Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
24344

Bảo đảm quyền con người trong cách mạng 4.0

 Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bảo đảm quyền dân tộc tự quyết chính là nền tảng để phát triển đất nước giàu mạnh, bảo đảm quyền con người.

Từ ý Đảng, lòng dân…

Trong bài “Một thắng lợi mới” đăng trên báo Nhân dân số 3149, ngày 8/11/1962, Hồ Chủ tịch đã nêu rõ mối quan hệ mật thiết giữa quyền dân tộc tự quyết với quyền các dân tộc – tộc người là một nội dung cơ bản của quyền con người. Để đáp ứng đúng, đầy đủ nhu cầu, lòng mong mỏi của người dân, “chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta là: Các dân tộc đều bình đẳng và phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em…”. Hiện nay toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một mặt, thúc đẩy mạnh mẽ các luồng kết nối, giao lưu giữa các  dân tộc; từ đó mở ra nhiều cơ hội mới cho sự học hỏi, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc; đồng thời chia sẻ nhiều hiểu biết và giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa, theo hướng hình thành, phát triển bản sắc dân tộc một cách đa tầng, mềm dẻo. Mặt khác, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đe dọa “đồng dạng hóa”, thậm chí “san phẳng” các dân tộc khiến bản sắc các dân tộc – quốc gia, kể cả dân tộc tộc – tộc người, trở nên mở nhạt, mong manh, chỉ còn mang tính tương đối trong khi quyền con người được đề cao như một giá trị cốt lõi của thời đại. Nhưng các dân tộc cũng đang “gồng lên” để khẳng định và bảo tồn bản sắc dân tộc mình. Ở cả hai chiều cạnh ấy, quyền dân tộc tự quyết đều cơ bản phải tùy thuộc vào quyền lực của người dân được thể chế hóa cụ thể thành quyền của các dân tộc – tộc người, quyền công dân hay quyền con người  nói chung. Quyền dân tộc tự quyết là tôn trọng nguyên tắc bình đẳng quyền, công bằng về cơ hội và không có sự can thiệp đối với quyền của mỗi dân tộc trong việc tự do lựa chọn chế độ chính trị và thực hiện phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa trên cơ sở chủ quyền quốc gia.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức

Trong tình hình hiện nay, càng nổi lên ý nghĩa thời sự của quan điểm Hồ Chí Minh về gắn quyền dân tộc tự quyết với quyền con người nói chung. Trong Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới, ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đã phát triển tư tưởng quyền “tự nhiên” của mỗi cá nhân thành quyền đương nhiên của mọi dân tộc. Qua đó, Hồ Chí Minh đã mở rộng quyền con người gồm cả quyền dân tộc tự quyết.

Một điểm cần nhấn mạnh là trong các nguyên tắc về quyền dân tộc tự quyết do tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson (1856-1924) và V. I. Lênin  (1870 – 1924) ở nước Nga xô viết nêu vào các năm 1918 và 1920, chưa trực tiếp xác định rõ sự gắn kết này. Quan điểm Hồ Chí Minh phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc gần trong cùng thời điểm (có hiệu lực từ 24/10/1945); theo đó, sự phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc phải trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc. Do quyền dân tộc tự quyết chỉ thuộc về nhân dân, gồm tất cả dân cư thường xuyên sinh sống trên lãnh thổ của dân tộc, nên nó có mối quan hệ mật thiết và bị quy định bởi quyền con người của nhân dân. Đến năm 1966, quan điểm gắn quyền dân tộc tự quyết với quyền con người mới được xác định rõ hơn trong  hai Công ước quốc tế về các quyền dân sự , chính trị (ICCPR) và về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (ICESCR). Điều 1 và 2 của hai Công ước này cùng xác định: Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết và yêu cầu các quốc gia thành viên phải tôn trọng, bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của mình các quyền đã được công nhận trong hai Công ước.

Ở Việt Nam, thể theo lòng mong mỏi của toàn dân, trước đây trong trong hoàn cảnh một dân tộc nửa thuộc địa – nửa phong kiến và hiện nay là khát vọng của một dân tộc mới thoát khỏi tình trạng kém phát triển đang vươn lên theo cách “đi tắt đón đầu” để trở thành một dân tộc phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ Chủ tịch đã làm rõ những nội dung cụ thể của quyền dân tộc tự quyết gồm: Bình đẳng dân tộc là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc; độc lập dân tộc là cơ sở để thực hiện quyền dân tộc tự quyết; thực hiện bình đẳng dân tộc là yếu tố quyết định để củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và năng lực tự quyết của dân tộc- quốc gia; xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội mới xác lập được sự bình đẳng thực chất về quyền các dân tộc tự quyết.

Trong bài “Một thắng lợi mới” đăng trên báo Nhân dân số 3149, ngày 8/11/1962, Hồ Chủ tịch đã nêu rõ mối quan hệ mật thiết giữa quyền dân tộc tự quyết với quyền các dân tộc – tộc người là một nội dung cơ bản của quyền con người. Về chính trị: Xóa bỏ những quy định mang tính bất bình đẳng giữa các dân tộc; tẩy trừ thành kiến giữa các dân tộc; các dân tộc được tự do bày tỏ nguyện vọng và mong muốn của mình; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và cất nhắc cán bộ người dân tộc thiểu số; trong thành phần Quốc hội và Chính phủ phải có đại biểu của các dân tộc thiểu số; Chính phủ phải “làm cho các dân tộc anh em dần dần tự quản lý lấy mọi công việc của mình, mau chóng phát triển kinh tế và văn hóa của mình, để thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt. Về kinh tế: Mở mang nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, phát triển nghề rừng, trồng cây lương thực và cây công nghiệp, đề phòng sâu bệnh, làm và sửa chữa thêm nhiều đường xá, kết hợp chặt chẽ giao thông với thủy lợi, đẩy mạnh việc cải tiến công cụ, chống xói mòn đất,.… Về văn hóa – xã hội: Chú ý trình độ học thức cho dân tộc; chú trọng bổ túc văn hóa; khuyến khích anh chị em giáo viên miền xuôi xung phong lên miền núi làm công tác giáo dục; phát triển loại trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm; xóa bỏ mê tín hủ tục; phải đẩy mạnh việc vệ sinh phòng bệnh để giữ gìn sức khỏe của đồng bào,…

 Đến bảo đảm quyền dân tộc tự quyết hiện nay

Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 của Đảng tiếp tục khẳng định: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc phát triển đi lên con đường văn minh tiến bộ, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tôn trọng lợi ích, truyền thống, văn hoá, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc, chống tư tưởng dân tộc lớn và dân tộc hẹp hòi, kỳ thị và chia rẽ dân tộc”. Cương lĩnh năm 1991 lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ quyền con người; và tiếp đó, Điều 50 Hiến pháp năm 1992, đặc biệt Hiến pháp năm 2013, đã chế định các quyền hiến định về quyền con người, quyền công dân ở nước ta.

Đảng, Nhà nước kiên trì thực hiện việc gắn kết quyền dân tộc tự quyết với quyền dân tộc, quyền công dân và quyền con người nói chung, trên cơ sở: Đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước luôn xuất phát từ nhu cầu, lòng mong mỏi và nhắm đến đời sống của những con người hiện thực (cá nhân, tập thể, dân mất nước, dân là chủ – làm chủ); Coi trọng quyền của tất cả các cá nhân, nhóm xã hội và các cộng đồng khác nhau; Quyền dân tộc gắn và dựa trên quyền con người gồm quyền cá nhân và quyền tập thể (hay cộng đồng); Xây dựng Nhà nước theo nguyên tắc “trăm điều phải có thần linh pháp quyền” và “sửa sang thế đạo kinh dinh nhân quyền”; Không quên, không bỏ lại ai ở phía sau, mà bảo đảm quyền của mọi chủ thể quyền (nhi đồng, thiếu niên, thanh niên, phụ nữ, các bậc phụ lão, công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức, doanh nhân, phạm nhân, …), đặc biệt trong điều kiện phân hóa giàu nghèo, phân hóa xã hội theo cơ chế thị trường hiện nay, là trách nhiệm của cả Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể và dân lập tự quản; Bảo đảm quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Việt Nam đồng thời tôn trọng quyền dân tộc tự quyết của các dân tộc khác.

Mới đây, trong phát biểu khai mạc Hội nghị TW 10 khóa XII, ngày 17/5/2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: “Chúng ta cứ thu hút đầu tư nước ngoài vào thật nhiều, ký kết thật nhiều thì rất hoan nghênh, nhưng đầu tư vào đây thì ta sẽ quản lý thế nào? Có phụ thuộc vào người ta không? Có giữ được độc lập tự chủ không? Trong khi đó, yêu cầu là hội nhập kinh tế nhưng phải độc lập tự chủ.” Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, hội nhập quốc tế phù hợp với nhu cầu, lòng mong mỏi của người dân và ý nguyện của Đảng và thực chất là một cách thức chủ động, tích cực cạnh tranh để sinh tồn, phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhưng vấn đề đặt ra là phải giữ được độc lập tự chủ.

Không ai có thể phủ nhận thực tế là quyền con người – một giá trị phổ quát có tính toàn cầu là nội hàm bao trùm của quyền dân tộc tự quyết, song đồng thời cũng phải thấy rằng, quyền con người là một giá trị lịch sử gắn với điều kiện kinh tế, văn hóa cụ thể của mỗi dân tộc – tộc người, mỗi quốc gia, mỗi khu vực trên thế giới. Quan niệm của không ít Chính phủ phương Tây thiên về quyền cá nhân và quan niệm của phương Đông thiên về quyền cộng đồng là những quan niệm có tính lịch sử, văn hóa khác nhau, vì vậy không thể áp đặt cho nhau. Câu trả lời là phải có nhận thức và bảo đảm quyền con người gồm cả quyền cá nhân, quyền cộng đồng và quyền dân tộc tự quyết vốn là quyền cộng đồng có tính bền vững, thiêng liêng nhất đối với mỗi cá nhân không chỉ ở Việt Nam. Chỉ như vậy mới bảo đảm độc lập tự chủ với tính cách là giá trị cốt lõi, không thể thiếu, không thể thay đổi  trong bản chất của quyền dân tộc tự quyết cho dù bản sắc dân tộc có biến đổi, phát triển một cách đa tầng, mềm dẻo ra sao trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế như hiện nay.

Hiện nay để bảo đảm, cụ thể là tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy có hiệu lực, hiệu quả quyền dân tộc tự quyết trước tác động của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần nắm vững, thực hiện những phương hướng sau:

    Một là, bảo đảm quyền dân tộc tự quyết phù hợp với Khoản 1, Điều 1 của hai công ước quốc tế cơ bản về quyền con người năm 1966.

Hai là, phải kịp thời nhận rõ đồng thời giải quyết thiết thực, hiệu quả trong thực tế những vấn đề mới đang đặt ra trước quyền dân tộc tự quyết, xuất phát từ thành tựu đã đạt được cũng như phát sinh từ sai lầm , thiếu sót trong thực tiễn.

Ba là, bảo đảm quyền dân tộc tự quyết tương thích với trình độ phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam là đang đẩy mạnh CNH, HĐH, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và phù hợp với thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN.

Bốn là, bảo vệ, bảo đảm quyền dân tộc tự quyết ở Việt Nam hiện nay phải song hành với chủ động, tích cực đối thoại, đấu tranh phòng – chống những quan điểm, hành động của tổ chức, hành vi của cá nhân trong việc xuyên tạc, kích động chống phá chế độ chính trị – xã hội; đồng thời tăng cường tuyên truyền, cả trong nước và quốc tế về lập trường, quan điểm đúng đắn của Việt Nam trong bảo vệ, bảo đảm quyền dân tộc tự quyết phù hợp với pháp luật quốc gia và quốc tế.

     PGS.TS Nguyễn Thanh Tuấn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *