Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
81493

Quyền sống không phải là “quyền tuyệt đối”

Ủy ban Nhân quyền cho rằng, quyền sống không phải là “quyền tuyệt đối”, vì ICCPR không bắt buộc các quốc gia phải xóa bỏ hình phạt tử hình, mà chỉ yêu cầu giới hạn áp dụng hình phạt này với “những tội ác nghiêm trọng nhất”. Nói cách khác, việc duy trì hình phạt tử hình không vi phạm luật nhân quyền quốc tế, song nếu lạm dụng hình phạt đó thì có thể xung đột với ICCPR.

Quyền có giới hạn

Luật nhân quyền quốc tế bảo vệ quyền sống nhưng không xem đó là một quyền tuyệt đối. Trong ICPPR và các văn kiện khác của luật nhân quyền quốc tế không có điều khoản nào bắt buộc các quốc gia thành viên phải xóa bỏ HPTH hoặc xem việc áp dụng HPTH là vi phạm quyền sống. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền sống khỏi bị tước bỏ một cách tuỳ tiện, hay nói cách khác là để phòng ngừa việc lạm dụng HPTH, luật nhân quyền quốc tế quy định các quốc gia có nghĩa vụ giới hạn áp dụng hình phạt này chỉ với “những tội ác nghiêm trọng nhất”.

Ngoài ra, luật nhân quyền quốc tế còn quy định nghĩa vụ của các quốc gia trong việc bảo đảm những thủ tục tố tụng công bằng ở mức độ cao nhất với những vụ việc mà bị cáo bị xét xử với mức án tử hình, trong đó bao gồm những khía cạnh như không áp dụng hồi tố, xét xử công khai, được giả định vô tội, bảo đảm các quyền bào chữa, kháng cáo và xin ân giảm…

Chưa được hiểu một cách thống nhất

Vấn đề là khái niệm “các tội phạm nghiêm trọng nhất” trong thực tế chưa được hiểu một cách thống nhất ở các quốc gia và việc diễn giải cụm từ này khác nhau đã dẫn đến phạm vi tội phạm có thể bị kết án tử hình khác nhau giữa các nước.

Từ góc độ quan điểm của các cơ quan nhân quyền LHQ, Ủy ban Nhân quyền cho rằng: “Cụm từ “các tội phạm nghiêm trọng nhất” phải được giải thích với ý nghĩa rằng, HPTH phải là một biện pháp ngoại lệ”, trong đó không bao gồm các tội phạm về kinh tế, tội tham nhũng, các tội phạm về chính trị, tội cướp, bắt cóc mà không gây hậu quả chết người, bội giáo và các tội liên quan đến ma túy. Uỷ ban Nhân quyền của LHQ giải thích rằng, khái niệm “các tội phạm nghiêm trọng nhất” không bao gồm những hành vi phi bạo lực như các tội phạm tài chính, việc thực hành tôn giáo hoặc thể hiện tín ngưỡng hoặc quan hệ tình dục đồng thuận giữa những người trưởng thành. Còn theo đoạn 1 của văn kiện hướng dẫn “Các bảo đảm về quyền của những người đối mặt với án tử hình” được ban hành kèm theo Nghị quyết 1996/15 ngày 23/7/1996 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ (ECOSOC) thì: “Tại các quốc gia chưa bãi bỏ HPTH, án tử hình chỉ được áp dụng đối với các tội phạm nghiêm trọng nhất và cần hiểu rằng phạm vi của các tội này không vượt ra khỏi các tội phạm mang tính quốc tế gây ra hậu quả chết người hoặc các hậu quả nghiêm trọng khác”.

Từ những diễn giải trên, có thể thấy, theo quan điểm của các cơ quan nhân quyền LHQ, phạm vi tội danh có thể áp dụng HPTH là rất hẹp, cơ bản chỉ giới hạn ở tội giết người với tình tiết tăng nặng.

PGS.TS Vũ Công Giao

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *