Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
56326

Thách thức quyền con người trên không gian mạng Kỳ 1: Khái niệm mang tính toàn cầu

 

Việt Nam chính thức kết nối internet vào năm 1997 và chỉ sau 20 năm nối mạng toàn cầu, chúng ta đã có tỷ lệ tăng trưởng internet nhanh nhất khu vực châu Á (gần 70 triệu người dùng), xếp thứ 13/201 quốc gia có tỷ lệ người sử dụng internet nhiều nhất thế giới. Do đó, việc đánh giá, nhìn nhận mối tương quan giữa quyền con người và không gian mạng ở Việt Nam cũng giống như trên thế giới đang là vấn đề cấp thiết. Quyền con người và bảo vệ quyền con người trên không gian mạng cần có sự nghiên cứu cho phù hợp và thích ứng. Bên cạnh đó, cần tính đến những đặc thù về hệ thống chính trị, điều kiện kinh tế, xã hội và truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, đạo đức xã hội.

1. “Quyền con người” đã trở thành một khái niệm toàn cầu, có ảnh hưởng nhiều nhất và sâu rộng nhất đối với tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế, bởi lẽ xét cho cùng, mọi hoạt động xã hội của con người cũng xuất phát từ quyền con người và nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền con người. “Không có cụm từ nào trong lịch sử gần đây của loài người lại có nhiều đặc quyền để chịu trách nhiệm và gánh vác định mệnh của con người như cụm từ quyền con người”[1].

Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 đã chỉ rõ: “…Việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng bất khả chuyển nhượng của tất cả các thành viên trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hoà bình thế giới”. “Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và các quyền” (Điều 1). Nội hàm này được nhấn mạnh trong 02 Công ước cơ bản về quyền con người năm 1966 (Công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa): “…Việc công nhận phẩm giá vốn có và những quyền bình đẳng và bất di dịch của mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại là nền tảng cho tự do, công lý và hoà bình trên thế giới; Thừa nhận rằng, những quyền này bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của con người”.

Tuyên bố Viên và Chương trình hành động (1993) định nghĩa: “Quyền con người và tự do cơ bản là quyền bẩm sinh của mọi người được hưởng; việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền đó là trách nhiệm trước tiên của Chính phủ”[2]. Liên hợp quốc trong tài liệu Hỏi đáp về quyền con người (1994) đã quan niệm: “Quyền con người là những gì bẩm sinh, vốn có của con người mà nếu không được bảo đảm thì chúng ta sẽ không thể sống như một con người”[3]. Theo Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người (OHCHR): “Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người”[4]. Quỹ phát triển phụ nữ Liên hợp quốc (UNIFEM) trong tài liệu CEDAW – Thiết lập lại quyền cho phụ nữ, (2006) đã đưa ra định nghĩa: “Quyền con người là sức mạnh ý chí để đảm bảo và bảo vệ chân giá trị con người bằng luật pháp chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thích, hoàn cảnh hay sự ưu đãi”[5].

Các định nghĩa nêu trên về quyền con người ở các góc độ khác nhau nhưng đã khái quát lên những thuộc tính cơ bản nhất về quyền con người: (1) quyền con người là các quyền bẩm sinh thuộc sở hữu vốn có của mọi người, nó gắn liền với hành động công nhận, thừa nhận chứ không phải là ban phát, từ chối hay tước đoạt vô cớ; (2) trung tâm của khái niệm quyền con người là “phẩm giá” vốn có của mọi thành viên trong gia đình nhân loại: (3) quyền con người được áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người mà không có sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, quan điểm, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội; (4) quyền con người phải được bảo đảm minh bạch về pháp lý; (5) quyền con người xác lập nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm của Nhà nước và xã hội.

Khái quát lại: “Quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được ghi nhận, bảo đảm bằng pháp luật quốc gia và quốc tế”[6].

Ở Việt Nam, bảo đảm quyền con người là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tất cả các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm”.

2. “Không gian mạng” có tên tiếng Anh là “Cyberspace”[7] lần đầu tiên được sử dụng bởi nhà toán học và triết gia người Mỹ Norbert Wiener trong những công trình nghiên cứu tiên phong của ông về điều khiển – tự động hóa và điện tử – truyền thông. Sau này được chính thức sử dụng bởi những nhà phát triển mạng viễn thông, các nhà lãnh đạo, những chính trị gia, những người đứng đầu các tập đoàn lớn,… để mô tả về một môi trường của những công nghệ thuộc về lĩnh vực điện tử – viễn thông mang tính chất toàn cầu. “Không gian mạng” có cách gọi khác là “không gian ảo”, nơi các máy tính trao đổi dữ liệu, thông tin. Từ “không gian mạng” cũng dùng để chỉ một mạng lưới toàn cầu của các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phụ thuộc lẫn nhau, mạng viễn thông và các hệ thống máy tính. Khái niệm về không gian mạng trở nên phổ biến hơn vào những năm 1990 khi thế giới bắt đầu chứng kiến sự bùng nổ của mạng Internet cũng như sự phát triển vượt bậc của các công nghệ bán dẫn, kĩ thuật số, hệ thống điện toán, thông tin liên lạc và đây cũng chính là thành tựu quan trọng nhất trong Cách mạng công nghiệp lần 3[8].

Không gian mạng được xem như một trải nghiệm xã hội, các cá nhân có thể tương tác, trao đổi ý kiến​​, chia sẻ thông tin, cung cấp hỗ trợ xã hội, kinh doanh, hành động trực tiếp, sáng tạo nghệ thuật, trò chơi, giải trí, tham gia vào các cuộc thảo luận chính trị… Những người trải nghiệm không gian mạng thường xem như một cybernaut (người trải nghiệm thực tế ảo).

“Internet” là thuật ngữ xuất hiện lần đầu vào khoảng năm 1974. Lúc đó mạng vẫn được gọi là ARPANET. Năm 1983giao thức TCP/IP chính thức được coi như một chuẩn đối với ngành quân sự Mỹ và tất cả các máy tính nối với ARPANET phải sử dụng chuẩn mới này. Giao thức TCP/IP ngày càng thể hiện rõ các điểm mạnh của nó, quan trọng nhất là khả năng liên kết các mạng khác với nhau một cách dễ dàng. Chính điều này cùng với các chính sách mở cửa đã cho phép các mạng dùng cho nghiên cứu và thương mại kết nối được với ARPANET, thúc đẩy việc tạo ra một siêu mạng (SuperNetwork). Năm 1980, ARPANET được đánh giá là mạng trụ cột của Internet. Mốc lịch sử quan trọng của Internet được xác lập vào giữa thập niên 1980 khi tổ chức khoa học quốc gia Mỹ NSF thành lập mạng liên kết các trung tâm máy tính lớn với nhau gọi là NSFNET. Sự hình thành mạng xương sống của NSFNET và những mạng vùng khác đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của Internet. Với khả năng kết nối mở như vậy, Internet đã trở thành một mạng lớn nhất trên thế giới, mạng của các mạng, xuất hiện trong mọi lĩnh vực thương mạichính trịquân sự, nghiên cứu, giáo dụcvăn hoáxã hội… Cũng từ đó, các dịch vụ trên Internet không ngừng phát triển tạo ra cho nhân loại một thời kỳ mới: kỷ nguyên thương mại điện tử trên Internet.

Như vậy, có thể hiểu “Internet” là một hệ thống thông tin toàn cầu được truy nhập công cộng gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau. Hệ thống này truyền thông tin theo kiểu nối chuyển gói dữ liệu (packet switching) dựa trên một giao thức liên mạng đã được chuẩn hóa (giao thức IP). Hệ thống này bao gồm hàng ngàn mạng máy tính nhỏ hơn của các doanh nghiệp, của các viện nghiên cứu và các trường đại học, của người dùng cá nhân và các chính phủ trên toàn cầu[9].

Lịch sử phát triển của các khái niệm liên quan đến không gian mạng gắn liền với cuộc Cách mạng công nghiệp lần 3 cùng với sự bùng nổ của Internet. Tuy nhiên, qua phân tích đã cho thấy sự khác nhau giữa khái niệm “không gian mạng” với khái niệm “Internet”. Khái niệm “không gian mạng” không đồng nhất với “internet” mà nó có phạm vi được hiểu rộng hơn, không gian mạng là kết nối chung của các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phụ thuộc lẫn nhau, trong đó có Internet.

Ở Việt Nam, ngày 19/01/1997 là ngày đầu tiên hòa vào mạng Internet toàn cầu nhưng từ năm 2006, pháp luật đã có những quy định ban đầu về không gian mạng với thuật ngữ “môi trường mạng”: “Môi trường mạng là môi trường trong đó thông tin được cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông qua cơ sở hạ tầng thông tin” (Khoản 3 Điều 4 Luật Công nghệ thông tin 2006). Trong định nghĩa này đã nêu rõ được chức năng của mạng, cách thức vận hành, duy trì môi trường mạng là “cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi” nhưng chưa nêu rõ được các phương tiện truyền tải, sử dụng, mà chỉ nêu chung chung là “thông qua cơ sở hạ tầng thông tin”. Đến năm 2015, Luật An toàn thông tin mạng định nghĩa rõ hơn: “Mạng là môi trường trong đó thông tin được cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông qua mạng viễn thông và mạng máy tính” (Khoản 2 Điều 3). Phương tiện truyền tải, sử dụng cho không gian mạng được nêu ở đây là mạng viễn thông và mạng máy tính.

Đến năm 2018, với việc ban hành Luật An ninh mạng, chúng ta đã có định nghĩa khá đầy đủ về “không gian mạng”. Theo đó, “Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian” (Khoản 3 Điều 2). Như vậy, phương tiện truyền tải, được sử dụng để thực hiện chức năng của không gian mạng là “cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin” (trước đây là “cơ sở hạ tầng thông tin”) không chỉ bao gồm mạng viễn thông và mạng Internet mà rộng hơn, còn bao gồm cả mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu.

Như vậy, Internet – thuật ngữ hay được nhắc tới khi nói đến không gian ảo – giờ đây cũng chỉ là một phương tiện, một giới hạn sử dụng của không gian mạng, mà không thể đồng nhất với thuật ngữ “không gian mạng”. Trong thời gian tới, với sự phát triển của Cách mạng công nghệ 4.0, chắc chắn phạm vi phương tiện công nghệ thông tin để sử dụng trong không gian mạng sẽ còn được mở rộng, phát minh và phát triển hơn nữa. Nếu như trước đây, công dụng và chức năng của không gian mạng đối với con người được liệt kê là “cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi” thì nay, đã được khái quát “…là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”, bởi lẽ sẽ rất khó có thể liệt kê các công năng của không gian mạng cũng như các hành vi của con người trên không gian mạng khi mà môi trường mạng giúp cho con người có sức sáng tạo vô tận hơn bao giờ hết. Các quy định của pháp luật đã có sự thay đổi, cập nhật về mức độ tiến bộ, sự mở rộng và phát triển về phạm vi, mức độ của không gian mạng. Điều này có nghĩa là công năng của không gian mạng đã mở rộng và tiếp tục mở rộng hơn rất nhiều, bao gồm tất cả các hành vi xã hội của con người. Ngày càng nhiều các hoạt động xã hội trên không gian đời thực đã và sẽ được thực hiện trên không gian mạng như giao tiếp, sáng tạo, lao động, sản xuất, tiêu dùng, học tập và vui chơi giải trí, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

(Vừa qua, để phòng tránh dịch Covid 19, nhiều gia đình thông qua mạng đã sử dụng dịch vụ nhờ làm lễ thanh minh (tảo mộ) từ xa mà không trực tiếp làm), hoặc như Hàn Quốc đã có phát minh tạo một không gian ảo để cho người sống như được gặp lại người thân của mình đã mất.

Các khái niệm được quy định trong các văn bản luật tương đối đồng nhất, theo đó môi trường mạng là môi trường trong đó thông tin được cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi trên nền cơ sở hạ tầng thông tin, là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

3. Quyền con người trên không gian mạng

Không thể phủ nhận, không gian mạng đã tạo ra môi trường mới, rất đặc biệt đối với con người, tồn tại song song cùng với môi trường sống thực tại, truyền thống, mà ở đó con người có nhiều trải nghiệm mới, sự tìm tòi, sáng tạo của mỗi người vẫn chưa có giới hạn. Môi trường này mang đến cho con người nhiều điều hấp dẫn, thú vị và cuốn hút. Mỗi người dường như có được cả một thế giới thu nhỏ chỉ trong một phương tiện nhỏ gọn (đơn giản như một điện thoại thông minh) mà không phải đi nhiều nơi, gặp nhiều người hay cần có nhiều thời gian. Con người có thể thực hiện được rất nhiều các nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng của mình trên không gian mạng, và tất nhiên bao hàm trong đó là các nhu cầu về quyền. Vậy, liệu các quyền con người trên môi trường đặc biệt đó có khác với quyền con người trong thế giới thực tại, truyền thống không?

Ở phạm vi quốc tế, mặc dù các văn bản pháp luật quốc tế về quyền con người không quy định trực tiếp các quyền con người trên internet hay không gian mạng nhưng khi đề cập đến quyền tự do ngôn luận, Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1866 đã có quy định có liên quan: “…2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ”. “Bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào” có thể là báo viết, báo in, sách và ngày nay là các trang mạng xã hội, internet….

