Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
49769

Bảo đảm quyền của các nhóm dân tộc rất ít người theo Cơ chế UPR chu kỳ 3

Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng chính sách dân tộc, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Tại phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế định kỳ phổ quát UPR chu kỳ 3, trên cơ sở xem xét tích cực và thiện chí, Việt Nam 241/291 khuyến nghị trong đó có 13 khuyến nghị về bảo đảm của người dân tộc thiểu số, chú trọng đặc biệt bảo vệ các nhóm dân tộc ít người.

Nhà nước Việt Nam dành nhiều ưu tiên trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số ít người nói riêng

Điều 5 Hiến pháp 2013: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục tập quán truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”. Hiến pháp Việt Nam cũng khẳng định nguyên tắc nền tảng, xuyên suốt của pháp luật là không phân biệt đối xử tại Điều 16 Hiến pháp 2013 “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa,xã hội”

Chính phủ đã ban hành Chương trình “Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người (DTTSRIN) giai đoạn 2021-2030”[1] tập trung vào các nhiệm vụ:

– Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức thay đổi hành vi và huy động sự tham gia của toàn xã hội nhằm bảo vệ và phát triển các dân tộc ít người.

– Nâng cao năng lực hệ thống y tế vùng dân tộc về cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số.

– Chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai và hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ, nâng cao tỷ lệ trẻ em đến lớp ở các nhóm tuổi mẫu giáo đúng độ tuổi.

– Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, đào tạo nghề cho đồng bào DTTSRIN;

– Xây dựng mô hình nâng cao chất lượng dân số đối với đồng bào DTTSRIN.

CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 thực hiện nhiệm vụ duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các DTTS rất ít người; xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách bền vững nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa đồng bào các DTTS rất ít người với các đồng bào DTTS khác trong vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân[2].

Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chương trình, chính sách, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng đồng bào DTTS&MN như: CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, CTMTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, Chương trình 30A,… Qua các chương trình, dự án đầu tư của Chính phủ, mạng lưới trường, lớp học thuộc vùng đồng bào DTTS&MN phát triển nhanh, hầu như các xã đều có trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, nhiều trung tâm cụm xã có trường trung học phổ thông. Tuy nhiên, chất lượng phòng học ở vùng đồng bào DTTS&MN còn kém, số lượng trường học bán kiên cố và đơn sơ còn nhiều là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn ở địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN còn thua kém so với vùng phát triển.

Các chính sách hỗ trợ đào tạo, dạy nghề người DTTS được tích cực triển khai thực hiện, đã hỗ trợ đào tạo khoảng trên 1,1 triệu người, chiếm hơn 14 % trên tổng số gần 8 triệu người DTTS trong độ tuổi lao động theo chính sách của Đề án 1956/QĐ-TTg[1]. Hiện nay, đang thí điểm tổ chức đặt hàng trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề với 26 cơ sở đào tạo để đào tạo cho 8.555 lao động là người DTTS thuộc hộ nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp có khó khăn về kinh tế. Ở nhiều địa phương, dạy nghề đã gắn với giải quyết việc làm, tự tạo việc làm, nhiều người DTTS sau khi được học nghề, bồi dưỡng tay nghề đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại, làm giàu tại chỗ theo phương châm “ly nông bất ly hương”.

Việc thực hiện chính sách dân tộc của Nhà nước Việt Nam đã và đang mang lại những kết quả to lớn, tạo điều kiện thức đẩy việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền cho người dân tộc thiểu số.

[1] Giai đoạn 2016-2020, có trên 800 nghìn người DTTS được đào tạo nghề nghiệp các cấp trình độ, trong đó khoảng 412 nghìn lao động nông thôn là người DTTS được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng

[1] Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 10/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ

[2] Hiện nay Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 10/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã được tích hợp vào Tiểu dự án II.9.1. Nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển KTXH của Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm DTRIN, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *