Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
22412

Về thành phố biển Sầm Sơn, khám phá lễ hội Cầu ngư – Bơi trải

Như hầu hết những địa phương vùng biển, lễ hội Cầu ngư có từ xa xưa đã trở thành nét đẹp tín ngưỡng văn hóa tâm linh của cư dân nơi đây. Vậy nhưng, không diễn ra vào những ngày đầu xuân năm mới như lễ hội của người dân xã biển Quảng Nham (Quảng Xương), cũng không vào tháng 2 giống như di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Cầu ngư vùng đất cổ Diêm Phố, lễ hội Cầu ngư – Bơi trải của cư dân biển Sầm Sơn diễn ra vào những ngày chính hạ. Giữa tháng 5 âm lịch, cả khu vực cảng cá Lạch Hới sôi động khác thường. Là tiếng nhạc tế lễ, tiếng người rước kiệu, rồi tiếng hò reo đua thuyền trên sóng nước… tất cả tạo nên một không gian lễ hội nơi cửa biển thật đặc biệt.

Từ tín ngưỡng đến những nghi thức lễ linh thiêng

Nếu để truy tìm nguồn gốc bắt đầu của lễ hội Cầu ngư – Bơi trải của cư dân Sầm Sơn có tự bao giờ sẽ là điều thật sự khó. Về Sầm Sơn trong những ngày nắng hạ như đổ lửa, tìm gặp cả những bậc cao niên uy tín trong làng để hỏi về lễ hội, cũng chỉ biết: đã có từ rất xa xưa, đời nối đời người dân sinh sống bên bờ biển cứ theo lệ tiền nhân mà tổ chức lễ hội với sự thành kính, tôn nghiêm và bằng cả tấm lòng ngưỡng vọng. Nó giống như, đồng bào các dân tộc thiểu số có lễ cơm mới (tết cơm mới), lễ cầu mùa… thì cư dân biển cũng vậy, họ có lễ hội Cầu ngư. Để cầu cho mưa thuận gió hòa, thuyền bè vươn khơi bám biển, ra khơi vào lộng được bình an, trở về với ăm ắp lộc biển… Và lễ hội Cầu ngư – Bơi trải của cư dân thành phố biển Sầm Sơn cũng vậy. Khi cuộc sống mưu sinh trên sóng nước trùng khơi vốn chưa bao giờ là sự dễ dàng thì con người luôn tin rằng, sự thành kính của mình sẽ được mẹ biển khơi, các vị thần biển, thần linh chứng giám và phù trợ. Nương theo niềm tin mãnh liệt ấy, ngoài sự cố gắng nỗ lực, cư dân biển luôn biết ơn cả sự giúp đỡ của đấng tối linh.

Lễ hội Cầu ngư của người dân biển Sầm Sơn còn là sự tái hiện sinh động phong tục thờ cúng cá Ông (cá Voi) – tín ngưỡng văn hóa dân gian tồn tại ở một dải duyên hải miền Trung và miền Nam nước ta. Theo đó, cá Ông được xem như một trong những vị thần ở biển Đông. Bởi vậy, ngoài luật bất thành văn không bao giờ đánh bắt cá Voi trên biển. Việc nếu có phát hiện cá Voi mắc cạn, trôi dạt vào bờ biển, nếu không thể cứu chữa thì ngư dân cũng mặc định mình có bổn phận chôn cất cẩn thận, thậm chí có nơi, người dân biển còn để tang cá Ông giống như chính cha mẹ của mình. Cũng không ai biết tục thờ cá Ông có từ khi nào, tuy nhiên đến thời nhà Nguyễn thì đã trở thành lệ. Và ngoài cá Ông, người dân biển Sầm Sơn còn phối thờ Tứ vị Thánh nương, thần Độc Cước…

