Việc ban hành Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hoà bình và an ninh là định hướng chính sách quan trọng, khẳng định quyết tâm và cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa vai trò, tiếng nói của phụ nữ, đặc biệt trong lĩnh vực hoà bình và an ninh. Nhằm cụ thể hoá và xây dựng các dòng hành động và lộ trình triển khai Chương trình hành động trong thời gian tới, Hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy thảo luận, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chiến lược và phương pháp xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, phù hợp với yêu cầu và điều kiện của từng cơ quan, địa phương.
Ngày 8/8, tại Đà Nẵng, Bộ Ngoại giao đã tổ chức buổi công bố chính thức Quyết định số 101/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động quốc gia đầu tiên về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Từ trước đến nay, Việt Nam luôn đề cao việc bảo vệ và phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hoà bình, an ninh của đất nước. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam luôn thể hiện tiếng nói tích cực thúc đẩy Chương trình nghị sự Phụ nữ, hoà bình và an ninh, trong đó có việc chủ trì thông qua Nghị quyết 1889 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và thúc đẩy thông qua Cam kết Hà Nội năm 2020 với 75 nước đồng bảo trợ. Vì vậy, để phát huy hơn nữa kết quả đạt được, Việt Nam đã xây dựng một Kế hoạch triển khai với những hành động cụ thể, với các biện pháp theo dõi và đánh giá hiệu quả, nguồn lực bền vững, cùng sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn xã hội với tầm nhìn đến năm 2030 để hiện thực hoá các mục tiêu đề ra trong Chương trình hành động.
Đánh giá cao Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về phụ nữ, hòa bìn và an ninh, bà Sima Bahous, Giám đốc Điều hành UN Women gọi đây là một bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh. UN Women sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam mở rộng quan hệ đối tác, tận dụng nguồn lực quốc tế và đảm bảo rằng không có phụ nữ hay trẻ em gái nào bị bỏ lại phía sau.
Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về phụ nữ, hòa bình và an ninh là văn bản chính sách với mục tiêu nhằm bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực hoà bình, an ninh trong giai đoạn 2024 – 2030. Chương trình hành động gồm 4 mục tiêu là tăng cường sự tham gia của phụ nữ, ứng phó tốt hơn với bạo lực trên cơ sở giới, tăng cường lồng ghép quan điểm về giới trong các công tác cứu trợ và phục hồi, tăng cường hợp tác quốc tế.
Được biết, chương trình này được xây dựng dựa trên bốn trụ cột của Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh, cụ thể gồm: Sự tham gia, bảo vệ, phòng ngừa và cứu trợ phục hồi. Chương trình cũng đề cập tới hợp tác quốc tế, nhấn mạnh sự cam kết của Việt Nam trong việc hợp tác với cộng đồng toàn cầu để thúc đẩy chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Đáng chú ý là chương trình còn nêu rõ các mục tiêu về sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ trong chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, lồng ghép vấn đề giới vào các phương thức ứng phó với xung đột, khủng hoảng, thảm họa và các thách thức an ninh mới nổi như biến đổi khí hậu và an ninh mạng.
“Một Chương trình triển khai rõ ràng và có thể đo lường được sẽ tạo cơ sở vững chắc cho việc tài trợ và kêu gọi tăng đầu tư vào chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Điều này sẽ giúp duy trì động lực và tiếp tục thu hút sự ủng hộ từ các Bộ và cơ quan chủ chốt có liên quan tại Việt Nam”, bà Ryce Chanchai, Quản lý khu vực Chương trình về Quản trị và Phụ nữ, Hòa bình, An ninh tại ASEAN của UN Women nhận xét.
Theo UN Women, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể về bình đẳng giới, thể hiện ý chí chính trị và động lực mạnh mẽ để thúc đẩy bình đẳng giới, bao gồm: xếp hạng toàn cầu về bình đẳng giới của Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 83 lên vị trí thứ 72 trong số 146 quốc gia, kể từ khi thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững; ban hành Luật Bình đẳng giới (năm 2006) và Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới (2021-2030), và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2022)
Ở cấp độ quốc tế, Việt Nam luôn là tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ cho Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Việt Nam đã dẫn đầu việc đề xuất Nghị quyết số 1889 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2009, tập trung vào vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình sau xung đột. Trong nhiệm kỳ là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021), Việt Nam đã tổ chức một hội nghị quốc tế với chủ đề “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết đến kết quả”, thông qua Cam kết hành động Hà Nội với sự đồng tài trợ của 75 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Gần đây nhất, Việt Nam đã một lần nữa nhấn mạnh cam kết thúc đẩy bình đẳng giới của mình với việc trúng cử vào Hội đồng chấp hành của UN Women nhiệm kỳ 2025-2027.
H.Chi