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua nhiều Nghị quyết liên quan đến quyền con người trên Internet. Nghị quyết số 12/16 ngày 02/10/2009 về tự do ngôn luận và biểu đạt. Năm 2012, xuất phát từ sáng kiến của Thụy Điển và được nhiều quốc gia ủng hộ, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 20/8 (ngày 05/7/2012) về thúc đẩy, bảo vệ và hưởng thụ quyền con người trên internet, trong đó khẳng định: “Các quyền mà mọi người có ngoại tuyến cũng phải được bảo vệ tương tự trực tuyến, đặc biệt là tự do ngôn luận, được áp dụng bất kể biên giới và thông qua bất kỳ phương tiện nào do một người lựa chọn, phù hợp với Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966”. Đồng thời, “khuyến khích xem xét việc quảng bá, bảo vệ và hưởng thụ các quyền con người bao gồm quyền tự do ngôn luận trên internet và các công nghệ khác, cũng như internet có thể là một công cụ quan trọng để phát triển và thực hiện quyền con người”[10]. “Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng một cách tiếp cận dựa trên quyền con người toàn diện khi cung cấp và mở rộng khả năng truy cập internet, internet mở được tiếp cận và nuôi dưỡng bởi nhiều bên liên quan”[11].

Tiếp theo là Nghị quyết số 26/13 ngày 26/6/2014 và Nghị quyết số 32/L.20 ngày 27/7/2016 về việc thúc đẩy, bảo vệ và hưởng thụ quyền con người trên internet; Nghị quyết số 68/167 ngày 18/12/2013, Nghị quyết số 28/16 ngày 24/3/2015 và Nghị quyết số 69/166 ngày 18/12/2014 về quyền riêng tư trong kỷ nguyên số; Nghị quyết số 70/184 ngày 22/12/2015 về thông tin và các kỹ thuật truyền thông vì sự phát triển; Nghị quyết số 70/125 ngày 16/12/2015 đánh giá chung về việc thực hiện các kết quả của Hội nghị cấp cao thế giới về xã hội thông tin. Một số văn bản liên quan đến các đối tượng dễ bị tổn thương đã được thông qua như: Nghị quyết số 23/2 ngày 13/6/2013 về vai trò của tự do ngôn luận và biểu đạt trong việc tăng quyền cho phụ nữ; Nghị quyết số 31/7/ ngày 23/3/2016 về quyền trẻ em, thông tin, các kỹ thuật truyền thông và bóc lột tình dục trẻ em. Các Nghị quyết nhấn mạnh một số quyền dễ bị vi phạm trong bối cảnh phát triển của không gian mạng, đó là quyền riêng tư: “cần tôn trọng và bảo vệ quyền riêng tư kể cả trong bối cảnh giao tiếp kỹ thuật số; có biện pháp chấm dứt vi phạm các quyền đó và tạo điều kiện để ngăn chặn các vi phạm, bảo gồm cả việc bảo đảm pháp luật quốc gia có liên quan tuân thủ nghĩa vụ của mình theo luật nhân quyền quốc tế”.

Nghị quyết 70/125 ngày 16/12/2015 về đánh giá chung về việc thực hiện các kết quả của Hội nghị cấp cao thế giới về xã hội thông tin, Đại hội đồng Liên hợp quốc nhận định: “chúng tôi nhận ra vai trò quan trọng của luật pháp quốc tế trong việc xây dựng niềm tin an ninh trong việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông của các quốc gia… Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại việc sử dụng thông tin ngày càng tăng và các công nghệ thông tin đe dọa lợi ích an ninh và phát triển, bao gồm việc sử dụng các công nghệ như vậy cho mục đích khủng bố và tội phạm… Chúng tôi lưu ý mối quan tâm các cuộc tấn công chống lại các quốc gia, tổ chức, công ty và các thực thể, cá nhân khác hiện đang được thực hiện thông qua các các phương tiện kỹ thuật số”[12]. Do đó, “cần phải xây dựng niềm tin và an ninh trong việc sử dụng công nghệ truyền thông; bằng cách này, chúng ta sẽ thúc đẩy thông tin, trong đó phẩm giá con người được tôn trọng”[13].

Gần đây, vào năm 2016, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc lại thông qua một Nghị quyết (A/HRC/32/L.20) tái khẳng định các quyền mà mọi người có ngoài đời cũng phải được bảo vệ trên không gian internet. Nghị quyết đặc biệt lên án các hành động ngăn chặn tiếp cận internet, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếp cận thông tin và quyền riêng tư trực tuyến để hiện thực hóa quyền tự do biểu đạt và duy trì quan điểm mà không bị phân biệt. Tuy nhiên, đây cũng là những Nghị quyết không ràng buộc mà có tính chất khuyến nghị đối với các quốc gia.

Liên minh châu Âu với 27 nước thành viên hiện là khu vực có những quy định cao nhất về bảo hiến với dữ liệu cá nhân thể hiện rõ trong Điều 8 Hiến chương liên minh châu Âu về những quyền cơ bản được thông qua ngày 07/12/2000[14]. Đây là những xuất phát điểm cơ bản cần thiết để xác định những nguyên tắc chính yếu về việc vận hành internet từ góc độ toàn cầu theo tinh thần các quy định pháp luật quốc tế về quyền con người. Liên quan đến hạn chế, quản lý lưu lượng trên internet, Hội đồng châu Âu quy định: mục tiêu của quản lý lưu lượng hợp lý là đóng góp vào việc sử dụng hiệu quả tài nguyên mạng và tối ưu hóa chất lượng truyền dẫn tổng thể nhằm đáp ứng yêu cầu dịch vụ kỹ thuật khác nhau của các loại truyền thông cụ thể… Các biện pháp quản lý lưu lượng truy cập hợp lý được áp dụng bởi các nhà cung cấp dịch vụ truy cập internet phải minh bạch, không phân biệt đối xử và cân đối, và không nên dựa trên những cân nhắc thương mại. Bất kỳ biện pháp nào có thể hạn chế các quyền hoặc tự do cơ bản đó chỉ được áp dụng nếu phù hợp, cân đối và cần thiết trong xã hội dân chủ, và nếu việc thực hiện của họ phải tuân theo các biện pháp bảo vệ theo thủ tục phù hợp với Công ước châu Âu về nhân quyền năm 1950, bao gồm các quy định về bảo vệ tư pháp và thủ tục pháp lý hiệu quả”[15].

Trong Hiến chương quyền và nguyên tắc cho internet mà Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác đưa ra để thảo luận trong năm 2014, 10 nguyên tắc và quyền đã được đồng thuận nêu ra để bảo đảm môi trường internet trên cơ sở quyền:

– Phổ quát và bình đẳng: Tất cả con người sinh ra đều tự do và bình đẳng trong phẩm giá và các quyền được tôn trọng, bảo vệ và hoàn thành trong môi trường mạng;

– Quyền và công lý xã hội: Internet là khoảng không gian để thúc đẩy, bảo vệ và hoàn thành các quyền con người và thúc đẩy công lý xã hội. Mọi người có nhiệm vụ tôn trọng những quyền con người của tất cả những người khác trong môi trường mạng.

– Tiếp cận: Mọi người có quyền bình đẳng để tiếp cận và sử dụng một internet bảo đảm và rộng mở;

– Biểu đạt và kết giao: Mọi người có quyền tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin tự do trên internet mà không bị kiểm duyệt hay can thiệp khác. Mọi người có quyền kết giao tự do qua internet và trên internet vì những mục đích xã hội, chính trị, văn hóa hay mục đích khác.

– Bảo vệ sự riêng tư và dữ liệu: Mọi người có quyền riêng tư trên mạng. Quyền này gồm quyền được sử dụng mật mã và quyền được ẩn danh trên mạng. Mọi người cũng có quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân, gồm cả kiểm soát và duy trì, xử lý, không sử dụng hay tiết lộ;

– Sống, tự do và an ninh: Các quyền sống, tự do và an ninh phải được tôn trọng, bảo vệ và thực hiện trên mạng. Những quyền này không bị vi phạm hay sử dụng để làm trở ngại cho việc thực hiện các quyền khác trên môi trường mạng.

– Đa dạng: Sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ trên internet phải được bảo vệ và cần khuyến khích sự đổi mới về kỹ thuật và chính sách để tạo điều kiện cho sự đa dạng về biểu đạt.

– Bình đẳng: Mọi người phải được tiếp cận internet một cách phổ biến và rộng mở với nội dung được tự do không bị kiểm soát, phân biệt và làm tắc nghẽn trên mạng một cách cố ý trên những cơ sở mang tính thương mại, chính trị hay các cơ sở khác;

– Những chuẩn mực và quy định: Internet, các hệ thống truyền thông, những khuôn khổ tư liệu và dữ liệu phải được dựa trên những chuẩn mực mở và bảo đảm rằng sự vận hành hoàn chỉnh liên thông, tất cả các bên tham gia và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người;

– Quản trị: Quyền con người và công lý xã hội phải được hình thành những cơ sở pháp lý và chuẩn mực mà trên cơ sở đó để internet vận hành và được quản trị. Điều này phải được diễn ra với cách thức rõ ràng, nhiều bên tham gia, dựa trên những nguyên tắc cởi mở, trách nhiệm giải trình của tất cả các bên tham gia.

Từ những nghiên cứu và phân tích các vấn đề lý luận và pháp lý, tác giả có một số những nhận định về quyền con người và bảo vệ quyền con người trên không gian mạng như sau:

Thứ nhất, việc thể hiện và thực hiện quyền con người trên không gian mạng là tất yếu khách quan theo quy luật phát triển của khoa học và đời sống xã hội, với mục đích giúp cho cuộc sống của nhân loại tốt đẹp, văn minh, tiến bộ hơn. Đây cũng là xu thế chung của nhân loại. Vì thế, các quốc gia, cơ quan, tổ chức và cá nhân cùng có trách nhiệm thúc đẩy phát triển môi trường thực hiện quyền này, kiểm soát và lọc bỏ những hành vi, hiện tượng vi phạm quyền, đi ngược lại với các giá trị quyền, mà không phải là ngăn chặn, kiềm chế việc thực hiện quyền con người trên không gian mạng.

Thứ hai, cho đến nay, các quyền con người đã được nhân loại ghi nhận và khẳng định trong các văn bản pháp luật quốc tế về quyền con người vẫn là những quyền hiện hữu và áp dụng trên không gian mạng, mà chưa có những quyền con người mới phát sinh. Hiện cũng có quan điểm cho rằng, với sự xuất hiện của internet, của không gian mạng đã làm xuất hiện một số quyền mới chưa có trong các văn bản quốc tế về quyền con người, tiêu biểu là quyền tự do internet (hay quyền tiếp cận internet). Tuy nhiên, theo tác giả, quyền tự do internet là khái niệm để chỉ việc ai đó có quyền được tự do thực hiện các quyền con người của mình trên internet mà không phải là một quyền riêng, mới. Quyền tự do internet trong đó chứa đựng nhiều quyền con người khác như: quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền làm việc, quyền học tập… mà không phải là một quyền mới, quyền riêng biệt.

Các nhóm quyền và loại quyền con người trên không gian mạng không thay đổi nhưng nội dung của quyền thì phong phú và đa dạng hơn. Chẳng hạn: cũng là quyền riêng tư, bí mật cá nhân nhưng ngày nay xuất hiện nội dung quyền muốn được lãng quên – tức là một người đã từng có thông tin cá nhân, scandal trên không gian mạng (lưu giữ trên các trang Google, Facebook), sau một thời gian họ muốn xóa đi các thông tin đó, không muốn cho con cháu hoặc bản thân họ không muốn xem lại các thông tin đó…

Thứ ba, tất cả các quyền con người không phải cùng một lúc được thực hiện ngay trên không gian mạng mà phải trải qua một quá trình, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của con người trong từng thời điểm, đồng thời phụ thuộc vào phương tiện thực hiện. Ví dụ: quyền tiếp cận thông tin, quyền trao đổi thông tin trên không gian mạng có từ rất sớm nhưng quyền kinh doanh trực tuyến hay học tập trực tuyến mới phổ biến gần đây ở Việt Nam (trong đại dịch Covid-19 quyền này được áp dụng khá rộng rãi). Điều này cũng do sự thay đổi dần trong nhu cầu hàng ngày của con người và do bối cảnh nhất định và cũng cần có điều kiện thực hiện (có Smartphone, máy tính, ipad…). Trong khi đó, ở không gian ngoại tuyến, các quyền con người luôn hiện hữu và thiết yếu, không phụ thuộc vào các phương tiện công nghệ thông tin.

Thứ tư, không gian mạng không phải là nơi có thể truyền tải và thực hiện tất cả các quyền con người, đặc biệt là những quyền gắn với nhân thân, tức là, không thể có sự trùng khớp hoàn toàn giữa việc thực hiện quyền con người trên không gian trực tuyến và không gian ngoại tuyến. Để lý giải điều này, trở lại cốt lõi, bản chất của quyền con người là phẩm giá. Phẩm giá là giá trị tinh thần cao quý riêng của một con người, thể hiện qua thái độ và hành vi ứng xử của cá nhân trong các mối quan hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, mang giá trị về mặt văn hóa, đạo đức trong lối sống của mỗi người. Nói đến quyền con người mà không nói đến phẩm giá có nghĩa là đã làm mất đi giá trị cốt lõi của quyền. Chính vì phẩm giá nên tính tự quyết định đối với quyền của mỗi người rất được đề cao, nó cũng thể hiện tính thiêng liêng, cao quý đối với mỗi người. Con người đến với nhau dựa trên tình cảm, sự yêu thương, gắn bó, tự mình quyết định các quyền của mình, trong khi đó trên không gian mạng vẫn có yếu tố ảo, sự cắt ghép, sự sai lệch, sự xa cách nhất định mà thông qua đó, con người không thể truyền tải, thể hiện được hết tâm tư, tình cảm, thái độ, biểu cảm của mình để có quyết định đúng đắn nhất. Theo quy định của pháp luật, vẫn có những quyền mà con người có thể ủy quyền cho người khác thực hiện hộ mình (ví dụ: quyền về tài sản) nhưng cũng có những quyền không thể ủy quyền (quyền nhân thân như kết hôn, ly hôn, quyền nuôi dưỡng con, bố mẹ, ông bà). Do đó, có những quyền về nhân thân càng không thể và không nên thực hiện trên không gian mạng, chẳng hạn như quyền đăng ký kết hôn và quyết định ly hôn. Vợ, chồng phải trực tiếp đến Tòa án thể hiện quan điểm, thái độ, ý chí của mình mà không thể qua không gian mạng. Vì vậy, pháp luật cần có sự cân nhắc khi quy định cho phép thực hiện quyền nào trên không gian mạng.

Thứ năm, các quyền con người trên không gian mạng (trực tuyến) cần được bảo vệ như trên thực tế (ngoại tuyến). “Khẳng định đầu tiên của tôi là không có gì cản trở ngôn luận, nếu chúng ta trình bày đúng quan điểm của chúng ta mà không vi phạm. 29 nội dung Bộ luật Hình sự cấm, thì trên “không gian mạng” cũng phải cấm. Không thể nào đe dọa giết người trên mạng lại được tự do, trong khi đó đe dọa giết người ở đời thực thì bị bắt. Tương tự, không thể nào kích động biểu tình ngoài đời bị xử lý còn trên mạng thì không…”[16].

Thứ sáu, việc thể hiện và thực hiện, bảo đảm các quyền con người trên không gian mạng cần phải có các công cụ, phương tiện hỗ trợ như điện thoại thông minh, máy tính, mạng wifi 3G, 4G mà không phải ai cũng có đầy đủ điều kiện để thực hiện và không phải ai cũng có thể tiếp cận như nhau (khác nhau về trình độ, nhận thức, cần có kỹ năng, hiểu biết về các thao tác, tính năng, công dụng của phương tiện…). Chẳng hạn, trong thời gian phòng chống dịch bệnh Covid, học sinh học tập trực tuyến, không phải gia đình nào cũng có đủ điện thoại thông minh và máy tính, ipad để các con thực hiện quyền học tập, nhất là đối với những gia đình có từ 2 con trở lên. Khi có đủ phương tiện thì đối với các học sinh lớp 1,2 nếu không có người lớn kèm cặp thì các con cũng không thể sử dụng được hết các chức năng của các ứng dụng học trực tuyến.

Thứ bảy, luôn nhấn mạnh trách nhiệm và nghĩa vụ khi thực hiện quyền con người trên không gian mạng. Quyền tự do ngôn luận và biểu đạt trên internet là hạt nhân của tự do internet, nhưng luôn kèm theo đó là những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt kèm theo, đó là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do của các cá nhân, chủ thể khác có liên quan. Bảo đảm nguyên tắc tương xứng và cân bằng, phát triển không gian mạng phải trong mối tương quan với tôn trọng các quyền, uy tín của người khác và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức và sức khỏe cộng đồng. Do đó, mọi hình thức tuyên truyền cho chiến tranh, mọi chủ trương gây thù hằn dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt, đối xử về chủng tộc, sự thù địch, hoặc bạo lực”[17] và “tất cả những hình thức tuyên truyền đe dọa thực hiện hành động xâm lược hay phá hoại hòa bình trái với Hiến chương Liên hợp quốc”[18] trên không gian mạng đều bị nghiêm cấm.

Việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận được cho là liên quan đến các biện pháp bảo vệ thực tiễn chống lại các hạn chế được đặt trên các trang web và các nền tảng khác như blog, nhà cung cấp dịch vụ và công cụ tìm kiếm. Bất kỳ hạn chế nào đều phải được đặt trong sự cân bằng giữa quyền tự do ngôn luận với các quyền con người khác”[19].

Thứ tám, những vi phạm quyền trên không gian mạng phức tạp và khó lường hơn nhiều so với trên thực tế. Các hành vi vi phạm quyền con người trên không gian mạng ngày càng đa dạng, phức tạp và tinh vi, khó kiểm soát (xâm phạm mạng an ninh quốc gia, ngân hàng, quốc phòng, hệ thống điều khiển máy bay…). “Một mặt, internet và các công nghệ truyền thông kỹ thuật số có liên quan được trình bày như là cách mạng, giải phóng và thậm chí là các công cụ cho dân chủ hóa và thương hiệu quốc tế tự do. Mặt khác, internet đại diện cho tình trạng quá tải thông tin,  sự “xâm lấn” dữ liệu lớn, sự “riêng tư hàng loạt” và vi phạm bản quyền…”[20].

Thứ chín, vấn đề tự do internet hay không gian mạng luôn gắn chặt chẽ với vấn đề quyền con người, không gian mạng càng phát triển thì giới hạn, phạm vi của một số quyền như quyền riêng tư, bí mật cá nhân dường như càng bị thu hẹp lại hoặc trong trạng thái bị đe dọa xâm phạm hoặc sự bí mật, riêng tư và sự tiết lộ có giới hạn ngày càng mong manh, mặc dù các nhà sáng chế, các nhà mạng luôn cố gắng tìm ra các phương cách để bảo mật, nhưng trong thời đại nào cũng vậy, có những người giỏi tích cực nhưng cũng có những trí tuệ nhưng theo hướng tiêu cực, phá hoại trật tự chung, phát hoại, xâm hại quyền, lợi ích của quốc gia, thể nhân và cá nhân.

Thứ mười, việc quản lý việc thực hiện quyền con người trên không gian mạng có những khác biệt và những thách thức khó khăn hơn. Trách nhiệm của các quốc gia là phải vừa bảo đảm được quyền con người, vừa bảo đảm được các lợi ích khác trong quá trình hiện thực hóa các quyền con người đó, tạo ra sự cân đối, phù hợp giữa an ninh mạng và bảo đảm các quyền con người. Quyền con người dù trực tuyến hay ngoại tuyến cũng có giới hạn nhất định nhằm hài hòa các quyền, lợi ích trong xã hội. C. Mác chỉ rõ: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất của con người là tổng hòa của những mối quan hệ xã hội”. Như vậy, không thể tuyệt đối hóa các lợi ích cá nhân mà phải gắn, xây dựng và phát triển nó trong mối tương quan với các lợi ích của các chủ thể khác trong xã hội, ở phạm vi hẹp là các cá nhân, tập thể khác và phạm vi rộng lớn hơn là ở phạm vi quốc gia, quốc tế. phát triển công nghệ kỹ thuật số nhưng phải bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh con người.

Thứ mười một, không gian mạng là một môi trường xã hội có sự phát triển và biến đổi cực kỳ nhanh và khó lường, vì vậy công cụ điều chỉnh hữu hiệu của nhà nước là pháp luật đòi hỏi phải sự nhạy bén, có tính dự báo rất cao. Trong quá trình xây dựng và ban hành pháp luật, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà làm luật, các nhà khoa học về quyền con người và các chuyên gia về không gian mạng và bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế về quyền con người.

[1] Wolfgang Benedek (Chủ biên): Tìm hiểu về quyền con người, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2008,  tr.32.

[2]  Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu quyền con người: Các văn kiện quốc tế về quyền con người,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.93.

[3]  United National: Human Rights: Questions and Auswers, New York and Geneva, 2006, tr.4.

[4] Sđd, tr.4.

[5]   UNIFEM: CEDAW Thiết lập lại quyền cho phụ nữ, Hà Nội, 2006, tr.15.

[6] Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[7] Oxford Dictionary

[8] https://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%C3%B4ng_gian_m%E1%BA%A1ng

[9] http://vtvnet.net/internet-la-gi-loi-ich-cua-internet-trong-cuoc-song.html

[10] Nghị quyết số 20/8 (ngày 05/7/2012) về thúc đẩy, bảo vệ và hưởng thụ quyền con người trên internet

[11] Nghị quyết số 32/L.20 ngày 27/7/2016 về việc thúc đẩy, bảo vệ và hưởng thụ quyền con người trên internet

[12] Nghị quyết 70/125 ngày 16/12/2015  về đánh giá chung về việc thực hiện các kết quả của Hội nghị cấp cao thế giới về xã hội thông tin

[13] Nghị quyết 70/125 ngày 16/12/2015  về đánh giá chung về việc thực hiện các kết quả của Hội nghị cấp cao thế giới về xã hội thông tin

[14] https://ec.europa.eu/info/aid-development-cooperation-fundermental-rights/your-rights-eu/eu-charter- fundermental -rights-en.

[15] Quy chế Liên minh châu Âu 2015/2120

[16] Trung tướng Hoàng Phước Thuận; http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/quyen-va-trach-nhiem-tren-khong-gian-mang-301918.html.

 

[17] Điều 3 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966

[18] Bình luận chung số 11 thông qua tại phiên họp lần thứ 19 năm 1983 của Ủy ban Nhân quyền

[19] Daniel Joyce: Internet Freedom and Human Rights, European Journal of International Law, Volum 26, Issue 2, 1 May 2015, p.493-514.

[20] Johns: The Deluge, 1 London Review of International Law, 2013, p.9

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *