Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
21538

GS,TS Đàm Đức Vượng: vấn đề cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam cần nhìn nhận khách quan!

 

Trong hai ngày 17 và 18-8-2024, Viện Bảo tàng di sản người Việt (VHM) tại Mỹ, phối hợp với Trung tâm Việt Nam thuộc Đại học Texas Tech Univesity và Trung tâm nghiên cứu Việt – Mỹ thuộc Đại học University of Oregon tổ chức cuộc Hội thảo và Triển lãm về cải cách ruộng đất miền Bắc Việt Nam và Cuộc Di cư năm 1954, nhân kỷ niệm 70 năm về hai sự kiện này, thu hút nhiều học giả, người Việt và người nước ngoài tham dự. Tiếc rằng, trong Hội thảo, có nhiều ý kiến nhận định không đúng về cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam như nói rằng, cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam là “sự tuyên truyền dối trá và cuộc đấu tố vô tội vạ để lại hàng trăm ngàn nạn nhân chết thảm”, “Cải cách ruộng đất do chế độ cộng sản chủ trương, đưa đến cái chết của hàng trăm ngàn người dân, bị quy cho là địa chủ mà phần lớn là quy sai nên đã chết oan”, “Họ quy định mỗi 1.000 dân thì xử tử một người. Mỗi xã quy định là có 5% địa chủ. Vì thế, nhiều người bị cho là địa chủ và bị đấu tố, làm nhục, hành hạ oan trái. Nhiều người khác thấy thế, sợ quá mà tự tử”… Thậm chí có một giáo sư dự Hội thảo nhận định: “Lãnh đạo cộng sản chủ trương vô sản chuyên chính, dùng bạo lực để thống trị để tiêu diệt văn hóa, xóa đi lịch sử, đưa giai cấp vô sản lên nắm chính quyền. Họ kích động người vô sản vùng lên giành quyền lợi trong cải cách ruộng đất, lấy ruộng của điền chủ chia cho dân. Khi chiếm được chính quyền thì họ áp dụng chính sách hộ khẩu, tổ chức làng xã bị đảo lộn, không còn phép vua thua lệ làng. Với những chính sách hà khắc, người nông dân lại bị ép vào hợp tác xã đặt dưới sự kiểm soát của Nhà nước”…

Bức xúc trước những đánh giá thiếu khách quan, không toàn diện nói trên, GS, TS Đàm Đức Vượng đã có bài phản bác, với lập luận chủ yếu sau:

Trước hết, cải cách ruộng đất là một chủ trương đúng của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Lý do phải thực hiện cải cách ruộng đất trong kháng chiến đã được  xác định từ khi thành lập Đảng (1930), mục tiêu diệt chế độ sở hữu ruộng đất của thực dân, đế quốc ở Việt Nam, xóa bỏ chế độ phong kiến sở hữu ruộng đất của địa chủ ở Việt Nam, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân.  Cuộc vận động cải cách ruộng đất “là một cuộc đấu tranh cách mạng vĩ đại và quyết liệt” như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Mục đích là “tiêu diệt chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất” thống trị và kìm hãm sức sản xuất của dân ta đã mấy nghìn năm, làm thỏa mãn điều mong mỏi thiết ta bực nhất của nông dân là có ruộng cày. Đó là cách mạng dân chủ. Cải cách ruộng đất đi đôi với việc chỉnh đốn chi bộ nông thôn. Cụ thể là đối với các phần tử thuộc giai cấp địa chủ và các phần tử thuộc giai cấp bóc lột khác mà phạm tội ác đối với nông dân là đảng viên phải đưa ra khỏi Đảng. Từ khi hòa bình được lập lại, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị khóa II đã phân tích tình hình mới, đề ra những điểm bổ sung thích hợp về chính sách cải cách ruộng đất. Vì vậy, chính sách ruộng đất của Đảng và Chính phủ càng được các tầng lớp nhân dân rộng rãi tán thành.

Tại Hội nghị Trung ương 10 (mở rộng) khóa II họp tháng 9-1956, tại Hà Nội, ra Nghị quyết về công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, ghi rõ: “Với cuộc vận động này, ta đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ phản phong ở miền Bắc”. Giai cấp địa chủ căn bản đã bị đánh đổ. Ruộng đất đã về tay nông dân. Hơn 10 triệu nông dân lao động đã vươn mình và làm chủ nông thôn, hàng vạn cán bộ đã được đào tạo; chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất đã vĩnh viễn bị xóa bỏ. Đó là cuộc chuyển biến to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội. Nguyện vọng lâu đời của nhân dân Việt Nam đã được thỏa mãn, khẩu hiệu “người cày có ruộng” đã được thực hiện. Trình độ giác ngộ giai cấp của nông dân lao động đã được nâng cao một phần. Hàng triệu nông dân lao động đã thấy rõ rằng chính Đảng ta và chế độ ta đã đưa lại ruộng đất cho họ. Sức sản xuất to lớn ở nông thôn đã được giải phóng, quan hệ sản xuất ở nông thôn đang đổi mới, do đó, sản xuất nông nghiệp bước đầu được đẩy mạnh, đời sống nông dân bước đầu được cải thiện. Nông thôn đã bước sang một giai đoạn mới. Đó là thắng lợi to lớn trong cải cách ruộng đất, không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, Hội nghị Trung ương 10, khóa II cũng kiểm điểm nghiêm túc:

“Trong cuộc vận động giảm tô và cải cách ruộng đất, về mặt lãnh đạo, nhất là trong việc chỉ đạo thực hiện, chúng ta đã phạm nhiều sai lầm. Đó là những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài về nhiều mặt, trái với chính sách của Đảng, trái với nguyên tắc và điều lệ của một đảng theo chủ nghĩa Mác – Lênin, trái với chế độ pháp luật của nhà nước dân chủ nhân dân. Những sai lầm đó không những đã hạn chế những thắng lợi đã thu được, mà lại gây ra những tổn thất rất lớn cho cơ sở của Đảng, của chính quyền, của các tổ chức quần chúng, ảnh hưởng tai hại đến chính sách mặt trận của Đảng ở nông thôn cũng như ở thành thị, ảnh hưởng nhiều đến tình cảm và đời sống bình thường của nhân dân ta, làm cho tình hình nông thôn căng thẳng, ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết và phấn khởi trong Đảng và trong nhân dân, đến công cuộc củng cố miền Bắc, đến sự nghiệp đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà”.

Hội nghị Trung ương 10, khóa II (mở rộng) nhất trí nhận định “đường lối, chính sách của Trung ương căn bản là đúng, nhưng sở dĩ có những sai lầm nói trên, là vì trong tư tưởng chỉ đạo có những khuyết điểm, nhất là trong chỉ đạo thực hiện đã phạm nhiều khuyết điểm sai lầm nghiêm trọng”.

Trung ương và Bộ Chính trị đã thấy rõ khuyết điểm nói trên trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức và đề những biện pháp kiên quyết sửa chữa và khắc phục. Đồng chí Trường Chinh đã tự phê bình trước Hội nghị Trung ương 10 (mở rộng), xin từ chức Tổng Bí thư và được Hội nghị Trung ương đồng ý. Đồng chí Trường Chinh vẫn là Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên trong Ban Bí thư của Trung ương Đảng.Hội nghị Trung ương 10 đã nhất trí bầu đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng kiêm làm Tổng Bí thư của Đảng”.

Như vậy, bản chất cuộc cải cách ruộng đất xuất phát từ yêu cầu cách mạng, mục tiêu cách mạng và quyền lợi của đa số người dân, những sai sót trong quá trình thực hiện đã được Đảng chỉ rõ, rút kinh nghiệm, nhận lỗi, không hoàn toàn như luận điệu xuyên tạc tại Hội nghị nói trên. Do đó, GS, TS Đàm Quốc Vượng cho rằng, những người phê phán cải cách ruộng đất ở Việt Nam toàn là sai lầm là không đúng với thực tế, nên cần phải được trao đổi lại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *