Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
26053

Bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động và chuyên gia làm việc ở nước ngoài

Trong thời gian qua, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp, sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông, báo chí và dư luận xã hội quan tâm hợp tác trong công tác thông tin, tuyên truyền các chính sách, pháp luật và thông tin về tình hình lao động đi làm việc ở nước ngoài, thị trường lao động ngoài nước qua đó nâng cao được nhận thức của xã hội và người lao động. Cùng với đó, đội ngũ các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ngày càng tăng cả về lượng và chất, đóng góp rất lớn và quan trọng vào kết quả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bảo đảm quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Nhiều chính sách bảo đảm quyền cho người lao động và chuyên gia làm việc ở nước ngoài

Chính phủ, các bộ ngành liên quan và các địa phương trong thời gian qua đã ban hành nhiều chính sách và triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài. Quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và chuyên gia được đảm bảo. Khi xảy ra một số sự cố lớn tại các địa bàn người Việt Nam đến làm việc, Chính phủ đều chỉ đạo các bộ/ ngành có phương án và hành động khẩn trương bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người lao động như sự cố ở Lybia, Chính phủ đã tổ chức sơ tán và đưa hơn 10.000 lao động (năm 2011) và gần 2000 lao động (năm 2014) về nước an toàn và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động; để ứng phó với sự cố sóng thần và nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản, Chính phủ đã xây dựng kịch bản, phương án hỗ trợ, bảo vệ và sơ tán người lao động trong trường hợp cần thiết. Có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động khi xảy ra biến động chính trị tại An-giê-ri tháng 04/2019, xung đột giữa Mỹ và Iran tháng 01/2020.

Khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo đơn vị chức năng và Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, Ả-rập-xê-út, UAE, các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại khu vực Trung Đông, Châu Phi phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại để đôn đốc giải quyết các tranh chấp hợp đồng; đăng ký về nước cho lao động giải quyết xong tranh chấp và hỗ trợ các thủ tục cần thiết khi có chuyến bay đưa công dân hồi hương, đặc biệt là trường hợp người lao động gặp khó khăn về chỗ ở hoặc bị đau ốm. Trong giai đoạn 2020-2021, Chính phủ đã đưa về nước 1008 lao động từ Ả-rập-xê-út, 340 lao động từ UAE, 400 lao động từ An-giê-ri, 216 lao động từ Ghi-nê xích đạo và 226 lao động từ Uzbekistan.

Hợp tác quốc tế đa phương trong lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua đã được tăng cường và xúc tiến mạnh mẽ, đem lại các hiệu quả thiết thực. Tháng 11/2007, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức di cư quốc tế (IOM), tham gia tích cực các hoạt động của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), các hoạt động hợp tác về di cư lao động của các nước trong và ngoài khu vực ASEAN. Nhiều hoạt động được đặt ra giữa các nước thành viên hướng đến việc thống nhất các hành động chung nhằm đưa ra các khuyến nghị bảo vệ tốt nhất quyền lợi của lao động đi làm việc ở nước ngoài và các biện pháp thực hiện thông qua việc trao đổi kinh nghiệm giữa các nước trong và ngoài khu vực ASEAN.

Chính Phủ đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động tham gia các diễn đàn quốc tế trong lĩnh vực di cư lao động như Diễn đàn ASEAN về lao động di cư, Tiến trình Colombo (Hội đàm cấp bộ trưởng về quản lý việc làm ngoài nước và lao động theo hợp đồng cho các nước đi ở Châu Á) và Diễn đàn Đối thoại cấp cao Abu Dhabi (diễn đàn đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia châu Á tiếp nhận và phái cử lao động).

Xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật 

Các bộ, ngành và địa phương đã phối hợp xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giải quyết tốt các trường hợp rủi ro nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Các bộ, ngành cũng đã hợp tác với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua việc triển khai một số dự án nâng cao năng lực về di cư an toàn như dự án với Tổ chức IOM về thúc đẩy di cư lao động an toàn từ Việt Nam; Dự án Hành động ba bên nhằm bảo vệ người lao động trong và từ khu vực tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (Dự án Tam giác) do ILO tài trợ; Dự án về tăng quyền năng cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài do Cơ quan phụ nữ của Liên hợp quốc (UNWOMEN) tài trợ. Các chương trình, dự án trên nhằm tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thông qua việc nâng cao năng lực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong di cư lao động, nâng cao năng lực cán bộ quản lý từ trung ương tới địa phương và đội ngũ cán bộ nghiệp vụ của các doanh nghiệp, hình thành các mạng lưới tư vấn cho người lao động tại cơ sở và nâng cao trình độ người lao động.

Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động các cấp tại các địa phương đã phối hợp tốt và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tuyển chọn và tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài và thực hiện tốt công tác quản lý người lao động tại địa phương; hỗ trợ pháp lý cho người lao động từ làm thủ tục, hồ sơ cho người lao động khi đi, hỗ trợ xử lý các vụ việc phát sinh và giải quyết các vấn đề cho người lao động khi về nước theo quy định của pháp luật.

Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã chú trọng bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam ở nước sở tại. Tại một số địa bàn tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam đã thành lập các Ban (bộ phận) Quản lý lao động thuộc Đại sứ quán để bảo vệ, hỗ trợ, giải quyết các vụ việc liên quan đến quyền lợi của người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp cử đại diện để quản lý và bảo vệ quyền lợi của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Các trường hợp người lao động gặp rủi ro đều được nhà nước, doanh nghiệp, chính quyền địa phương hỗ trợ. Tuy nhiên, do địa bàn làm việc của lao động Việt Nam tại các nước rất rộng, trong khi số lượng cán bộ của các Ban quản lý lao động ít, nhiều khi thiếu sự kết nối giữa doanh nghiệp hoạt động dịch vụ với các cơ quan đại diện; tại nhiều quốc gia chưa có Cơ quan đại diện hoặc một Cơ quan đại diện phải kiêm nhiệm một số quốc gia cùng với kinh phí hoạt động còn hạn hẹp; công tác bảo hộ công dân bao gồm khá rộng và thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như hợp pháp hóa văn bản, giấy tờ, chứng nhận lãnh sự, cấp hộ chiếu, giấy thông hành, xử lý các vụ việc cụ thể phát sinh liên quan đến công dân… nên việc hỗ trợ người lao động có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, chưa triệt để.

Công tác bảo hộ công dân gần đây đã được triển khai tốt hơn, đặc biệt kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 119/2007/QĐ-TTg, ngày 25/7/2007 về việc thành lập “Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài”, tuy nhiên, trên thực tiễn cũng cần có quy định cụ thể hơn về công dân nói chung và bảo hộ công dân khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là đối với người lao động trong trường hợp bỏ hợp đồng ra ngoài cư trú và làm việc bất hợp pháp. Việc người lao động Việt Nam vi phạm pháp luật, bỏ trốn ra ngoài làm việc, phá hợp đồng lao động với bên tuyển dụng… đã càng làm cho công tác bảo hộ lao động khó khăn hơn và các cơ quan đại diện ngoại giao cũng khó thực hiện việc theo dõi, thống kê và nắm bắt được các đối tượng này.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có quy định đối với các thị trường tiếp nhận nhiều lao động, doanh nghiệp cần cử cán bộ quản lý lao động sang địa bàn để kịp thời hỗ trợ và giải quyết phát sinh. Tuy nhiên, tại một số thị trường, đây là việc khó khăn vì hầu hết các nước tiếp nhận lao động không cho phép các doanh nghiệp đặt văn phòng quản lý lao động tại nước sở tại hoặc không có loại hình thị thực phù hợp để người đại diện của doanh nghiệp được phép lưu trú dài hạn. Cơ quan đại diện ngoại giao đã hỗ trợ doanh nghiệp hợp pháp hóa dưới hình thức cán bộ hỗ trợ đối tác, nhân viên hợp đồng của cơ quan đại diện để có thể cùng với cán bộ cơ quan đại diện làm việc với các tổ chức hữu quan của nước sở tại khi xử lý các vụ việc phát sinh đối với người lao động.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *