Trong chương trình Kỳ họp thứ 8 tới (bắt đầu từ 21/10), Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến lần đầu về Dự thảo Luật Nhà giáo. Góp ý hoàn thiện dự án luật này, các đại biểu cho rằng, cần có các chính sách mang tính đột phá, chính sách đặc thù được thể hiện trong dự án luật để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, bảo đảm chất lượng giáo dục, góp phần phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024, 7.215 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó, số giáo viên bỏ nghề ở bậc mầm non lên tới 1.600 người, tỉ lệ giáo viên bỏ việc ở tuổi dưới 35 còn nhiều. Giáo viên nghỉ việc chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế – xã hội phát triển, nơi giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn.
Vì vậy, nhiều ý kiến đều đồng tình rằng, dự thảo Luật Nhà giáo cần xây dựng các quy định về chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo nhằm thu hút, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của Bộ Chính trị về thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng tại Kết luận số 91-KL/TW.
Theo Điều 40 Dự thảo Luật Nhà giáo, quy định chính sách tiền lương đối với giáo viên như sau:
+ Chính sách tiền lương của nhà giáo bao gồm tiền lương và phụ cấp và các chế độ khác (nếu có); tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
+ Tiền lương và các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục và các cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.
+ Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù đó nếu đáp ứng được các quy định của chính sách. Nhà giáo công tác ở ngành lĩnh vực mà ngành, lĩnh vực đó có chính sách trùng với chính sách dành cho nhà giáo nhưng ở mức cao hơn thì được hưởng 01 (một) chính sách có mức cao nhất.
Về chính sách thu hút nhà giáo, Điều 42 Dự thảo Luật Nhà giáo ghi rõ:
+ Nhà nước có chính sách thu hút đối với người có tài năng để trở thành nhà giáo.
+ Nhà nước có chính sách thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ.
+ Chính sách thu hút nhà giáo gồm: chính sách ưu tiên tuyển dụng, nhà công vụ, vay mua nhà ở, chế độ phụ cấp và trợ cấp thu hút, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.
+ Ngoài các quy định chung về chính sách thu hút nhà giáo, nhà nước khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để thu hút nhà giáo.