty System: Universality at the Crossroads, Ardsley, NY: Transnational Publishers, 2001, tr. 12.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *