Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
26055

Việt Nam triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ 3 Kỳ I: Nhóm vấn đề “Hoàn thiện pháp luật, thể chế về QCN”

Với chính sách nhất quán trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người (QCN), Việt Nam coi trọng và tham gia đầy đủ cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát về QCN của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UPR). Việc thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận, tuy không phải là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc, nhưng thể hiện cam kết, nỗ lực của mỗi quốc gia trong bảo vệ và thúc đẩy QCN. Đối với Việt Nam, việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các khuyến nghị UPR cũng tác động tích cực đến tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm việc thụ hưởng các QCN. 76 khuyến nghị mà Bộ Tư pháp được Thủ tướng Chính phủ phân công, tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính là: (i) Hoàn thiện pháp luật, thể chế về QCN; (ii) Chính sách bảo đảm các quyền dân sự, chính trị; (iii) Hợp tác quốc tế liên quan đến cải cách tư pháp.

Các khuyến nghị chủ yếu liên quan đến đẩy nhanh tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền trên cơ sở các qui định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm quyền tiếp cận công lý. Do đây là những khuyến nghị đòi hỏi thời gian và nỗ lực, nên việc thực hiện đang trong quá trình triển khai với những kết quả bước đầu.

Thứ nhất, với nhóm nội dung “Cải cách pháp luật và xây dựng nhà nước pháp quyền trên cơ sở Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên” (các khuyến nghị số 53, 59, 60, 62, 81, 109, 153, 154, 156, 159, 160, 162): Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất đã thể hiện rõ thứ tự ưu tiên đối với một số lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt để tập trung nguồn lực thực hiện, trong đó có các dự án luật nhằm triển khai thi hành các qui định của Hiến pháp về QCN, quyền cơ bản của công dân.

Từ năm 2019 đến tháng 6/2021, Quốc hội thông qua 36 luật, trong đó có nhiều luật liên quan đến QCN, quyền cơ bản của công dân như Bộ luật Lao động, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính… Đối với khuyến nghị về “Xây dựng Luật chống phân biệt đối xử”, Việt Nam đã đưa nhiệm vụ này vào Kế hoạch tổng thể cấp quốc gia về việc tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền (sau đây gọi là Kế hoạch ICCPR) với thời hạn thực hiện là năm 2022.

Thứ hai, về nội dung “Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân được đóng góp trong quá trình dự thảo và xây dựng văn bản pháp luật” (khuyến nghị 61): Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật năm 2020 đã bổ sung nội dung qui định rõ hơn trách nhiệm phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong qui trình xây dựng, ban hành văn bản qui phạm pháp luật.

Thứ ba, về nhóm nội dung “Hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự” (khuyến nghị số 155, 217, 225): Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp để thực hiện khuyến nghị như: Nghiên cứu khả năng sửa đổi và đề xuất hoàn thiện pháp luật hình sự về hình phạt tử hình (khuyến nghị số 146, 291), tư pháp hình sự (khuyến nghị số 155), và phòng chống bạo lực giới và mua bán người (khuyến nghị số 217, 225) đã được đưa vào Kế hoạch ICCPR với thời hạn kết thúc vào năm 2022.

Trong khuôn khổ hợp tác với UN Women, Bộ Tư pháp đã xây dựng tài liệu và tổ chức các cuộc tập huấn hướng dẫn thi hành qui định pháp luật hình sự và tố tụng hình sự liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ; tập huấn kỹ năng giải quyết các vụ việc bạo lực đối với phụ nữ cho cán bộ tư pháp; tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi pháp luật ở Trung ương và một số tỉnh, thành phố về các qui định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015.

ThS. NGUYỄN LINH KHA

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tư pháp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *