Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
21117

Tự do tôn giáo ở Việt Nam – Bài 4: Về hoạt động quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo

Thực tế hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay cho thấy rõ ràng chính sách nhất quán và đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam là: Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các công dân; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, cũng như các nước khác, Việt Nam không chấp nhận việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước hay kích động bạo lực, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân… Chính sách đó đã luôn được Nhà nước Việt Nam khẳng định và thực hiện nhất quán.

Cũng có thể khẳng định rằng, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay khá sôi động, đa dạng với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, nhiều tổ chức tôn giáo và mô hình tổ chức tôn giáo. Trong xu thế phát triển của đất nước và xu thế chung của thời đại, các tôn giáo tại Việt Nam luôn được tạo điều kiện hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Cụ thể, chức sắc và tín đồ thuộc các tôn giáo đều được tự do sinh hoạt, tự do thực hành các lễ nghi tôn giáo, biểu hiện đức tin, được tạo điều kiện tốt nhất để mở mang cơ sở vật chất, tu sửa nơi thờ tự và mở mang, phát triển quan hệ giao lưu quốc tế. Các ngày lễ trọng, lễ hội truyền thống như Lễ Phật đản của Phật giáo, Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành… được tổ chức trang nghiêm, thu hút đông đảo không chỉ tín đồ mà cả quần chúng nhân dân tham gia. Cùng với sự phát triển về tổ chức, đăng ký hoạt động cho các tôn giáo đủ điều kiện, số lượng tín đồ và các hoạt động tôn giáo tại Việt Nam cũng không ngừng gia tăng trong những năm gần đây.

Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, các hoạt động quốc tế của các tôn giáo được mở ra trên nhiều tuyến, nhất là các quan hệ về phương diện tổ chức giữa tổ chức tôn giáo ở Việt Nam với các tổ chức tôn giáo thế giới, như Công giáo, Tin lành, Hồi giáo… Ngoài các hoạt động quốc tế bình thường mang tính tổ chức hoặc giao lưu với các tổ chức tôn giáo quốc tế, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tham gia rất tích cực các hội nghị, các diễn đàn tôn giáo khu vực và quốc tế như: Đối thoại liên tín ngưỡng Á – Âu (ASEM); hợp tác liên tín ngưỡng giữa các nước của Phong trào Không liên kết; đối thoại nhân quyền Việt Nam – Mỹ, Việt Nam – EU, Việt Nam – Úc… Theo thống kê không chính thức của Ban Tôn giáo Chính phủ, trong thời gian từ năm 2005 đến năm 2019, có tất cả 505 đoàn khách tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo; 1.538 đoàn thuộc tổ chức, cá nhân tôn giáo ở Việt Nam tham gia hoạt động quốc  tế ở nước ngoài.

Từ năm 1990, Việt Nam đã có quan hệ không chính thức với Tòa thánh Vatican, hai bên đã thành lập Tổ Công tác hỗn hợp để bàn lộ trình quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican. Đặc biệt, các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã gặp người đứng đầu Tòa thánh Vatican trao đổi những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Từ những động thái ngoại giao nói trên, từ năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận “Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam”. Ngày 13 tháng 01 năm 2011, Tòa thánh đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam; từ năm 2018 đến nay là Tổng Giám mục Marek Jalewski thay thế. Chính phủ Việt Nam và Tòa thánh Vatican đã đạt được thỏa thuận nâng cấp quan hệ từ “Đặc phái viên không thường trú” lên “Đặc phái viên thường trú” của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam (hiện hai bên đang thống nhất các nội dung trong Quy chế Đặc phái viên thường trú)…

Quan hệ quốc tế của các tôn giáo ở Việt Nam một mặt đáp ứng nhu cầu của các mối quan hệ, hoặc về tổ chức, hoặc đồng đạo, hoặc chia sẻ trách nhiệm trước những vấn đề thời sự” của thế giới như chiến tranh, xung đột tôn giáo, sắc tộc, môi trường, biến đổi khí hậu… Mặt khác, quan hệ quốc tế của các tôn giáo là kênh ngoại giao nhân dân góp phần làm cho thế giới hiểu biết thêm về Việt Nam, về chuyển biến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có đời sống tôn giáo ở Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *