Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
24707

Đòi bồi thường oan sai cho người cha đã mất bị bắt oan trong vụ án giết người 41 năm trước

Ông Huỳnh Chiếm Hoạnh, 57 tuổi, yêu cầu VKS bồi thường 4,4 tỷ đồng cho cha mình – bị bắt oan trong vụ án giết người 41 năm trước, hiện đã mất.

Tuy nhiên, trong phiên xử mới đây, TAND tỉnh Khánh Hòa chỉ chấp nhận một phần đơn kiện, buộc VKSND cùng cấp bồi thường cho gia đình ông Hoạch 1,6 tỷ đồng. Không đồng ý với mức bồi thường này, hồi tuần trước, ông Hoạnh đã làm đơn kháng cáo.

Theo nội dung vụ án, 41 năm trước ông Huỳnh Chiếm Phái (50 tuổi, cha ông Hoạch) là đội trưởng đội sản xuất thuộc xã Ninh Giang, nay là phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa. Ngày 18/10/1981, sau khi họp ở nhà ông Phái, Chủ tịch UBND xã Ninh Giang trên đường về nhà thì bị bắn chết. Hai tháng sau, ông Phái và ông Trần Bê (lúc đó 24 tuổi, ngụ cùng xã) bị Công an tỉnh Phú Khánh, nay là tỉnh Khánh Hòa, bắt tạm giam với cáo buộc Giết người.

Năm 1983, ông Phái được tạm tha với lý do “tuổi già, sức khỏe bị sút kém nên không cần thiết phải giam giữ tiếp”. Sau nhiều năm không chứng minh được hai ông này phạm tội nên ngày 25/9/1984, VKS đình chỉ điều tra bị can.

Ông Hoành cho biết, ngày cha của ông bị bắt giam với cáo buộc ám sát chủ tịch xã, cả gia đình ông phải sống trong tủi nhục. Khi đó ông 17 tuổi, chuẩn bị thi đại học và người em gái phải bỏ học giữa chừng. Các anh chị của ông thì bị cho thôi việc, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn.

Lúc bị bắt, cha ông khỏe mạnh bình thường, nhưng ngày được tha về thì gia đình phải vào tận trại dìu vì ông không thể đi lại, sức khỏe giảm sút. “Cha tôi trở thành người tàn phế, chân tay bị liệt, mắt mờ, tai điếc, lại uất ức vì bị oan nên tinh thần không ổn định. Ông thường la hét, gào khóc và gặp ác mộng nên gia đình phải đưa ông đi điều trị tại bệnh viện tâm thần”, ông Hoạnh kể và cho biết, cha ông đã nhiều lần định tự tử nhưng may mắn được gia đình phát hiện. Sau nhiều năm được tha về, ông Phái vẫn không nhận được quyết định đình chỉ bị can.

Vì cuộc sống khó khăn, ông Hoạch phải ly hương lên Tây Nguyên làm ăn. Năm 2009, khi có điều kiện về kinh tế, ông trở về quê đi kêu oan cho cha. Cuối năm đó, gia đình ông mới nhận được bản photo quyết định đình chỉ điều tra từ VKSND tỉnh Khánh Hòa.

“Có quyết định này rồi nhưng các cơ quan chức năng vẫn không tổ chức xin lỗi công khai, bồi thường cho cha tôi và ông Trần Bê vì cho là ‘hết thời hiệu’. Tôi làm đơn gửi các cơ quan tố tụng trung ương và địa phương, nhưng họ cứ chuyển qua chuyển lại không giải quyết. Đến năm 2015 cha tôi tự tử chết vẫn chưa nhận được lời xin lỗi”, ông Hoạnh nói.

Ông Hoạnh (phải) và ông Trần Bê người cùng bị bắt oan với ông Phái 41 năm trước. Ảnh: Hồng Hà

Ông Hoạnh (phải) và ông Trần Bê người cùng bị bắt oan với ông Phái 41 năm trước. Ảnh: Hồng Hà

Năm 2019, VKSND tỉnh Khánh Hòa mới tổ chức xin lỗi công khai người thân của ông Phái và ông Trần Bê. Hơn một năm sau, ông Bê được bồi thường hơn 500 triệu đồng. Sau nhiều lần thương lượng, VKSND tỉnh Khánh Hòa chỉ đồng ý bồi thường cho gia đình ông Hoạch hơn 474 triệu đồng.

Không đồng ý, ông Hoạnh đại diện gia đình kiện VKS, yêu cầu bồi thường 4,4 tỷ đồng gồm: thiệt hại về tinh thần, thu nhập thực tế bị mất, thiệt hại về sức khỏe và chi phí chăm sóc cho người cha.

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa vẫn giữ nguyên quan điểm chỉ bồi thường cho gia đình ông Hoạnh 474 triệu đồng thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, tổn thất tinh thần (từ ngày bị bắt đến khi được đình chỉ bị can năm 1984) và các chi phí khác. Bị đơn không đồng ý bồi thường tổn thất về tinh thần tính đến ngày nhận được bản photo quyết định đình chỉ bị can cũng như thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm và chi phí chăm sóc vì cho rằng “chưa đủ căn cứ”.

Căn cứ vào hồ sơ, HĐXX xác định khoản thu nhập thực tế bị mất được tính từ ngày ông Phái bị bắt giam oan (12/1981) đến ngày có quyết định đình chỉ điều tra (tháng 9/1984) là hơn 133 triệu đồng; tổn thất về tinh thần được tính đến ngày nhận được phản photo quyết định đình chỉ bị can là gần 1,3 tỷ đồng và hơn 118 triệu đồng chi phí khác theo thỏa thuận của các bên. Về việc gia đình ông Hoạnh yêu cầu bồi thường số tiền hơn 1,5 tỷ đồng tổn thất về sức khỏe, chi phí chăm sóc cho ông Phái từ khi được tha tù đến khi chết, tòa cho rằng, “không có tài liệu chứng cứ nào chứng minh ông Phái bị xâm phạm về sức khỏe dẫn đến mất khả năng lao động”.

“Việc ông Phái tự tử phải điều trị tại bệnh viện dẫn đến tử vong không có mối quan hệ tới việc ông bị bắt giam oan nên không có căn cứ chấp nhận”, bản án nêu.

Về phần mình, đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa cũng kháng cáo, không đồng ý tòa buộc bồi thường gần 1,3 tỷ đồng tổn thất tinh thần cho gia đình ông Phái đến thời điểm nhận được bản photo quyết định đình chỉ bị can.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *