UBND TP Hà Nội vừa đồng ý đề xuất di chuyển phần còn lại của bức tranh tường do “vua tranh cổ động” Trường Sinh sáng tác năm 1982 tại ngã tư Chợ Mơ về một địa điểm mới để bảo tồn.
Bức tranh tường của họa sĩ Trường Sinh khi chưa bị phá hủy một phần – Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Đây là một kết thúc đẹp không ngờ dành cho bức tranh cổ động cuối cùng sau thống nhất đất nước còn sót lại ở Hà Nội.
Trước đó, vào tháng 3, hình ảnh bức tranh tường bị đập dang dở một phần để giải phóng mặt bằng cho dự án đường vành đai 2 được lan truyền trên mạng xã hội khiến mọi người đều tin rằng số phận của bức tranh tường đã chấm dứt.
Một phần quý giá của di sản đô thị
Cuối năm 2019, một số báo đưa tin về việc hai bức tranh cổ động có giá trị như di sản đô thị ở Hà Nội của cố họa sĩ Trường Sinh đặt tại ngã tư Chợ Mơ (ngã tư phố Bạch Mai – Nguyễn Thị Minh Khai – Trương Định – Đại La) sắp bị phá hủy để giải phóng mặt bằng cho dự án đường vành đai 2.
Ông Trường Sơn – con trai của họa sĩ Trường Sinh – cho biết hai bức tranh cổ động ngoài trời cỡ lớn này bao gồm một bức tranh gắn gốm mô tả một cô gái trẻ cầm hoa vẫy chào đón khách ở cửa ô Hà Nội, hoàn thành năm 1981; và bức tranh đắp vữa 5 nhân vật được tạo hình khỏe khoắn, trẻ trung nhằm cổ vũ tinh thần đoàn kết của thanh niên trong tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp của xã hội, hoàn thành năm 1982.
Ngôn ngữ hội họa trong bức tranh đắp vữa có thể coi là điển hình của dòng tranh cổ động lúc bấy giờ. Theo KTS Khuất Tấn Hưng (Đại học Kiến trúc Hà Nội) và nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Trương Quý, hai bức tranh tường này là một phần quý giá của di sản đô thị Hà Nội, là tác phẩm nghệ thuật gắn liền với thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Cũng theo ông Trường Sơn, Sở VH-TT Hà Nội cho rằng hai bức tranh tường này không nằm trong danh mục kiểm kê di tích của TP Hà Nội, và sở đồng ý cho gia đình tác giả đưa tranh về đất nhà mình để bảo tồn theo đề nghị của gia đình.
Vào tháng 2, các con trai của cố họa sĩ Trường Sinh đã tháo gỡ bức tranh gắn gốm mang về dựng tại mảnh đất của gia đình ở ngoại thành Hà Nội. Dù vậy, gia đình cũng sẵn sàng gửi lại cho UBND TP Hà Nội để dựng ở một điểm công cộng phù hợp.
Nhưng với bức tranh đắp vữa, họ không thể gỡ tranh mang đi, chỉ có cách cắt cả bức tường. Gia đình không đủ tiềm lực để làm việc này cũng như gặp khó khăn về địa điểm dựng lại bức tranh tường nên đành chấp nhận buông bỏ.
Câu chuyện đẹp bất ngờ
Khi bức tranh đã bị phá hủy một phần, một ngày tháng 3, bất ngờ ông Trường Sơn nhận được những dòng tin nhắn đề nghị hợp tác di chuyển để bảo tồn bức tranh từ ông Martin Rama – giám đốc Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Martin Rama cho biết ông đã theo dõi tin tức về số phận của hai bức tranh tường từ khi nó được xới lên năm 2019.
Là một người yêu Hà Nội và đánh giá cao nét độc đáo của thành phố được tạo nên từ những di sản qua nhiều thời kỳ, khi nhìn thấy hình ảnh bức tranh tường đang bị phá hủy, ông Martin thực sự đau lòng.
Ngay lập tức ông huy động bạn bè Việt Nam là các kiến trúc sư và gia đình tác giả Trường Sinh để cùng hợp tác bảo tồn bức tranh. Ông tài trợ tất cả kinh phí cho việc di chuyển tác phẩm.
Nhưng thách thức lớn nhất là tìm nơi đặt tranh. Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn (Đại học Mỹ thuật Hà Nội) đã nhanh chóng đưa ra một giải pháp khả thi: dời bức tranh tường tới vỉa hè trên đường Trần Quang Khải, đoạn gần cầu Long Biên.
Theo nghệ sĩ Thế Sơn, sự lựa chọn này sẽ góp phần tạo nên một trục kết nối cụm không gian nghệ thuật đô thị quan trọng của Hà Nội, gồm Dự án nghệ thuật công cộng phố Phùng Hưng – tác phẩm của họa sĩ Trường Sinh và con đường gốm sứ – Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân.
Đề xuất này cần có sự phê duyệt của chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ông Martin Rama đã viết một lá thư gửi tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và nhận được sự chấp thuận vào cuối tháng 4.
Bức tranh tường hiện đang được bao bọc lại chờ dời đi. Một kế hoạch để khôi phục phần tranh bị phá cũng đã được chuẩn bị.
Con trai của tác giả được mời khôi phục phần đã mất trong tác phẩm của cha mình. Theo gợi ý của nghệ sĩ Thế Sơn, phần khôi phục sẽ có màu đen trắng như một sự phân biệt với tác phẩm gốc và cũng là để kể câu chuyện về số phận thú vị của tác phẩm này.
Thiên Điếu