Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
25121

Việt Nam – những nỗ lực phòng, chống mua bán người Kỳ 1: Những đánh giá sai lệch, không có cơ sở

Vừa qua (ngày 19/7/2022), BNG Mỹ đã công bố Báo cáo thường niên về tình hình mua bán người của 189 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là báo cáo được BNG Mỹ xây dựng theo Đạo luật Bảo vệ nạn nhân bị mua bán năm 2000 (TVPA) do Quốc hội Mỹ đề ra..Báo cáo cáo buộc Chính phủ Việt Nam trong năm qua “chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về xóa bỏ nạn mua bán người và chưa có nỗ lực nổi bật trong việc giải quyết vấn đề này” và hạ bậc Việt Nam xuống Nhóm 3 – nhóm các nước vi phạm nghiêm trọng về mua bán người sau 3 năm liên tiếp ở Nhóm 2- Theo dõi. Báo cáo về tình hình buôn người Mỹ năm nay về Việt Nam đã đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, thậm chí sai lệch về những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người.

Báo cáo TIP năm 2022 đưa ra nhận xét về nỗ lực phòng, chống mua bán người của 188 quốc gia trên thế giới: có 30 nước xếp ở Nhóm 1 (tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu của Đạo luật TVPA); 99 nước xếp ở Nhóm 2; 34 nước xếp ở Nhóm 2-Theo dõi; 22 nước xếp ở Nhóm 3 (không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu của TVPA và không có nỗ lực để đáp ứng các tiêu chuẩn đó) và 03 nước gồm Li-bi-a, Xô-ma-li-a và Y-ê-men tiếp tục được xếp vào “trường hợp đặc biệt”. Việt Nam bị hạ xuống Nhóm 3 sau 3 năm liên tiếp ở Nhóm 2-Theo dõi.

Báo cáo TIP năm 2022 đánh giá Việt Nam chưa hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu về loại bỏ mua bán người và không có nỗ lực đáng kể để cải thiện, dù ghi nhận sự cố gắng của Việt Nam trong một số lĩnh vực như: ban hành hướng dẫn liên quan đến thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự liên quan đến các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi[1]; tăng cường xác định và bảo vệ nạn nhân, hợp tác thực thi pháp luật quốc tế; đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Báo cáo phê phán một số mặt trong hoạt động truy tố, bảo vệ nạn nhân và ngăn chặn mua bán người: Điều 150 Bộ luật Hình sự không tương thích với luật pháp quốc tế, số người bị kết án về tội mua bán người giảm đi trong 5 năm liên tiếp, số vụ các tòa thụ lý cũng thấp hơn so với năm 2020; Chính phủ không xử lý  02 cán bộ ngoại giao tiếp tay cho mua bán người; Quá trình xác định nạn nhân còn rườm rà và phức tạp, không phân tách dữ liệu về việc nạn nhân có nhận được hỗ  trợ từ các tổ chức phi chính phủ hay nguồn chính thức hay không; Chính phủ chưa nỗ lực đầy đủ trong việc giáo dục công dân về những rủi ro vốn có khi làm việc ở nước ngoài

Các yếu tố tác động chính đến vị trí xếp hạng của Việt Nam là số lượng vụ truy tố, xét xử trong năm 2021 giảm (tiêu chí “cứng” của phía Hoa Kỳ khi đánh giá nỗ lực của các nước) và các vấn đề liên quan đến người lao động Việt Nam làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út.

Ngoài ra, một số thông tin nêu tại Báo cáo TIP năm 2022 còn chưa được kiểm chứng và cần được tiếp tục xác minh, làm rõ trong thời gian tới nnhư 02 cán bộ ngoại giao tiếp tay cho mua bán người; tình trạng công dân bị cưỡng bức lao động tại Nhật Bản trong khuôn khổ Chương trình phái cử-tiếp nhận thực sinh kỹ năng và tại I-xra-en trong khuôn khổ Chương trình đào tạo và thực hành nông nghiệp; lao động cưỡng bức trên tàu cá.

Đáng chú ý, các thông tin phía Mỹ sử dụng để xây dựng báo cáo tiếp tục được thu thập từ các nguồn tin không chính thống của các tổ chức, cá nhân không thân thiện với Việt Nam như tổ chức “Theo dõi Nhân quyền – HRW, tổ chức “Ủy ban cứu người vượt biển (BPSOS)”, tổ chức khủng bố Việt Tân…  Những đánh giá của phía Mỹ hoàn toàn không có cơ sở, phủ nhận hoàn toàn nỗ lực và cố gắng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong công cuộc phòng chống, tiến tới xóa bỏ tình trạng mua bán người ở Việt Nam.

Trong quá trình làm việc với phía Hoa Kỳ, Việt Nam luôn tích cực, chủ động và phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trao đổi, làm rõ tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam, kịp thời giải đáp các vấn đề mà phía Hoa Kỳ quan tâm, nhất là trong giai đoạn xếp loại, đề nghị phía Hoa Kỳ có đánh giá toàn diện, khách quan và chính xác. Tuy nhiên, do các vấn đề nêu trên, đặc biệt là vấn đề lao động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út, phía Hoa Kỳ bảo lưu quan điểm cho rằng Việt Nam chưa có nỗ lực trong phòng, chống mua bán người.

[1] Thông tư 43/2021/TT-BCA ngày 22/4/2021 quy định trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *