Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết trong năm 2024, số lượng người tị nạn trên toàn thế giới đã vượt quá con số 122 triệu người, cao hơn năm ngoái. Trước đó, vào năm 2023, số người tị nạn trên toàn cầu là 117,4 triệu người, chủ yếu do làn sóng di dời hàng loạt để tránh cuộc xung đột ở Sudan. Đây là con số đáng báo động, cho thấy dòng người tìm kiếm vùng đất mới ngày càng nhiều hơn và cần phải có sự nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tăng cường bảo vệ và tạo cơ hội cho những người tị nạn.
Trên thế giới hiện có một số công ước và quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi của người tị nạn.
Thứ nhất là Công ước về vị thế của người tị nạn năm 1951. Đây là bước đột phá trong quá trình xây dựng pháp luật quốc tế về tị nạn và là công ước quốc tế đầu tiên bao gồm các khía cạnh cơ bản nhất của cuộc sống người tị nạn. Công ước công nhận phạm vi quốc tế của các cuộc khủng hoảng người tị nạn và sự cần thiết của hợp tác quốc tế bao gồm cả việc chia sẻ gánh nặng giữa các quốc gia để giải quyết vấn đề này.
Sau đó, Nghị định thư về vị thế của người tị nạn năm 1967 xóa bỏ các giới hạn về thời gian và địa lý của Công ước về vị thế của người tị nạn năm 1951. Nền tảng của Nghị định thư này là nguyên tắc “cấm trục xuất hoặc hồi hương” người tị nạn nêu trong Điều 33. Theo nguyên tắc này, không quốc gia nào được đưa người tị nạn trở lại nơi người đó phải đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng đến tự do của họ.
Công ước và Nghị định thư vềnày đều là những công cụ pháp lý quốc tế mà các quốc gia tự nguyện đồng ý ràng buộc.
Đến năm 1969, Công ước đã điều chỉnh các khía cạnh cụ thể của vấn đề người tị nạn ở châu Phi gồm 15 điều khoản; quy định nghĩa vụ của người tị nạn là tôn trọng luật pháp, quy định của quốc gia sở tại và cấm họ tham gia vào các hoạt động lật đổ chống lại bất kỳ quốc gia thành viên nào của Liên minh châu Phi. Ngược lại, quốc gia tiếp nhận không được phân biệt đối xử về chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, thành viên của một nhóm xã hội cụ thể hoặc chính kiến chính trị.
Ngoài việc ghi nhận khái niệm người tị nạn tương tự tại Công ước về vị thế của người tị nạn năm 1951, Công ước còn điều chỉnh các khía cạnh cụ thể của vấn đề người tị nạn ở châu Phi năm 1969 có bổ sung là người tị nạn sẽ áp dụng cho người bị buộc phải rời khỏi đất nước của họ do xâm lược bên ngoài, chiếm đóng, sự thống trị của nước ngoài hoặc các sự kiện gây rối trật tự công cộng nghiêm trọng.
Trong khi đó, Điều 3 Công ước bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do căn bản năm 1950 (Công ước châu Âu về nhân quyền) quy định: “Không ai bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt vô nhân đạo hoặc hạ nhục”. Tất cả các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đều bị ràng buộc bởi Công ước về vị thế của người tị nạn năm 1951 và có một khuôn khổ hợp tác khu vực phát triển về các vấn đề tị nạn, di cư gọi là Hệ thống tị nạn chung châu Âu (CEAS).
Mục tiêu của Hệ thống tị nạn chung châu Âu là tạo ra cách tiếp cận hài hòa trên toàn Liên minh châu Âu. Chỉ thị số 2013/32/EU về thủ tục tị nạn nhằm bảo đảm cho việc ra quyết định xin tị nạn công bằng hơn, nhanh hơn và chất lượng hơn bằng cách đặt ra các thủ tục chung để cấp (hoặc rút lại) sự bảo hộ quốc tế ở các quốc gia thành viên. Chỉ thị số 2013/33/EU về điều kiện tiếp nhận đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu chung về các điều kiện tiếp nhận nhân đạo dành cho những người xin tị nạn trên khắp Liên minh châu Âu, nó thiết lập các quy tắc liên quan đến nhà ở, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, việc làm và các quy tắc chung chi tiết điều chỉnh các trường hợp hạn chế mà người xin tị nạn có thể bị giam giữ. Chỉ thị số 2011/95/EU về đủ điều kiện tị nạn đưa ra các tiêu chí cho người nộp đơn đủ điều kiện để được hưởng quy chế tị nạn hoặc quy chế bảo vệ bổ sung và quy định các quyền dành cho những người đã được cấp một trong những tư cách đó.
Điều XXVII của Tuyên ngôn châu Mỹ về quyền và nghĩa vụ của con người năm 1948[6] và Điều 22 của Công ước châu Mỹ về Nhân quyền năm 1969 đã thiết lập quyền xin tị nạn. Cả hai văn bản này đều quy định rằng, mọi người có quyền xin và được tị nạn ở lãnh thổ nước ngoài phù hợp với luật pháp của quốc gia tiếp nhận và các hiệp định quốc tế.
Tại Trung Đông và châu Á, năm 1994, Công ước Arab về Quy định tình trạng người tị nạn ở các quốc gia Arab đã được Liên minh các quốc gia Arab (LAS) thông qua nhưng chưa có hiệu lực vì không được phê chuẩn. Năm 2001, các nước châu Á và châu Phi đã thông qua Nguyên tắc Bangkok về tình trạng và đối xử với người tị nạn. Công ước Arab được đề xuất và Nguyên tắc Bangkok đều sử dụng khái niệm về người tị nạn trong Công ước điều chỉnh các khía cạnh cụ thể của vấn đề người tị nạn ở châu Phi năm 1969. Năm 2012, các quốc gia thành viên của Tổ chức hợp tác Hồi giáo đã thông qua Tuyên bố Ashgabat của Hội nghị Bộ trưởng Quốc tế của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo về người tị nạn trong thế giới Hồi giáo tại Turkmenistan.
Tóm lại, hiện nay, pháp luật về tị nạn quốc tế đã cơ bản được hình thành, trong đó, có văn bản mang tính chất toàn cầu, có văn bản mang tính khu vực. Mặc dù, ở mỗi khu vực, mức độ ghi nhận khác nhau nhưng tất cả đều đang thay đổi theo hướng tích cực hơn. Theo thời gian, nhiều công cụ pháp lý ra đời và được các quốc gia thành viên hưởng ứng nhiệt tình hơn, có thiện chí hơn, coi vấn đề tị nạn là một trách nhiệm quốc tế mà các quốc gia cần hợp tác để giải quyết. Cùng với đó là sự bảo vệ tốt hơn, đầy đủ hơn cho người tị nạn cũng được chú trọng. Một khi tham gia vào các công ước, hiệp ước quốc tế, các quốc gia thành viên có trách nhiệm thực hiện sao cho phù hợp với các điều khoản đã cam kết.