Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
16956

Hiểu thế nào cho đúng về quán trong làng cổ Đường Lâm

Gần đây khách du lịch đến tham quan Làng cổ Đường Lâm, bên cạnh những công trình tâm linh còn bắt gặp những công trình nhỏ được xây dựng ở ven làng hay giữa cánh đồng, thường những công trình này không có bát hương hay bệ thờ…

Khi hỏi, khách được dân làng cho biết nơi đó gọi là quán. Một số người lầm tưởng đó là những quán làng, xây dựng cho người đi làm đồng tránh mưa nắng hay khách qua lại nhỡ độ đường… Quán ở Đường Lâm công năng hoàn toàn khác. Trong phạm vi bài viết này, xin đề cập tới “quán trong làng cổ” để mọi người hiểu đúng về những công trình được gọi là “quán” này…

Hiện nay trên địa bàn xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) còn tồn tại một số ngôi quán cổ, quán nào cũng có mái ngói, nên lát gạch sạch sẽ, “kín trên bền dưới”. Có thể kể ra quán Giang ở làng Phụ Khang. Làng Mông Phụ còn lại 3 quán. Quán Rô – nằm phía ngoài cổng làng cổ khoảng 300m. Quán Đồng Nẳng – ở phía sau làng cũng khoảng ấy. Quán Lồ Biêu nằm ở giữa cánh đồng, gần cội đa Gươm. Nhìn chung các quán này đều ở vào vị trí thuận tiện giao thông. Ccũng như đình, điếm, đền, miếu…, quán là công trình công cộng của mỗi làng, là một phần thiết yếu trong cơ cấu đời sống xã hội của cộng đồng cư dân cổ.

Lệ làng Mông Phụ là thế, bất kể là ai, dẫu cho có địa vị xã hội hay thường dân, khi người đó không may bị tử vong ngoài phạm vi làng (có thể gia đình người chết tạm trú ở Hà Nội nhưng vẫn có nhà riêng ở trong làng), gia đình hay thân nhân của người xấu số muốn mang về làng để chôn cất, không được mang thi hài vào làng (trong phạm vi dân làng đang sinh sống). Sự nghiêm ngặt này có từ bao giờ, không ai biết. Tại sao lại như thế, đơn giản chỉ là vì: Nếu mang người chết vào sẽ bị “động làng”. Động làng là như thế nào, rất nhiều chuyện! Động làng có thể là không dưng gia súc, gia cầm lăn ra chết. Cháy nhà, thủy tai hay người bị ốm dịch chết hàng loạt…

Để giải quyết vấn đề này, dân làng Mông Phụ làm ra những ngôi quán. Công dụng của quán là như thế. Người xấu số sẽ được đưa về đây. Dân làng tùy theo quan hệ, ra ngoài quán để thăm viếng, chia buồn trước khi hạ huyệt. Tùy theo vị trí đặt mồ mả mà có thể tiến hành công việc tang lễ một trong số ngôi quán thuận tiện nhất. Quán của làng Mông Phụ có lịch sử lâu đời, theo thời gian mỗi quán có vài ba câu chuyện được dân làng truyền lại…

Quán Giang:

Quán Giang hiện nay thuộc địa bàn hành chính của làng Phụ Khang (xã Đường Lâm). Song, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: Quán Giang khởi vi thủy thuộc làng Mông Phụ. Quán Giang là do dân làng Mông Phụ và thân nhân của cụ Thám Hoa Giang Văn Minh xây dựng. Quán Giang gắn liền với việc mai táng cụ Giang Văn Minh tại quê nhà.

Kể chuyện làng: Quán trong làng cổ Đường Lâm (Kỳ 1) - Ảnh 1.

Quán Giang (nơi quàn thi hái của Thám Hoa Giang Văn Minh sau khi được đưa từ Bắc Kinh – Trung Quốc về nước)

Cụ Giang Văn Minh sinh năm Nhâm Ngọ (1582) ở làng Mông Phụ. Tháng 2 năm Mậu Thìn (1628) đời Lê Vĩnh Tộ ở nước ta có khoa thi Hội, Giang Văn Minh đỗ đệ nhất giáp tiến sỹ, cập đệ tam danh (khoa thi năm ấy không có Trạng Nguyên và Bảng Nhãn). Năm Đinh Sửu (1637), Thám Hoa Giang Văn Minh được triều đình cử làm Chánh xứ, dẫn đầu một phái bộ sang Trung Quốc. Sử cũ chép rằng: Trong khi hội kiến với vua nhà Minh, sứ thần Giang Văn Minh đã trổ tài thao lược, đối đáp với “thiên triều” rất khẳng khái. Một lần vua Minh ra vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (cột đồng trụ đến nay rêu đã phủ xanh). Cụ Giang Văn Minh đã đanh thép đối lại rằng: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ xưa máu thù còn loang đỏ)!

Vua Minh căm tức vì vế đối quá “chỉn”, lại nhắc đến nỗi nhục bại trận năm xưa của nhà Nam Hán, mà Ngô Vương Quyền đã thể hiện một thiên tài quân sự trên sông Bạch Đằng. Nhà Minh đã hãm hại sứ thần Giang Văn Minh. Được tin cụ Thám tử nạn, dân làng Mông Phụ xây dựng ngôi quán này đón cụ về. Nghe nói đường từ Bắc Kinh về đến quê nhà kéo dài mấy tháng. Về quê, thi hài cụ Giang Văn Minh được quàn tại quán Giang. Vua Lê cho người từ kinh thành Thăng Long lên viếng bằng mấy lời bất hủ: “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (đi sứ không nhục mệnh vua – khanh xứng đáng – là anh hùng).

Người đời sau truy tặng cho cụ những lời như sau: Hữu thục bất hữu sinh, sinh như công dã  kỳ sinh dã. Hữu thục bất hữu tử, tử như công dã kỳ tử do sinh chi. (Lược dịch: Trên đời ai cũng phải sống, sống như ông, thật là đáng sống. Trên đời ai cũng phải chết, chết như ông, chết mà sống mãi). Hiện mộ cụ Thám đặt ở xứ đồng có tên Mả Sở. Địa điểm này trước mặt quán Giang, cách một khoảng vài trăm mét.

Trải năm tháng thời gian, quán Giang qua nhiều lần sửa chữa nên không cụ thể được niên đại xây dựng. Song có thể khẳng định quán Giang được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XVII. Mãi đến thời vua Minh Mạng dân làng Mông Phụ mới tách ra, làm thành làng Phụ Khang…

Quán Lồ Biêu:

Kể chuyện làng: Quán trong làng cổ Đường Lâm (Kỳ 1) - Ảnh 2.

Quán Lồ Biêu (Làng Mông Phụ, xã Đường Lâm)

Quán Lồ Biêu hiện là ngôi quán đẹp nhất trong số quán hiện tồn tại ở Mông Phụ. Mấy chục năm trước, phu nhân chính thất của cụ Phan Kế Toại từ trần. Thi hài bà được đưa về làng mai táng. Cụ Toại cũng quàn bà tại quán Lồ Biêu (nghe nói thời gian kéo dài 1-2 ngày) cho họ hàng và dân làng thăm viếng rồi mới hạ huyệt. Tuy cụ Toại và gia đình ở Hà Nội nhưng ở làng vẫn có một ngôi nhà rất khang trang. Tiếng là làm quan (trong triều Nguyễn), sau 1954, cụ Phan Kế Toại được Đảng và Nhà nước giao trọng trách Phó thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa… thân phụ cụ Toại là Tuần phủ Phan Kế Tiến (trong triều Nguyễn). Sinh thời, cụ Tuần phủ về làng vẫn để ô-tô ngoài cổng làng trước tấm bia “hạ mã” rồi đi bộ về nhà… Chức vụ và tiếng tăm như vậy các cụ vẫn một mực tôn trọng lệ làng. Bởi vậy dân gian mới có câu “phép vua thua lệ làng” là thế!

Quán Rô: 

Vị trí của quán Rô ngay phía ngoài cổng làng Mông Phụ. Quán Rô qua nhiều lần sửa chữa nên cũng không biết được xây dựng từ bao giờ, nhưng mục đích sử dụng thì không hề thay đổi, trừ một lần duy nhất, đó là trong thời kỳ HTX, quán dùng làm nơi để phân chuồng.

Quán Rô cũng như những quán khác được hình thành bên cạnh đời sống dân làng. Song những chuyện ở đây không ai muốn nhớ và muốn xảy ra với bất cứ gia đình nào… Vậy mà Quán Rô để lại trong ký ức dân làng một thời không thể quên. Ấy là năm 1972, 12 ngày đêm điên cuồng đánh phá Hà Nội bằng không quân của Đế quốc Mỹ. Khác với cuộc đánh phá miền Bắc lần I (1964 – 1968) lần này chiến tranh ác liệt hơn rất nhiều. Hầm hào trong mọi gia đình được triển khai ngay trong nhà. Nhà tôi lật chiếu ghế ngựa ở gian giữa ra, một cái hầm trú ẩn được đào ngay dưới đó.

Đêm đêm, nghe tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời, mẹ tôi bảo: tiếng máy bay lần này khác lắm các con ạ! Tôi lắng nghe, đúng là tiếng của ngàn vạn chiếc cối xay lúa đang nghiền nát bầu trời. Sau này tôi được biết đó là tiếng của B52. Thế là mấy mẹ con lục đục xuống hầm. Ngồi trong hầm tôi rất sợ. Tôi cứ tưởng tượng ra cảnh máy bay bị ta bắn cháy, phi công Mỹ sẽ nhảy dù. Nếu không may dù của chúng rơi xuống sân nhà tôi thì sao nhỉ? Nhà tôi bốn bên tường xây đá ong cao vút, lại kín cổng cao tường… tiếng dày đinh lộp cộp nện trên mặt gạch Bát Tràng… Anh tôi đi bộ đội, cả nhà mỗi tôi là đàn ông. Năm ấy tôi vừa tròn 15 tuổi… Chẳng còn cách nào khác, phải xông ra thôi. Thế là từ hôm ấy tôi lặng lẽ chuẩn bị một cái quắm (rựa) phát rào, để ở chỗ thuận tiện nhất.

Linh cảm của tôi là thật, đêm hôm ấy không còn nhớ rõ ngày nào nhưng là một trong “12 ngày đêm” diễn ra trận “Điện Biên Phủ trên không”. Đêm đó ta bắn rơi “pháo đài bay B52”, tên phi công Mỹ nhảy dù nhưng không rơi xuống sân nhà tôi mà rơi xuống cánh đồng ven làng. Không may cho hắn, nghe nói bị dây dù cuốn vào cổ nên đã chết.

Sáng ra, giặc lái được du kích địa phương khênh về, để nằm trong quán Rô và canh gác rất nghiêm ngặt, không cho ai đến gần. Mãi đầu giờ chiều hôm đó, “các anh ở trên” về, sau khi làm mọi thủ tục mới cho phép chôn. Lúc bấy giờ làng tôi đang vào dịp trồng khoai sọ. Tôi cũng đang giúp mẹ trồng khoai. Mẹ tôi hết sức ngăn cản nhưng làm sao ngăn được. Tôi muốn tận mắt nhìn thấy kẻ đã gieo đau khổ cho đất nước tôi, dân làng tôi. Từ nhỏ tới giờ tôi chỉ được nghe kể về quân Pháp và đọc trong sách nói về cuộc chiến tranh chống Mỹ với những kẻ mang bộ mặt gớm ghiếc… Hòa vào dòng người đang từ mọi phía trên cánh đồng ào ạt đổ về… tôi chen chúc vào tận nơi…

Trên măng-ca (cáng), một phi công trẻ mặt trắng như sáp nằm như ngủ, hoàn toàn không có một vết thương nào. Ấn tượng còn lại với tôi cho đến tận bây giờ là một hàng ria nâu rậm  trên một gương mặt khôi ngô rất điển trai, thân hình dong dỏng vẫn bộ đồ bay với đầy đủ các phù hiệu, phiên hiệu đơn vị… Kẻ thù của nhân dân tôi đây ư. Kẻ sát nhân lại mang gương mặt “trẻ thơ” thế này ư?

Dân làng tôi chôn cất hắn ngay thửa ruộng cạnh đấy. Tôi theo dõi cho đến những xẻng đất cuối cùng lấp xuống như lấp đi nỗi căm giận, buồn đau của chiến tranh. Thời gian trôi đi, không ai nhắc đến cái ngày ấy nữa, nhưng tôi chắc không ai quên bởi xứ đồng ấy, từ ngày ấy có tên “mả phi công”! Cho đến một ngày sau chiến tranh, trong chính sách cho phép mang hài cốt lính Mỹ về nước, người lính xấu số ấy trở về Mỹ trong một hình hài như vậy… Và cũng kỳ lạ, từ ngày ấy cái tên “mả phi công” cũng không thấy ai nhắc đến nữa!

Hà Nguyên Huyến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *