Ngày 7/11/2013, Việt Nam đã ký tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn). Ngày 28/11/2014, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước về chống tra tấn.
Thực tế, trước khi tham gia Công ước chống tra tấn, để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối cơ bản và đầy đủ cơ chế bảo đảm quyền không bị tra tấn, đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc bị hạ nhục.
Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, trong hoàn cảnh ‘thù trong, giặc ngoài’ đe dọa và chưa có Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký một số sắc lệnh mà nội dung bao hàm những bảo đảm về quyền con người trong hoạt động tố tụng, trong đó có tác dụng phòng, chống tra tấn.
Hiến pháp năm 1946 lần đầu tiên xác định một nguyên tắc về chống hành động tùy tiện trong hoạt động tố tụng ở Việt Nam. Theo đó, tư pháp không quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không được ai xâm phạm một cách trái pháp luật (Điều 11). Mặc dù quy định này không đề cập cụ thể đến vấn đề tra tấn nhưng có ý nghĩa rất quan trọng để bảo vệ người dân trước những vi phạm nhân quyền trong hoạt động tư pháp, bao gồm các hành vi tra tấn, đối xử vô nhân đạo và hạ nhục.
Quyền bất khả xâm phạm về thân thể cũng được nêu trong Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”
Điều 10 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình.
Khoản 3 Điều 4 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và khoản 1 và khoản 7 Điều 8 có liệt kê những hành vi bị nghiêm cấm.
Khoản 2 Điều 14 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 nghiêm cấm xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Điều 8 Bộ luật lao động năm 2019 nghiêm cấm ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động: