Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
19553

Vận dụng phương pháp HRBA trong hoạch định chính sách trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Nhiều chính sách được xây dựng trên cơ sở vận dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người từ đó bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương – những đối tượng phải gánh chịu nhiều thiệt thòi và bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong việc hưởng thụ các quyền (như quyền sống, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền về việc làm, quyền được giáo dục, quyền được hưởng an sinh xã hội…) khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Các chính sách được ban hành đều hướng tới mục tiêu bảo đảm, thúc đẩy quyền con người

Xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước

Năm 1997, trong khuôn khổ cải tổ Liên Hợp quốc (LHQ), Nguyên Tổng Thư ký LHQ  Kofi A. Annan đã kêu gọi lồng ghép nội dung quyền con người vào tất cả các hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc LHQ. Ngay sau đó, các nước trên thế giới, trước hết các nước phát triển cũng đã hưởng ứng lời kêu gọi này khi đưa các tiêu chuẩn về quyền con người vào quá trình xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội ở cả cấp quốc gia và địa phương. Đây chính là cơ sở cho sự hình thành phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người (Human Rights-based Approach – HRBA) trong hoạch định chính sách hiện nay.

Vận dụng phương pháp HRBA trong hoạch định chính sách đòi hỏi quy trình hoạch định chính sách phải dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người, hướng tới mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người. Phương pháp tiếp cận này chú trọng cả nội dung của quyền con người lẫn cách thức thực thi quyền con người, không chỉ quan tâm đến mục tiêu mà còn đến cả quá trình thực hiện để đạt mục tiêu đề ra. Do vậy, các tiêu chuẩn về quyền con người được dùng làm cơ sở để xác định kết quả mong muốn, đồng thời các nguyên tắc về quyền con người được xem là điều kiện, khuôn khổ cho quá trình đạt được kết quả đó.

Việc vận dụng phương pháp HRBA trong hoạch định chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới, kể cả cả nước phát triển và đang phát triển. Bởi lẽ, phương pháp tiếp cận này hướng tới giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa chủ thể hưởng và chủ thể có nghĩa vụ thực hiện quyền, trong đó xác định rõ vai trò của các bên và nhấn mạnh trách nhiệm của bên có nghĩa vụ phải thực hiện quyền một cách công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử. Quyền của các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội như trẻ em, phụ nữ, người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi, người nhiễm HIV/AIDS, người dân tộc thiểu số…. được các nhà hoạch định chính sách quan tâm nhiều hơn. Đồng thời, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc hoạch định, thực thi chính sách và bảo đảm quyền con người cũng được nâng cao đáng kể.

Những kết quả bước đầu

Tại Việt Nam, HRBA trong hoạch định chính sách tuy còn tương đối mới mẻ, nhưng đã được vận dụng trong những năm gần đây và đã được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế, quy định của Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam được xây dựng theo hướng tiếp cận dựa trên quyền con người. Trong một số lĩnh vực như tư pháp hình sự, lao động-việc làm, y tế và giáo dục, phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người từng bước được vận dụng trong quá trình hoạch định chính sách, nhờ đó góp phần bảo đảm tốt hơn quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương… Bên cạnh đó, nhiều chính sách an sinh xã hội được xây dựng trên cơ sở tiếp cận dựa trên quyền con người nên đã thu được những kết quả khả quan. Chẳng hạn, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế tăng cao (đạt gần 90% năm 2018), số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp không ngừng tăng (hơn 13 triệu người vào năm 2019), tỷ lệ nghèo bình quân cả nước ở dưới mức 4% (cuối năm 2019),…

Xu hướng vận dụng phương pháp HRBA trong hoạch định chính sách ngày càng thể hiện rõ, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Các chính sách được ban hành đều hướng tới mục tiêu bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, tiêu biểu như Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/ 2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 22/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Quyết định 31/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 của Thủ tướng sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 22/4/2020,…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *