Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
13630

Công tác nhân quyền địa phương: Những bước đi khởi sắc

Năm 2022 đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong công tác nhân quyền địa phương.

Với sự nỗ lực của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền (BCĐNQ) Chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của BCĐNQ các tỉnh, thành phố trên cả nước, công tác nhân quyền tại các địa phương đã có những chuyển động tích cực, đi vào chiều sâu, nền nếp, bài bản, tạo nền tảng vững chắc, khí thế hứng khởi cho năm mới 2023.

Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị tập huấn công tác bảo đảm, đấu tranh về nhân quyền năm 2022 cho lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của các sở, ban, ngành, địa phương; các cấp hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, ngày 14/12/2022

Thống nhất nhận thức đến hành động

Năm 2022 đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong công tác nhân quyền địa phương khi lần đầu tiên sau rất nhiều năm BCĐNQ các tỉnh, thành phố được thành lập, BCĐNQ của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình công tác của BCĐNQ địa phương và tập huấn công tác nhân quyền tại 3 khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Hội nghị có sự tham dự của 600 đại biểu từ 63 BCĐNQ tỉnh, thành phố, trong đó các đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND.

Hội nghị đưa đến luồng sinh khí mới trong toàn bộ máy làm công tác nhân quyền từ trung ương tới địa phương, tạo sự thống nhất, đồng lòng hiệp lực từ nhận thức đến hành động; lan tỏa được “sức nóng” từ BCĐNQ Chính phủ tới người đứng đầu BCĐNQ các địa phương.

Thực hiện Kết luận của đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực BCĐNQ Chính phủ tại Hội nghị, các địa phương đã khẩn trương, rốt ráo xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn công tác nhân quyền. Riêng trong năm 2022, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Nhân quyền 8 tỉnh, thành phố Hà Nam, Quảng Nam, Ninh Thuận, An Giang, Bình Phước, Lai Châu, Cao Bằng, Đắk Lắk cho khoảng 5.000 đại biểu. Không chỉ tổ chức Hội nghị trực tiếp, một số địa phương đã kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến để tiếp cận được nhiều hơn cán bộ cơ sở. Tại các hội nghị tập huấn, báo cáo viên trung ương đã cung cấp những kiến thức nền tảng về vấn đề nhân quyền, nhất là vấn đề dân tộc, tôn giáo; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong xử lý các vấn đề nhân quyền, nhất là đấu tranh, phản bác hoạt động xuyên tạc, vu cáo về dân chủ, nhân quyền trên không gian mạng để vận dụng, triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm và đấu tranh về nhân quyền tại địa phương.

Trong năm 2023, công tác tập huấn công tác nhân quyền sẽ tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của BCĐNQ các địa phương. Hiện nay, một số BCĐNQ địa phương đã xây dựng kế hoạch tập huấn gồm: Khánh Hòa, Gia Lai, Vĩnh Phúc, Hải Dương Sóc Trăng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Kạn; Quảng Bình, Quảng Trị, Yên Bái, Vĩnh Long.

Quan tâm, chăm lo an sinh xã hội

Đắk Lắk là một trong những địa phương có những chuyển động mạnh mẽ trong công tác nhân quyền trong năm qua. Đã triển khai đồng bộ các chương trình đảm bảo an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, giảm nghèo. Tổ chức thăm hỏi, tặng 170 phần quà cho người có uy tín, gia đình chính sách người DTTS, 85.666 lượt người có công với cách mạng với tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng nhân dịp Tết Nguyên đán; thăm hỏi 37 gia đình người DTTS bị thiên tai, hoàn cảnh khó khăn.

Thăm hỏi, động viên 144.341 hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, nạn nhân chất độc màu da cam, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí 56,6 tỷ đồng; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo tại địa phương với kinh phí 946 triệu đồng; giải quyết cho vay 31.506 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách; tổ chức 25 lớp đào tạo nghề cho 875 lao động nông thôn là người nghèo, cận nghèo với kinh phí 2,9 tỷ đồng; cấp 810.888 thẻ BHYT cho người nghèo; hỗ trợ học phí cho 69.835 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo…

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk tổ chức chương trình “Mẹ đỡ đầu – Kết nối vòng tay yêu thương” nhằm hỗ trợ trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 22/6/2022.

Triểm khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động, đã có 512 trẻ em mồ côi được nhận đỡ đầu, chăm sóc; hỗ trợ thông qua nhiều hình thức như tặng tiền, sổ tiết kiệm, máy tính, xe đạp, nhu yếu phẩm với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng; tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng các dân tộc Ê đê, Ja Rai… cho hàng ngàn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ.

Ninh Thuận cũng là địa phương có đông người DTTS. BCĐNQ tỉnh Ninh Thuận đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Chăm trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng chú trọng phát huy vai trò của chức sắc, chức việc cùng các nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc Chăm, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 6670/KH-UBND về thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”. Đồng thời, xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân ưu tú; xây dựng điểm sáng bảo tồn văn hóa nhằm nhân rộng và lan tỏa tại các địa phương….

Thúc đẩy công tác tuyên truyền, đấu tranh nhân quyền

Sóc Trăng là một trong những địa phương đã triển khai hiệu quả công tác đấu tranh và tuyên truyền về nhân quyền. Ngay từ đầu năm 2022, BCĐNQ Tỉnh đã tham mưu UBND Tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tuyên truyền thành tựu QCN với nhiều hình thức đa dạng, như: hội nghị, tọa đàm, xây dựng phóng sự truyền thông đặc thù bằng tiếng Khmer phát trên sóng truyền hình Tỉnh; in ấn, cấp phát miễn phí hơn 19.300 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, 12.560 sổ tay hỏi đáp pháp luật cho người dân tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; phối hợp mở các chuyên mục “Pháp luật và cuộc sộng”, “Phổ biến giáo dục, pháp luật” với thời lượng 4 kỳ mỗi tháng…. góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân.

Đặc biệt, đã triển khai các hoạt động tuyên truyền đa dạng nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12), nổi bật như tổ chức hội nghị tuyên truyền công tác nhân quyền cho 300 chức sắc, chức việc, người có uy tín trong đồng bào DTTS; tuyên truyền thành tựu bảo đảm QCN, góp phần tăng cường nhận thức, sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với công tác nhân quyền.

Trong năm 2022, BCĐNQ Lai Châu đã chỉ đạo các sở, ban ngành thành viên xây dựng các Kế hoạch, triển khai thực hiện chính sách pháp luật, bảo đảm quyền con người đặc biệt quyền của trẻ em và thúc đẩy bình đẳng giới: Kế hoạch triển khai tháng hành động vì trẻ em; Kế hoạch tổ chức lễ phát động tháng hành động vì trẻ em và Diễn đàn trẻ em; Kế hoạch truyền thông về bình đẳng giới giai đoạn 2021 -2030; Kế hoạch công tác Bình đẳng giới tỉnh năm 2022. Nhiều hoạt động an sinh xã hội đã được triển khai trong Tháng hành động vì trẻ em và diễn đàn trẻ em tỉnh Lai Châu có sự tham gia của hơn 300 trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có trên 10.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng, số tiền chi trả hàng tháng trên 5 tỷ đồng…

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng nổi lên một số vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trong vùng đồng bào DTTS như tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự, hoạt động của các đối tượng theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, hoạt động của các tà đạo, đạo lạ (Pháp Luân công, Đạo Chữ thập vải đỏ…), tranh chấp, khiếu kiện, tuyên truyền phát triển đạo trái pháp luật, lợi dụng vấn đề tôn giáo dân tộc để kích động người dân chống phá…

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân tại xóm Lũng Chẩn, xã Lũng Nặm, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

BCĐNQ tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các sở ban ngành, UBND các huyện, thành phố làm tốt công tác bảo đảm QCN, đặc biệt quyền của người DTTS, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, đồng thời triển khai thực hiện Cao điểm 100 ngày tuyên truyền, đấu tranh với tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình cho trên 13.500 lượt cán bộ, đảng viên các cấp trực tiếp tham gia. Tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác đấu tranh, xóa bỏ hoàn toàn tổ chức “Ân điển cứu rỗi” gồm 2 điểm nhóm, 40 hộ với 204 nhân khẩu trên địa bàn huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng…

Với sự chỉ đạo chủ động và quyết liệt của BCĐNQ tỉnh trong thực hiện các giải pháp công tác đấu tranh gắn với phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm QCN, quyền công dân, góp phần xây dựng khối đoàn kết dân tộc, không để các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, vu cáo, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *