Ngày nay, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông mới ra đời đã ảnh hưởng đến các hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong đó, ảnh hưởng của thông tin trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là truyền thông xã hội đối với quyền con người đang ngày càng đậm nét. Vài năm gần đây, việc vi phạm quyền con người trên mạng xã hội đã và đang trở nên phổ biến và ngày càng nghiêm trọng. Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi nghiên cứu một số vấn đề về ảnh hưởng của mạng xã hội đối với việc đảm bảo quyền con người trong bối cảnh hiện nay.
Người Việt Nam đã và đang ngày càng phụ thuộc vào công nghệ số
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử phát triển của loài người, trong đó cuộc cách mạng này đã và đang tạo ra những tác động sâu sắc và to lớn trên nhiều lĩnh vực không chỉ kinh tế, xã hội, môi trường mà còn trên cả “lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp” của người dân, cũng như “chính phủ các nước, an ninh, chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của nhiều quốc gia, nhiều khu vực trên thế giới; đến địa vị của các nước, các quốc gia, các vùng lãnh thổ, các doanh nghiệp,…”[7]. Các lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ nhất của cuộc cách mạng này những lĩnh vực ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, trong đó có công nghệ truyền thông số. Các thống kê sau đây phần nào cho thấy các nhận định đó.
Theo báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2018 và một số nhiệm vụ trọng tâm 2019 của Ban Tuyên giáo Trung ương, đến tháng 11/2018, nước ta có khoảng 19,000 nhà báo có thẻ báo chí, 23,893 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Bên cạnh đó, nước ta có khoảng 844 cơ quan báo chí, bao gồm: 184 cơ quan báo in, 660 tạp chí và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập [7]. Một thống kê khác của Bộ Thông tin và truyền thông, tính đến 6 tháng đầu năm 2019 cả nước có 868 cơ quan báo in, báo điện tử. Bên cạnh đó, theo quy hoạch báo chí, cả nước sẽ giảm 94 cơ quan chủ quản với 180 cơ quan báo chí. Dự kiến đến 2025, cả nước còn 688 cơ quan báo chí với 8,194 nhân sự bị ảnh hưởng, tương đương 20% nhân sự trong lĩnh vực này [5]. Tuy vậy, nước ta vẫn có một mạng lưới các cơ quan báo chí, truyền thông hùng hậu, có chất lượng đang thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, công chúng Việt Nam cũng có thể tiếp cận tới hầu hết các tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí trên thế giới như AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times… mà không có bất kỳ hạn chế nào.
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là ảnh hưởng của công nghệ truyền thông số, tính đến tháng 1 năm 2019, Việt Nam có khoảng 143.3 triệu số điện thoại di động, 64 triệu tài khoản kết nối Internet, 62 triệu tài khoản mạng xã hội đang hoạt động, trong số đó khoảng 58 triệu tài khoản sử dụng thiết bị di động để sử dụng mạng xã hội [4]. Cùng với xu thế đó, có thể thấy rằng người Việt Nam đã và đang ngày càng phụ thuộc vào công nghệ số đặc biệt là mạng xã hội và truyền thông xã hội.
Cũng theo thống kê của Hootsuite [4], tính đến tháng 1 năm 2019, tỷ lệ theo độ tuổi của người dân Việt Nam tham gia vào hoạt động trên môi trường số được thể hiện theo hình dưới đây. Theo đó, tỷ lệ độ tuổi sử dụng Internet tập trung vào khoảng từ 13 đến 44 tuổi. Số liệu này cho thấy phần lớn người sử dụng đều có khả năng tiếp cận tới mạng Internet và mạng xã hội ở Việt Nam (trên tổng số 62 triệu tài khoản) đều nằm trong độ tuổi vị thành niên và trong độ tuổi vàng của lao động với hơn 80%. Sự trải rộng về độ tuổi của đối tượng sử dụng mạng xã hội như hiện nay đặt các chủ thể thực hiện truyền thông chính sách trước một thách thức hết sức to lớn và phức tạp.
Quyền con người trên không gian ảo thường bị vi phạm
Trong những năm gần đây, vấn đề đảm bảo quyền con người trên không gian mạng, đặc biệt là môi trường mạng xã hội đang trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm. Trong đó, các thách thức về bảo vệ/thực thi quyền con người tập trung vào tính chân thực của thông tin. Quyền con người trên không gian ảo thường bị vi phạm từ những điều đơn giản như việc mua bán hàng hoá (hàng giả, hàng kém chất lượng trên mạng) hay các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, chủ quyền hay trật tự xã hội, đặc biệt là quyền riêng tư của cá nhân. Những thông tin về đời tư cá nhân được đưa lên mạng có thể bị kẻ xấu lợi dụng nhằm tạo tin giật gân, thu hút lượt xem, lượt bình luận, tương tác. Bên cạnh đó, việc kiểm chứng những thông tin được đăng tải trên mạng xã hội cũng rất khó khăn và mất nhiều thời gian; hậu quả của những thông tin sai lệch hoặc bị lợi dụng với mục đích xấu có thể làm ảnh hưởng không tốt tới xã hội, tác động tiêu cực tới cá nhân, nghiêm trọng hơn nữa, có người dưới sức ép từ dư luận trên mạng xã hội đã tìm đến cái chết. Có nhiều ví dụ thương tâm trong các trường hợp này có thể kể đến như vào tháng 6 năm 2013, P.U.N., nữ sinh lớp 12 của một trường trung học phổ thông ở Đà Nẵng đã uống thuốc an thần tự tử. Người nhà N. may mắn phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân được tiết lộ sau đó, chỉ vì N. bị trang fanpage B.M.T.C.C.H.Đ.T. viết bài vu khống để thóa mạ, bôi nhọ lên Facebook. Nhiều người sử dụng mạng xã hội này đã thực hiện các chỉ trích, xúc phạm N. thậm tệ. Quá mệt mỏi, N. tìm đến cái chết. Hay cách đây không lâu, vào ngày 17/6/2015, N.T.A.T., nữ sinh lớp 9 của một trường trung học cơ sở ở huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đã tự tử bằng cách uống thuốc diệt cỏ. Đó là hậu quả của việc T. phát hiện đoạn phim ghi lại cảnh nhạy cảm của T. và người yêu bị phát tán và lan truyền trên mạng. T. tự tử vì cảm thấy tủi hổ và không chịu nổi áp lực từ những bình luận ác ý của cư dân mạng (theo báo Thanh niên).
Cho dù chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong điều kiện Internet, mạng xã hội là tương đối đầy đủ, thuận lợi. Tuy nhiên, khi sử dụng Internet hay mạng xã hội, người sử dụng cần nhận thức đúng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đó là nghĩa vụ tuân thủ pháp luật; thực hiện đúng những hạn chế quyền, nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Điều này, không chỉ là trách nhiệm về chính trị, pháp lý mà còn thuộc về đạo đức, lối sống của mỗi người và cũng là quy định của nhiều quốc gia trên thế giới.
TS. Trần Quang Diệu