Vậy nhưng người dân biển Sầm Sơn đâu chỉ biết ơn những vị thần tối linh, trong tâm thức của mình, cư dân hiểu rằng, cuộc sống bình an hôm nay được đánh đổi bằng biết bao máu xương của những lớp cha ông thuở trước. Dẫu đã hơn 700 năm trôi qua, họ vẫn tự hào nơi vùng đất này từng có một vị tướng dũng mãnh không chịu khuất phục sức mạnh giặc Nguyên – Mông, làm nên bản hùng ca bất tử. Vào thế kỷ XIII, dưới thời Trần, khi vó ngựa Mông Cổ đi qua khắp lãnh thổ từ Á sang Âu tưởng chừng như không gì có thể ngăn cản. Vậy mà vua tôi nhà Trần đã lãnh đạo nhân dân ta ba lần đánh tan quân Nguyên – Mông. Trong đó, ở ngay Cửa Hới, Kim Cương tướng quân – một người con sinh ra nơi vùng biển Sầm Sơn vốn giỏi nghề sông nước đã được triều đình nhà Trần, trực tiếp là Chiêu Minh Vương Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải tin tưởng giao nhiệm vụ tổ chức, chỉ huy nhiều trận huyết chiến với quân xâm lược do hai tên tướng Ô Mã Nhi và Toa Đô cầm đầu. Dưới sự chỉ huy tài trí và dũng mãnh của người con nơi Cửa Hới không chỉ khiến giặc tổn thất nặng nề mà còn góp phần quan trọng bảo vệ vua quan nhà Trần trong thời gian tạm rút vào Thanh Hóa. Từ đây, tạo thế và lực cho kế hoạch tổng phản công quét sạch vó ngựa Mông Cổ ra khỏi bờ cõi nước Việt. Bởi vậy, tham dự lễ hội Cầu ngư – Bơi trải diễn ra ngay tại Cảng Hới, bên sông nước, trong tiếng tế lễ âm vang, ta còn nghe đâu đó thanh âm hào hùng, bất khuất của cha ông thuở trước được truyền đời, tiếp nối tạo thành niềm tự hào đến cả hôm nay: “Hỡi biển trời Sầm Sơn bao la bát ngát. Hỡi dãy Trường Lệ, hỡi dòng sông Mã linh thiêng! Hãy thức dậy trong âm vang tiếng trống, tiếng chiêng từ thuở Vua Hùng dựng nước, trong dũng khí của Chân nhân Độc Cước đuổi loài quỷ đỏ bảo vệ dân lành, trong tiếng thoi đưa dệt súc từ thuở Bà Triều. Trong tiếng mìn đánh chìm tàu A-mi-ô đánh đuổi thực dân Pháp của người nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi, tiếng súng của dân quân Quảng Tiến anh hùng bắn cháy tàu máy bay Mỹ. Trong tiếng hò kéo lưới và dập dìu mỗi buổi hoàng hôn, những cánh buồm nâu đưa thuyền về chở nặng cá tôm”.

Dù diễn ra thường niên song lễ hội Cầu ngư – Bơi trải luôn là sự kiện văn hóa tâm linh quan trọng với đầy đủ các nghi thức linh thiêng được thực hiện cẩn trọng. Trước ngày diễn ra chính hội, những bậc cao niên và người có uy tín trong chính quyền địa phương sẽ tiến hành làm lễ tẩy tịnh, lễ thỉnh và cầu an. Vào chính hội, du khách không khỏi ấn tượng với nghi thức rước kiệu từ sáng sớm. Theo đó, các bà, các mẹ, các chị trong trang phục truyền thống rước kiệu với mâm lễ sơn trang được bài trí cầu kì do các làng, bản hội chuẩn bị từ trước sẽ theo chân nhau rước về khu vực trung tâm lễ hội (cảng cá Lạch Hới). Đặc biệt, rước kiệu không chỉ là nghi lễ tâm linh mà còn được BTC lễ hội chấm giải dựa trên nhiều tiêu chí: đội hình, trang trí, lễ vật… Có lẽ bởi vậy mà nghi thức rước kiệu thành kính, trang nghiêm trong các lễ hội lớn ở Sầm Sơn nói chung, lễ hội Cầu ngư – Bơi trải nói riêng luôn đặc biệt thu hút sự dõi theo của đông đảo người dân cùng du khách. Và phần hội sẽ chính thức bắt đầu khi nghi thức tế lễ khép lại.

Đến hoạt động hội sôi động

Lễ hội Cầu ngư – Bơi trải còn hấp dẫn với những trò chơi, trò diễn và hội thi. Trong đó, đặc sắc và hấp dẫn nhất là thi đan lưới và thi bơi trải. Dù cho cuộc sống sản xuất hiện đại, người dân vạn chài không còn phải tự đan lưới để phục vụ cho mỗi chuyến vươn khơi. Nhưng không vì thế mà họ quên đi cội nguồn, quên đi công ơn của người đã dạy cho dân chài biết cách tạo ra phương cách mưu sinh. Và đó chính là Bà Triều – tổ của nghề dệt săm súc (đan lưới).

Hội thi đan lưới được tổ chức với sự biết ơn dành cho Bà Triều – tổ nghề dệt săm súc ở Sầm Sơn.

Theo truyền thuyết dân gian, không ai biết nghề dệt săm súc ở Sầm Sơn có từ khi nào, nhưng có một điều chắc chắn, nghề được Bà Triều truyền dạy cho dân vạn chài. Vốn là tiên nữ nhà trời, vì vướng phải kiếp nạn mà phải xuống trần gian. Tại đây, bà được một cô gái vùng biển nghèo khó nhưng nhân hậu vô cùng giúp cho bà có miếng ăn, lại chăm sóc như người thân. Cảm mến tấm lòng ấy, bà đã dạy cô nghề kéo sợi, dệt súc mưu sinh. Lạ thay, những tấm súc mà cô gái dệt ra đến đâu được bán nhanh đến đó, tiếng lành đồn xa, các cô gái trong làng đến nhờ bà chỉ dạy nghề. Chẳng bao lâu, làng chài ven biển Sầm Sơn thuở xưa đã nổi danh với sản phẩm dệt săm súc. Nghề mang đến cho cư dân vạn chài cuộc sống no đủ, sung túc.

Lại nói đến bà lão nghèo, đến hạn phải về trời. Bà chia tay dân làng vào một buổi chiều buồn bã. Người dân kể, đó là khi nước triều lên, bóng bà khuất dần vào trong những lớp sóng biển. Khi ấy, người ta vẫn không biết tên thật của bà. Bởi vậy, họ gọi bà là Bà Triều và tôn bà làm tổ nghề dệt săm súc, đời nối đời nhớ ơn.

Ở hội thi đan lưới trong lễ hội Cầu ngư – Bơi trải, những người phụ nữ khéo léo, thạo nghề nhất sẽ đại diện cho các đội thi tranh tài. Từ nguyên liệu  BTC phát (cước, né, cữ, móc cái đầu…) trong thời gian 30 phút, các nghệ nhân sẽ trổ tài đan lưới. Sản phẩm được điểm cao phải đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật như không bị chéo né, chéo mắt, không đan mắt đơn, không bị đứt cước, không thiếu mắt… Khi tiếng còi của hội thi vang lên, những đôi bàn tay người phụ nữ nghề biển những tưởng chai sạn vì nắng, gió bỗng trở nên dẻo dai và khéo léo lạ thường. Họ say sưa đan lưới không chỉ vì thành tích mà còn cả sự biết ơn với tổ nghề.

Nếu đan lưới là sân chơi của phụ nữ vùng biển thì bơi trải – đua thuyền chính là lời khẳng định sức mạnh của đấng mày râu. Ở ngay trên sông Mã khu vực cảng Hới, trong trang phục truyền thống, mỗi đội thi sẽ chọn ra những “lão ngư” thạo nghề nhất. Họ là những tay chèo khỏe mạnh, nhanh nhẹn và bắt buộc phải thông thạo địa hình luồng lạch để di chuyển được nhanh nhất. Các thuyền đua tài ở cự li 6 km. Không giống đan lưới, đua thuyền là sự biểu dương của sức mạnh tập thể, sự đoàn kết. Như cái cách ngư dân vẫn thường đoàn kết, hỗ trợ nhau trong hành trình mưu sinh bám biển xưa nay. Theo người dân địa phương, hội thi đua thuyền được tổ chức nhằm tỏ lòng tôn kính đến các vị thần biển, thần Mặt Trăng, thần Độc Cước… và còn là sự tiếp nối truyền thống sông nước đầy tự hào của Kim Cương tướng quân từ hơn 7 thế kỷ trước.

Đi qua những thăng trầm của lịch sử và thời gian, lễ hội Cầu ngư – Bơi trải của người dân Sầm Sơn hôm nay không chỉ là nét đẹp tín ngưỡng văn hóa truyền thống. Ở đấy, với việc được tổ chức quy mô, hoành tráng, lễ hội còn được xem như sản phẩm văn hóa du lịch dành cho du khách khi về với Sầm Sơn trong những ngày du lịch hè.

Nguồn: vanhoadoisong.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *