Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
13260

Khát vọng phát triển Kỳ 2: Niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

 Ba đột phá chiến lược (thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng) được nêu lần đầu tiên tại Đại hội XI của Đảng (2011). Hiện nay trong văn kiện Đại hội XIII, nội hàm của chúng được phát triển so với nội dung trong văn kiện các Đại hội XI và XII. Chẳng hạn trước đây xác định chỉ là phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, lần này được xác định là “hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển”, tức thể chế phát triển cho tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trước đây chỉ xác định nguồn nhân lực chung, hiện nay  xác định rõ ưu tiên nguồn nhân lực lãnh đạo quản lý và các lĩnh vực then chốt; Cũng như thế trong đột phá chiến lược về hạ tầng, Văn kiện đại hội lần này xác định cụ thể ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

       Khát vọng chỉ được hình thành, phát triển khi mỗi người và toàn dân tộc có niềm tin vào thể chế phát triển theo hướng hiện đại của đất nước. Văn kiện các Đại hội trước đây đề cập chưa đúng mức đến chủ đề niềm tin, khát vọng. Trong Văn kiện Đại hội XIII, ngay trong chủ đề của Đại hội và các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đều khẳng định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”. Các mục tiêu được định lượng cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.   

       Ngày nay khi đất nước đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển và đang tích cực xây dựng một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhiều người Việt Nam mới thực sự: “Đã nghe gió ngày mai thổi lại. Đã nghe hồn thời đại bay cao” như nhà thơ cách mạng Tố Hữu dự cảm cách đây khoảng 60 năm. Hiện nay, khát vọng và cũng là yêu cầu cấp thiết đang đặt ra đối với Đảng, Nhà nước và toàn dân Việt Nam hiện nay là phải mạnh dạn đổi mới, sáng tạo để đi tắt đón đầu nhằm đưa đất nước phát triển nhanh – bền vững. Bởi lẽ, chúng ta đã nhiều lần để lỡ thời cơ mà các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2, thứ 3 tạo ra. Giờ đây cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đang kiến tạo thời cơ và lôi cuốn toàn nhân loại. Do đó Việt Nam cũng không thể không chủ động, tích cực nắm bắt thời cơ đó. 

         Khát vọng là một trạng thái tinh thần của “gió ngày mai thổi lại” và mang “hồn thời đại” với sự thôi thúc mạnh mẽ từ niềm tin vào thể chế phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đó thực chất là chất men của chủ nghĩa yêu nước khi vận nước đã đến. Trong khát vọng phải có “tham vọng” tỉnh táo và lượng định được những thách thức mới và khi đã thành “sĩ khí quốc dân”, thì lòng dân bền vững, “không có việc gì khó” (Hồ Chí Minh) để quyết chí và dám vượt qua mọi thách thức nhằm bước  tới đài vinh quang “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” trong thế kỷ XXI như tâm nguyện của Hồ Chủ tịch 

Tài liệu tham khảo:    

Xem: Khát vọng phát triển đất nước và đổi mới sáng tạo – điểm nhấn của Đại hội Đảng lần thứ XIII , http://hdll.vn/vi/nghien-cuu—trao-doi/khat-vong-phat-trien-dat-nuoc-va-doi-moi-sang-tao—diem-nhan-cua-dai-hoi-dang-lan-thu-xiii.html  (truy cập 15-11-2020)

Nguyễn Thanh Tuấn, Văn hóa bản địa Việt Nam – Khuynh hướng phát triển hiện đại, Nxb. Văn hóa – Thông tin & Viện Văn hóa, Hà Nội, 2012, tr.284.

 Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 35.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *