Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
37701

Vụ ông Võ Hoàng Yên: Chữa bệnh không có cơ sở khoa học, hành nghề “dạo”

Đó là khẳng định của PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế). Sự việc ông Võ Hoàng Yên bị tố giác lừa đảo hàng trăm tỉ đồng, dàn dựng cảnh chữa bệnh nan y đang gây xôn xao dư luận. Liệu ông Yên có thể chữa được bệnh hay không? Hành nghề khám chữa bệnh có đúng hay không? Về vấn đề này, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh.

PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế). Ảnh: NVCC
PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế). Ảnh: NVCC

Chữa bệnh không có cơ sở khoa học, hành nghề “dạo”

Ngày 9.3, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) – cho biết việc cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh đã được phân cấp cho Sở Y tế các địa phương, phù hợp với những đối tượng do các Sở Y tế quản lý. Đối với trường hợp ông Võ Hoàng Yên, việc cấp chứng chỉ hành nghề sẽ do Sở Y tế địa phương nơi ông Yên thực hiện hành nghề cấp.

“Người được cấp chứng chỉ hành nghề, khi mở cơ sở khám chữa bệnh phải đăng ký với Sở Y tế địa phương, cơ sở đó chỉ hoạt động sau khi được Sở Y tế địa phương thẩm định, cấp phép và chỉ được hành nghề khám chữa bệnh tại nơi được cấp phép, trên địa bàn tỉnh, thành đó. Còn khi cá nhân người được cấp phép lại đi hành nghề ở các địa phương khác, như trường hợp ông Võ Hoàng Yên là không đúng quy định” – ông Thịnh nói.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, từ năm 2016, ông Võ Hoàng Yên đã vào Hà Tĩnh thành lập trung tâm phục hồi chức năng để điều trị câm điếc bẩm sinh nhưng năm 2017 ông Yên mới được cấp bằng Trung cấp y sĩ y học cổ truyền của Trường Trung cấp Tuệ Tĩnh (tỉnh Thanh Hóa). “Đến năm 2018 ông Yên được Sở Y tế Bình Thuận cấp chứng chỉ hành nghề, còn giấy phép hoạt động thì đến nay tôi vẫn chưa nhận được thông tin gì. Tôi đang cho anh em điều tra, đồng thời có công văn yêu cầu Sở Y tế Bình Thuận và một số Sở Y tế các tỉnh khác yêu cầu báo cáo Bộ Y tế về trường hợp này”- ông Thịnh nói.

PGS-TS Nguyễn Thế Thịnh cũng nhấn mạnh: Khi có chứng chỉ hành nghề chưa hẳn đã được hành nghề. Khi có chứng chỉ hành nghề rồi, cần phải có giấy phép hành nghề. Muốn hành nghề ở một địa phương nào đó, muốn mở một phòng khám tư nhân thì Sở Y tế địa phương đó cấp giấy phép hành nghề. Giấy phép hành nghề sẽ phải thẩm định xem cơ sở đó gồm bao nhiêu người, làm những gì, dựa trên chứng chỉ hành nghề được cấp ở phạm vi hoạt động như thế nào, khám chữa bệnh lĩnh vực nào.

Một số gia đình bệnh nhân câm điếc bẩm sinh từng được ông Võ Hoàng Yên chữa trị cho biết ngay lúc ông Yên chữa bệnh cho người thân của họ thì có thể có tác dụng ngay lúc đó, người câm có thể kêu ú ớ, nhưng sau đó thì về nhà lại “đâu đóng đấy”. Về vấn đề này, PGS-TS Thịnh cho rằng: “Vỗ cho vài cái ù tai, cầm lưỡi giật ra thì đau quá người bệnh phải kêu lên chứ không thể nói là chữa được. Hiện nay chưa có bất kỳ một căn cứ nào về việc chữa trị bằng cách vỗ, xoa, kéo lưỡi mà người câm điếc bẩm sinh có thể nói được. Tôi cho rằng chữa bệnh như vậy là nhố nhăng”.

PGS-TS Thịnh khẳng định: “Chưa có bất kỳ một cơ sở khoa học nào về phương pháp của ông Võ Hoàng Yên có thể chữa được bệnh và bản thân ông Võ Hoàng Yên cũng chưa đăng ký ở bất kỳ đâu, chưa ai công nhận phương pháp của ông này có thể chữa được bệnh. Ông Võ Hoàng Yên không hành nghề ở một cơ sở chính thức nào mà hành nghề “dạo”, nên nếu có sai phạm trong hành nghề khám chữa bệnh cũng khó có thể “bắt” được, khó có thể xử lý được. Theo tôi được biết, ông Yên đến một số điểm, một số địa phương làm chớp nhoáng xong lại đi luôn”.

Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, kể cả hành nghề khám chữa bệnh nhân đạo, từ thiện… khi đến một địa phương nào đó thì cũng phải được địa phương đó, mà cụ thể là Sở Y tế địa phương cấp phép, đối với trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam hành nghề khám chữa bệnh nhân đạo cũng phải được Bộ Y tế cấp phép.

Trường hợp cố tình làm trái thì bắt buộc phải đình chỉ hoạt động, đồng thời điều tra xem xét tùy theo mức độ để xử phạt, theo quy định xử phạt hành chính của ngành Y tế. Nếu gây ra những tình trạng nghiêm trọng có thể bị truy tố hình sự…

Trách nhiệm thuộc về Sở y tế các địa phương?

Vụ việc ông Võ Hoàng Yên đã hành nghề chữa bệnh một thời gian dài, hơn nữa lại chữa bệnh cho rất nhiều người, tại nhiều địa phương khác nhau nhưng chỉ đến khi bị người dân tố cáo thì cơ quan chức năng mới vào cuộc là quá muộn. Nhận định về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho rằng, trước hết vụ việc ông Võ Hoàng Yên thuộc trách nhiệm của Sở Y tế các địa phương nơi ông Yên được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có hoạt động hành nghề khám chữa bệnh. Các đơn vị này phải kiểm tra thường xuyên, nắm tình hình và có hướng xử lý kịp thời.

“Với các cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề tại địa phương, trong quá trình hành nghề, Sở Y tế địa phương phải có trách nhiệm giám sát những người hành nghề khám chữa bệnh, kịp thời hướng dẫn để họ tuân thủ. Đồng thời, phải có chấn chỉnh nếu có vi phạm về chuyên môn. Trong trường hợp hành nghề quá phạm vi chuyên môn, hoặc không đúng với phạm vi hành nghề đã đăng ký thì tùy mức độ, cơ quan quản lý sẽ yêu cầu cá nhân đó khắc phục, thậm chí tạm đình chỉ hoạt động” – PGS-TS Thịnh nhấn mạnh.

Theo PGS-TS Thịnh, Sở Y tế Bình Thuận là đơn vị cấp chứng chỉ hành nghề nhưng Phòng Y tế các địa phương, Sở Y tế các tỉnh khác nơi ông Yên hoạt động, cũng cần phải kiểm tra lại ngay xem ông Võ Hoàng Yên có được cấp phép hành nghề trên địa bàn hay không. Nếu trường hợp vượt quá thẩm quyền của Sở Y tế cần có công văn báo cáo Bộ Y tế để bộ xử lý. Hiện tại chưa có Sở Y tế nào báo cáo về vụ việc này, đồng thời phía người tố cáo cũng đưa sự việc ra cơ quan công an điều tra vì vậy sẽ phụ thuộc vào cơ quan điều tra.

“Những trường hợp này trước hết phải do địa phương quản lý. Đối với những trường hợp hành nghề bất thường như ông Võ Hoàng Yên, nếu Sở Y tế không báo cáo thì Bộ Y tế có công văn yêu cầu Sở Y tế báo cáo. Đối với các trường hợp có sự phản ánh của người dân về sai phạm, Bộ Y tế có thể lập đoàn kiểm tra, nếu liên quan đến y học cổ truyền thì cục sẽ chủ trì, phối hợp với thanh tra và các cơ quan ban ngành để kiểm tra cụ thể, thậm chí có thể phối hợp với công an để điều tra, làm rõ”- Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *