Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
11812

Tương lai nào cho xung đột Mỹ – Trung

 

Chuyển hướng sang chính sách cứng rắn thực sự với Trung Quốc không còn đơn thuần là việc thực hiện lời hứa với cử tri mà là quyết định không thể tránh khỏi nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia đang bị Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng. Đó có lẽ cũng là lý do khiến cách ứng xử theo hướng cứng rắn với Trung Quốc trở thành một tiêu chí thu hút cử tri trong cuộc tranh cử tổng thống 2020. Tranh thủ lá phiếu được cho là một trong những nguyên nhân chủ yếu đẩy quan hệ Mỹ – Trung rơi tự do.

Đâu là nguyên nhân

Xung đột Mỹ – Trung bắt đầu từ lĩnh vực thương mại. Lý do được Mỹ viện dẫn khi tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc không chỉ đơn thuần nhằm khắc phục tình trạng xuất siêu mà còn để chỉ ra vị trí cường quốc kinh tế số 2 thế giới mà Trung Quốc có được là nhờ vào sự hào phóng của nước Mỹ.

Thương chiến Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng

Chính sách của Mỹ đối với Hong Kong, Đài Loan hay Biển Đông càng đẩy mối quan hệ vào trạng thái đối đầu, bởi Trung Quốc chắc chắn không thể thỏa hiệp khi coi đây là những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi.Sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc khiến xung đột ý thức hệ cũng có thể được coi như một nguyên do khiến quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng.

Trung Quốc trở thành cường quốc đủ tầm nhất cạnh tranh vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế. Với sức mạnh hiện có, Trung Quốc mau chóng thể hiện tham vọng trám vào những khoảng trống do chính sách dựa trên tiêu chí “America First” (Nước Mỹ trước hết) của Chính quyền Tổng thống Donald Trump tạo ra, đặc biệt là tại các cơ chế quốc tế. Tư tưởng đề cao chủ nghĩa dân tộc đã dẫn dắt giới chức hai nước đưa ra cách giải quyết mâu thuẫn theo hướng cứng rắn. Đối đầu dường như còn được lãnh đạo hai nước coi như một giải pháp có thể giúp khắc phục những thiệt hại to lớn do đại dịch COVID-19 gây ra. Cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc tại diễn đàn Liên Hợp quốc ngày 24/9/2020 về đại dịch này, một vấn đề có tính toàn cầu mà chỉ có sự hợp tác giữa các nước mới có thể tìm được hướng khắc phục, là minh chứng rõ ràng nhất cho chính sách cứng rắn đối với nhau của hai cường quốc.

Tuy bản chất của mâu thuẫn Mỹ – Trung là xung đột lợi ích giữa một cường quốc đang lên với cường quốc đang nắm giữ vai trò lãnh đạo thế giới, nhưng nếu căn cứ vào tương quan lực lượng trên mọi phương diện cộng với những khó khăn kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19, rõ ràng sự đòi hỏi vị trí số 1 của Trung Quốc chưa đủ lực đẩy mâu thuẫn này tới ngưỡng phải giải quyết bằng một cuộc chiến một mất, một còn. Bằng chứng là Bắc Kinh vẫn cố gắng giữ thái độ kiềm chế, trước hết là đối với những vấn đề kinh tế – thương mại. Xét cho cùng, nếu trao đổi thương mại song phương bị ngưng trệ, thì Trung Quốc – “công xưởng của thế giới” vẫn sẽ là nước chịu thiệt hại nhiều hơn. Hoặc như Trung Quốc vẫn chỉ dừng lại ở mức độ chỉ trích chứ không phải bằng những hành động trên thực địa trước việc Chính quyền Tổng thống Donald Trump tăng cường quan hệ với Đài Loan.

Một minh chứng nữa là nếu căn cứ theo những tiêu chí của cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô như tập hợp phe khối, chạy đua vũ trang, phong tỏa thương mại, tiến hành chiến tranh ủy thác tại các điểm nóng khu vực, tuyên truyền chống phá nhau (chiến tranh tâm lý)…, thì xung đột Mỹ – Trung cũng chưa thực sự đạt tới ngưỡng của cuộc chiến tranh lạnh này. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa vẫn đang phát triển rất mạnh, hầu như chẳng còn quốc gia nào thi hành chính sách một tuyến, vì thế việc gây dựng phe khối như khiểu NATO hay WARSAW là không thể. Đơn cử, ngay cả các đồng minh châu Á của Mỹ như Nhật Bản, Philippines, Australia vẫn tiếp tục duy trì hợp tác với Trung Quốc. Ma trận các hiệp định thương mại tự do (FTA) càng cho thấy mô hình phe khối giờ đây nếu có thì chỉ trong những vấn đề quốc tế, những lĩnh vực hợp tác và trong những thời điểm rất cụ thể.

Trong mấy năm qua, cả Mỹ và Trung Quốc đều gia tăng ngân sách quốc phòng, liên tục tăng cường sức mạnh quân sự nhưng đó không phải là một cuộc chạy đua theo kiểu “trò chơi hút máu” của Mỹ và Liên Xô trước đây. Thậm chí, chi tiêu quốc phòng không phải là ưu tiên số một trong ngân sách hàng năm của cả Mỹ và Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng tại Pakistan cho thấy, chính cách hành xử theo kiểu “Thiên sứ hòa bình” của Trung Quốc tại các điểm nóng khu vực vô hình chung đã triệt tiêu mầm mống của một cuộc chiến tranh ủy thác. Ngay cả cách thức tuyên truyền chống đối nhau cũng bị cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm cho biến dạng khác biệt hoàn toàn với cuộc chiến tranh tâm lý Mỹ – Xô. Mạng xã hội khiến cho chính phủ đôi bên không thể cung cấp cho người dân những thông tin tuyên truyền theo kiểu một chiều, phiến diện duy ý chí.

Lằn ranh giới đỏ

Sự phụ thuộc lẫn nhau quá lớn giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể coi là nguyên nhân quan trọng ngăn cản xung đột Mỹ – Trung phát triển tới giới hạn của một cuộc chiến tranh, cho dù là dưới dạng “lạnh”. Đúng là nếu chỉ đơn thuần căn cứ vào con số 550 tỷ USD (năm 2019) giá trị kim ngạch buôn bán hai chiều thì việc chấm dứt quan hệ có thể cũng không phải là thảm họa đối với cả Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, một khi đã để quan hệ rơi vào tình trạng tê liệt thì chắc chắn cả Mỹ và Trung Quốc sẽ phải huy động các biện pháp đòn bẩy khác, đơn cử như việc Mỹ sẽ gây sức ép buộc các đồng minh EU, Nhật Bản… cũng phải có những biện pháp trừng phạt kinh tế cùng với Mỹ, điều đã và đang diễn ra trong quan hệ giữa Mỹ và Nga. Đây chính là những tổn thất mà cả hai cường quốc, đặc biệt là Trung Quốc e ngại nhất. Hơn thế, những thiệt hại đang phải gánh chịu do xung đột thương mại và công nghệ Mỹ – Trung buộc các tập đoàn như Google, Apple, Alibaba… sớm muộn cũng sẽ phải tìm cách cản trở việc tiếp tục các chính sách cứng rắn.

Sức ép của cộng đồng quốc tế và những vấn đề quốc tế cấp bách hiện nay như đại dịch COVID-19 cũng là một rào cản quan trọng nữa ngăn không để xảy ra một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước những dự báo ảm đạm của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới WB (trong năm 2020, tăng trưởng kinh tế thế giới ước tính sẽ giảm 4,9%, thế giới sẽ mất khoảng 6,4% – 9,7% GDP), các nước đang nỗ lực tìm cách khắc phục thông qua tăng cường hợp tác, liên kết. Tuy đang thi hành chính sách bảo hộ nhưng Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng không thể tách rời hoàn toàn thế giới. Để khắc phục tình trạng kinh tế sa sút, những tổn thất về người do đại dịch COVID-19, kể cả nếu có tái đắc cử, thì chắc chắn Tổng thống Donald Trump sẽ phải có những điều chỉnh theo hướng cần thế giới hơn. Đơn cử như trong trường hợp Chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi WTO thì sau đó chính nước Mỹ sẽ cần hơn đến các mối quan hệ song phương, các cơ chế đa phương còn lại hoặc gây dựng mới, đơn giản bởi nước Mỹ là một nền kinh tế mở. Sức ép quốc tế lên Trung Quốc thì quá rõ bởi sự phụ thuộc hết sức chặt chẽ của nền kinh tế hướng ra xuất khẩu và nhất là khi chính Bắc Kinh cũng vẫn đang cổ súy mạnh mẽ cho chủ nghĩa đa phương, hợp tác toàn cầu.

Như vậy, phải chăng đã hình thành một lằn ranh giới đỏ một cách tự nhiên buộc lãnh đạo hai cường quốc phải chấp nhận. Cho dù đây là mâu thuẫn đương nhiên vì vị trí số 1 thế giới giữa hai cường quốc, và rất có thể tình trạng căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung có thể gia tăng lên một mức độ cao hơn sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020, nhưng khó có thể xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực.

Chính những thiệt hại do đại dịch COVID-19 ngày càng vượt xa so với dự đoán ban đầu (tính đến hết tháng 9/2020, số người chết đã vượt ngưỡng 1 triệu) nên bất chấp những tuyên bố cứng rắn về Trung Quốc của cả hai ứng cử viên trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, cộng đồng quốc tế vẫn đang hi vọng tình trạng căng thẳng Mỹ – Trung sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực sau cuộc bầu cử tổng thống 2020.■

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *