Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
41968

Thách thức quyền con người trên không gian mạng Kỳ 2: Giải pháp bảo đảm quyền con người trên không gian mạng

Việt Nam chính thức kết nối internet vào năm 1997 và chỉ sau 20 năm nối mạng toàn cầu, chúng ta đã có tỷ lệ tăng trưởng internet nhanh nhất khu vực châu Á (gần 70 triệu người dùng), xếp thứ 13/201 quốc gia có tỷ lệ người sử dụng internet nhiều nhất thế giới. Do đó, việc đánh giá, nhìn nhận mối tương quan giữa quyền con người và không gian mạng ở Việt Nam cũng giống như trên thế giới đang là vấn đề cấp thiết. Quyền con người và bảo vệ quyền con người trên không gian mạng cần có sự nghiên cứu cho phù hợp và thích ứng. Bên cạnh đó, cần tính đến những đặc thù về hệ thống chính trị, điều kiện kinh tế, xã hội và truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, đạo đức xã hội.

Thực trạng bảo đảm quyền con người trên không gian mạng

Không gian mạng rất rộng lớn, gồm cả các trình duyệt web (Google, Chrome, Mozilla Firefox, Opera, Safari…); các trang web tin tức (VnExpress, Yahoo! Tin tức, Zing news, VTC New…); các mạng xã hội (Facebook, Twitter, YuMe, Instagram, Zingme, Youtube, Skype, WeChat, Google Plus, Go.vn…); các tìm kiếm, tra cứu (Google map, Bing, Google Docs…); các tiện ích (chuyển tiền, việc làm, email, thiệp điện tử…); các trang mạng mua bán, kinh doanh, học tập, âm nhạc, giải trí…

Ở Việt Nam hiện nay, ngày càng có nhiều người tiếp cận và sử dụng không gian mạng từ nông dân, công nhân, trí thức, doanh nhân, người già, trẻ em, phụ nữ… Trên không gian mạng, mọi người có thể tương tác, trải nghiệm, trao đổi ý kiến, trò chuyện, chia sẻ thông tin, tổ chức diễn đàn, học tập, tìm kiếm việc làm, kinh doanh, sáng tạo nghệ thuật, giải trí,… Không gian mạng đang thật sự trở thành không gian sinh tồn rộng mở, không gian kiến tạo và gia tăng sức mạnh quốc gia với nguồn tài nguyên số vô tận.

Qua thực tế, có thể thấy hầu hết các quyền con người đều có và được thực hiện trên không gian mạng: Quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do ngôn luận; Quyền tiếp cận thông tin; Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo; Quyền giáo dục; Quyền có việc làm; Quyền được chăm sóc sức khỏe, y tế; Quyền nghiên cứu, sáng tạo khoa học; Quyền tự do kinh doanh (trang thương mại điện tử, giao kết hợp đồng, đăng ký kinh doanh); Quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực xã hội; Quyền phát triển; Quyền được sống trong môi trường trong sạch; Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư; Quyền an sinh xã hội; Quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa.

Cùng với những lợi ích to lớn, các vi phạm quyền con người trên không gian mạng đang là mối quan tâm hàng đầu của quốc gia, cơ quan, tổ chức và cá nhân. Các hành vi vi phạm xảy ra ở hầu hết các nhóm quyền và ở các lĩnh vực của đời sống xã hội: đăng tải thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm tôn giáo; lan truyền thông sai sự thật, bịa đặt thông tin, truyền bá thông tin độc hại nhằm vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, thương hiệu, làm mất trật tự an toàn xã hội và phá hoại an ninh quốc gia; làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân; vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ, bản quyền tác giả; truyền bá bạo lực và thù hận, kích động bạo lực, phân biệt đối xử; lừa đảo trực tuyến; sử dụng các thông tin cá nhân khi không được phép, trái pháp luật như một loại hàng hóa phục vụ cho việc kinh doanh, quảng cáo, nghiên cứu, đáng giá, khảo sát về nhu cầu tiêu dùng và dự báo thị trường. Đối tượng bị vi phạm quyền bao gồm: quốc gia, cơ quan, tổ chức, trường học, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, gia đình và cá nhân; khách thể của tội phạm bao gồm: an ninh quốc gia, an toàn xã hội, tính mạng, tinh thần, sức khỏe, tài sản của cá nhân (trò chơi nguy hại, bắt cóc, tống tiền, sát hại,…), sự phát triển bình thường của thế hệ trẻ.

Theo số liệu từ Kaspersky Security Network, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất năm 2018. Kaspersky Lab nhận định: “Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, những mối đe dọa về vấn đề an ninh mạng ngày càng tinh vi hơn. Đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 bùng nổ, Việt Nam sẽ phải đối mặt và chịu nhiều ảnh hưởng bởi những thay đổi phức tạp của an ninh mạng”. Một thống kê khác cho thấy, hai năm 2017 và 2018, số lượng lỗ hổng an ninh tăng đột biến với hơn 15.700 lỗ hổng, gấp khoảng 2,5 lần những năm trước đó; năm 2018, hơn 9.300 cuộc tấn công vào mạng Việt Nam, hơn 1,6 triệu lượt máy tính bị mất dữ liệu. Theo thống kê của Công ty an ninh mạng Bkav, trong năm 2018, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam lên mức kỷ lục 14.900 tỷ đồng, tương đương 642 triệu USD, nhiều hơn 21% so với mức thiệt hại của năm 2017. Đây là kết quả từ chương trình đánh giá an ninh mạng do Bkav thực hiện tháng 12/2018.

Trên phạm vi toàn cầu, tội phạm mạng gây thiệt hại lên tới khoảng 600 tỷ USD mỗi năm, tương đương 0,8% GDP toàn cầu. Trong đó, khu vực Đông Á thiệt hại ước tính từ 120 – 200 tỷ USD, tương đương 0,53 – 0,89% GDP khu vực. Mức thiệt hại 642 triệu USD tương đương 0,26% GDP của Việt Nam, tuy chưa phải cao so với khu vực và thế giới, nhưng cũng là mức đáng báo động.

Một số giải pháp bảo vệ quyền con người trên không gian mạng

– Nhận thức, đánh giá đúng mức tầm quan trọng của an ninh mạng đối với đời sống kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia. Ngày nay, quan niệm về lãnh thổ, chủ quyền, biên giới của một quốc gia không chỉ là đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời, mà cả lãnh thổ không gian mạng, chủ quyền không gian mạng. Bảo vệ chủ quyền quốc gia còn là bảo vệ không gian mạng của quốc gia, bao gồm, bảo vệ các hệ thống thông tin; các chủ thể hoạt động trên không gian mạng; hệ thống dữ liệu, tài nguyên mạng; các quy tắc xử lý và truyền số liệu. Đảm bảo quyền bình đẳng trong tham dự quản lý mạng Internet quốc tế; độc lập trong vận hành hạ tầng cơ sở thông tin thuộc lãnh thổ quốc gia; bảo vệ không gian mạng quốc gia không bị xâm phạm và quyền quản trị truyền tải cũng như xử lý số liệu của quốc gia.

Đối với các cá nhân, tổ chức, an ninh mạng cần được coi như an ninh trong cuộc sống đời thực, khi có nhận thức đúng sẽ có ý thức trách nhiệm đối với cá nhân, cộng đồng, có sự phòng ngừa, cảnh giác và tố cáo khi có các hành vi vi phạm quyền.

– Quán triệt các quan điểm của Đảng về quyền con người và bảo đảm quyền con người; phát triển khoa học công nghệ và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới trên cả không gian mạng và không gian thực tế.

– Tham khảo, nghiên cứu các văn bản, khuyến nghị của Liên hợp quốc và các khu vực về quyền con người trên không gian mạng trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật và ứng xử quốc tế; bởi lẽ vấn đề quyền con người và không gian mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu, có những nhận thức và chuẩn mực chung nhất định.

– Nâng cao nhận thức của người dân về an ninh mạng; trang bị kỹ năng ứng xử khi sử dụng không gian mạng cho người dân (có thể xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng ngắn gọn, dễ nhỡ, dễ thực hiện); bồi dưỡng kỹ năng nhận diện các âm mưu, thủ đoạn tấn công mạng và các hành vi vi phạm quyền trên không gian mạng; cung cấp cho người sử dụng kỹ năng cần thiết thực hiện các quyền của mình nhưng, đồng thời có kỹ năng tự bảo vệ các quyền của mình nếu bị xâm hại (cảnh báo, cảnh giác, mã khóa, các kỹ năng bảo mật, kịp thời thông báo cơ quan có thẩm quyển để can thiệp, hỗ trợ, ngăn chặn, xử lý).

– Bảo đảm nguyên tắc tiếp cận dựa trên quyền con người trong việc sáng chế, phát minh và ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin nhằm bảo đảm quyền và tạo cơ hội tiếp cận bình đẳng cho các nhóm xã hội dễ bị tổn thương với những tính năng đặc thù (dành cho người khuyết tật, trẻ em, người già) và bình đẳng về giới (có các ứng dụng, biểu tượng, tính năng bảo đảm bình đẳng, không phân biệt đối xử về giới).

– Thông tin, giáo dục, cập nhật các quy định pháp luật về quản lý không gian mạng: Luật An ninh mạng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành (tuyên truyền sâu rộng về những hành vi bị cấm trong Luật An ninh mạng), các điều khoản của Bộ luật Hình sự 2015 (Mục 2, Điều 285-294) liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ và Thông tư số 09/2014/BTTTT ngày 19/8-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng mạng xã hội.

– Các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp theo dõi, giám sát chủ động để bảo đảm kịp thời ứng phó với các hành vi xâm phạm trên diện rộng, ảnh hưởng tới hàng loạt các cá nhân, tổ chức trong khi không thể chờ được các báo cáo từ các chủ thể cá nhân. Trách nhiệm bảo đảm an ninh mạng, bảo đảm các quyền con người trên không gian mạng thuộc về nhiều chủ thể: các nhà cung cấp các dịch vụ sử dụng nền tảng trên internet, chủ thể sử dụng dịch vụ cung cấp trên nền tảng internet, các nhà cung cấp hạ tầng kỹ thuật và cả người dùng, nhà nước quản lý nhà nước./.

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *