Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
20340

Ưu tiên cam kết quốc tế về đẩy mạnh giáo dục quyền con người

Ưu tiên cam kết quốc tế về đẩy mạnh giáo dục quyền con người

Là quốc gia thành viên của LHQ, Việt Nam có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền giáo dục, trong đó có đẩy mạnh giáo dục quyền con người theo cả cơ chế dựa trên  Hiến chương LHQ và các cơ chế dựa trên công ước.

Vấn đề ưu tiên nhằm thúc đẩy quyền con người.

Việt Nam là thành viên của 7/9 Công ước cốt lõi về quyền con người, và một số công ước trên lĩnh vực giáo dục của UNESCO, đặc biệt là Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá 1966, Công ước quyền trẻ em, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp lập pháp, hành pháp và tư pháp về giáo dục quyền con người.

Ưu tiên cam kết quốc tế về đẩy mạnh giáo dục quyền con người
Ưu tiên cam kết quốc tế về đẩy mạnh giáo dục quyền con người

Đối với cơ chế dựa trên Hiến chương, Việt Nam thực hiện báo cáo về các biện pháp đã được triển khai nhằm thúc đẩy giáo dục quyền con người ở Việt Nam. Trong các báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ về quyền con người (UPR) lần 1 (2009) , lần 2 (2014) và lần 3 (2019) đều có nội dung về giáo dục quyền con người. Cụ thể, thông tin về giáo dục quyền con người được Việt Nam tại Báo cáo UPR chu kỳ 3 năm 2019, khẳng định “Việt Nam coi giáo dục và nâng cao nhận thức về quyền con người là một trong những vấn đề ưu tiên nhằm thúc đẩy quyền con người.”

Trong khuôn khổ cơ chế dựa trên điều ước, nghĩa vụ thúc đẩy và thực hiện giáo dục quyền con người được thể hiện ở tất cả các điều ước mà Việt Nam phê chuẩn đặc biệt là Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá và Công ước Quyền trẻ em.

Thông qua các hoạt động thúc đẩy giáo dục về quyền con người ở Việt Nam, các nguyên tắc, chuẩn mực quyền con người đã dần dần được đưa vào chương trình giáo dục từ tiểu học, trung học đến đại học, sau đại học. Ở bậc phổ thông, quyền con người đã được lồng ghép vào nội dung một số môn học như đạo đức, giáo dục công dân, ngữ văn. Trong các chương trình đào tạo đại học, quyền con người đã được tích hợp, lồng ghép vào một số môn học như Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Công pháp quốc tế…

Việt Nam cũng có cam kết chính trị trong việc thực hiện chương trình thế giới về giáo dục quyền con người (4 giai đoạn) và kế hoạch hành động của UNESCO về giáo dục quyền con người. Các chuẩn mực quốc tế về quyền giáo dục, bước đầu đã được nội luật hoá trong các quy định pháp luật, chương trình, chính sách về quyền con người và giáo dục ở Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam chưa có một điều khoản riêng về giáo dục quyền con người trong luật.

Tuy nhiên nội hàm của giáo dục quyền con người đặc biệt là các nội dung của giáo dục về quyền con người, vì quyền con người, thông qua quyền con người đã được ghi nhận trong các bộ luật quan trọng như Luật giáo dục 2020, Luật Trẻ em 2016, Luật Giáo dục đại học 2020…

Ở cấp độ chương trình, nhận thức rõ nghĩa vụ quốc gia và tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về quyền con người, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017, phê duyệt Đề án “đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” từ bậc mầm non đến đại học. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người.

Đề án đã triển khai được một số hoạt động quan trọng: Khảo sát, đánh giá thực trạng giáo dục quyền con người (QCN) trong hệ thống giáo dục quốc dân; Tổ chức các lớp tập huấn Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, giảng viên ở một số tỉnh, thành phố; Xây dựng một số tài liệu tham khảo, chuyên khảo về quyền con người; tài liệu nội dung và phương pháp giáo dục QCN ở các cấp học phổ thông… đẩy mạnh giáo dục quyền con người

Thách thức trong việc nâng cao nhận thức về quyền con người

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc giáo dục quyền con người ở Việt Nam hiện nay vẫn còn một số hạn chế nhất định.

Thứ nhất, nhận thức, cách tiếp cận về giáo dục quyền con người hiện nay mới chỉ tập trung vào nội dung giáo dục về quyền con người mà chưa nhấn mạnh đến triển khai các hoạt động để thực hiện giáo dục thông qua quyền con người và vì quyền con người. Do vậy, chưa tạo ra dược những chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động thực thi, bảo vệ quyền con người trong toàn xã hội.

Thứ hai, Các hoạt động giáo dục quyền con con người mới chỉ chủ yếu được thực hiện trong hệ thống giáo dục chính quy chưa có nhiều hoạt động giáo dục quyền con người phi chính quy, đặc biệt là các chương trình giáo dục quyền con người cho cộng đồng và cho các nhóm đối tượng cụ thể.

Thứ ba, việc triển khai các hoạt động thực hiện Đề án giáo dục quyền con người chưa đồng bộ. Do khó khăn về kinh phí mà các hoạt động do Bộ Giáo dục, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội gần như chưa được triển khai đáng kế.

Thứ tư, Việt Nam chưa có một cơ quan độc lập về quyền con người để triển khai các hoạt động giáo dục quyền con người đa dạng và toàn diện.

Thứ năm, Việt Nam chưa tham gia nhiều hoạt động để triển khai thực hiện Chương trình thế giới về giáo dục quyền con người, đặc biệt là chương trình hành động để thực hiện  giai đoạn 4 về giáo dục quyền con người cho thanh niên.

Trong lần kiểm điểm định kỳ UPR lần 3 năm 2019, Việt Nam đã nhận được 13/291 khuyến nghị về giáo dục quyền con người với các nội dung cụ thể sau:

Nâng cao nhận thức về các công ước quốc tế về quyền con người; Tiếp tục lồng ghép nội dung Công ước Quyền trẻ em, Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và Công ước về quyền của người khuyết tật vào sách giáo khoa.– Thực hiện giáo dục quyền con người trong tất cả các cơ sở giáo dục; Tăng cường giáo dục nhân quyền cho nhóm đối tượng là cán bộ nhà nước; Thúc đẩy truyền thông nhà nước đóng góp nhiều hơn vào nâng cao nhận thức nhân dân về nhân quyền. Đẩy mạnh giáo dục quyền con người

Nhà nước Việt Nam đã chấp nhận các khuyến nghị UPR về giáo dục quyền con người và xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện các khuyến nghị này.

Trong thời gian tới để thực hiện giáo dục quyền con người, Việt Nam cần tập trung vào một số hoạt động sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghĩa vụ về quyền giáo dục, trong đó có giáo dục quyền con người đã được ghi nhận trong một số văn kiện mà Việt Nam là thành viên;

Thứ hai, sớm phê chuẩn công ước của UNECSO về chống phân biệt đối xử trong giáo dục;

Thứ ba, kết nối với các cơ quan chuyên môn liên quan của LHQ để tham gia vào các hoạt động và xây dựng kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về giáo dục quyền con người trên cơ sở khuôn khổ Chương trình thế giới về giáo dục quyền con người 2020 – 2024.

Thứ năm, xây dựng phương án và kế hoạch có tính khả thi về cơ quan quốc gia về về quyền con người, coi đây là cơ quan đầu mối để triển khai các hoạt động giáo dục quyền con người trong cả nước.

Thứ sáu, đa dạng hoá hình thức và nội dung của giáo dục quyền con người để bao gồm cả 3 nội dung giáo dục về quyền con người, vì quyền con người và thông qua quyền con người.

Thứ bảy, cần triển khai các hoạt động giáo dục quyền con người cả trong hệ thống giáo dục không chính thức và phi chính quy. Tiếp tục có nhiều chương trình giáo dục quyền con người cho các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là nhóm cán bộ thực thi pháp luật như: thẩm phán, công an, luật sư, cán bộ trại giam, đại biểu quốc hội, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhà báo…

Thứ tám, khẩn trương thực hiện đúng tiến độ các hoạt động của Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”, đặc biệt là các hoạt động do Bộ Giáo dục chủ trì.■

nhanquyenvn.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *