Sáng 18/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành, các đơn vị liên quan nhằm tiếp tục bàn các giải pháp ứng phó với bão số 1.

 Phó Cục trưởng Cục quản lý đề điều và Phòng, chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại cuộc họp

Thông tin tại cuộc họp cho biết: Hồi 4h00 ngày 18/7, tâm bão cách Móng Cái (Quảng Ninh) 140km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 14.

Dự báo, trong 12h tới, bão di chuyển hướng Tây Tây Bắc, với tốc độ 20km/h, đổ bổ trên khu vực đất liền các tỉnh Đông Bắc của Bắc Bộ và suy yếu dần; cường độ cấp 7, giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm trong 12h tới: phía Bắc vĩ tuyến 19 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 112 độ Kinh Đông. Gió thực đo lúc 07h ngày 18/7: Bạch Long Vĩ: cấp 7, giật cấp 10 ; Cô Tô, Cửa Ông: Cấp 4.

Dự báo, từ ngày 18-19/7, ở khu vực Đông Bắc, Việt Bắc có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 180-280mm, cục bộ có nơi trên 400mm; khu vực Tây Bắc, vùng đồng bằng Bắc Bộ có mưa to với tổng lượng mưa từ 100-200mm; Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-120mm.

Ngày và đêm 18/7, Vùng biển phía Nam của khu vực Bắc Biển Đông, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; Nam vịnh Bắc Bộ, Vịnh Thái Lan và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.

Triển khai ứng phó với bão, theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 5h00 ngày 18/7, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn khu vực từ Quảng Ninh đến Ninh Bình với 12.668 phương tiện/29.812 lao động biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Tất cả các tàu đã vào nơi neo đậu hoặc di chuyển đến vị trí trú tránh.

Về tàu vận tải, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 183 tàu biển và 259 phương tiện thuỷ nội địa đang hoạt động; các phương tiện đã nhận được thông tin về bão số 1 để có phương án đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản 119.803ha, 3.154 lều, chòi canh, 22.973 lồng/bè; hầu hết các địa phương đã hoàn thành sơ tán dân trên lồng bè.

Về tình hình du lịch trên các đảo, tính đến 7h00 ngày 18/7, tại Quảng Ninh, Hải Phòng còn 2.577 khách du lịch lưu trú trên các tuyến đảo (Quảng Ninh 606 người, Hải Phòng 1.971 người). Chính quyền địa phương đã chỉ đạo tổ chức bố trí nơi lưu trú an toàn cho du khách.

Thành phố Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch sơ tán 8.691 người dân khu vực xung yếu (chung cư cũ, khu vực ngoài đê, vùng trũng thấp ven biển,…) tuỳ theo diễn biến thực tế cơn bão.

Bên cạnh đó, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo do Thứ trưởng – Phó trưởng Ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác sẵn sàng ứng phó với bão tại Quảng Ninh.

Các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng lực lượng, phương tiện kịp thời xử lý khi có tình huống. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thành các công trình đê điều đang thi công. Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai có văn bản chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai ứng phó với bão để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

Cục Hàng không Việt Nam đã có công điện đề nghị dừng tiếp nhận máy bay trong ngày 18/7, tại các sân bay: Nội Bài (từ 11h đến 20h), Cát Bi (từ 9h đến 19h), Vân Đồn (từ 9h đến 19h). Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã gửi tin nhắn Zalo tới hơn 8 triệu thuê bao tại các địa phương có khả năng ảnh hưởng của bão để hướng dẫn các kỹ năng ứng phó với bão.

Tại các địa phương, các tỉnh, thành phố đã có công điện, văn bản chỉ đạo các Sở, ngành triển khai các biện pháp ứng phó với bão, trong đó chỉ đạo các biện pháp ứng phó cả trên tuyến biển và đất liền. Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra tình hình thực tế, công tác ứng phó với bão số 1 tại cơ sở; kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền di chuyển tránh, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú,…

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục quản lý đề điều và Phòng, chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành tập trung, chủ động trong ứng phó bão số 1. Trên tuyến biển, đảo, các cơ quan chức năng phối hợp với địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông tin cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, đặc biệt là các tàu thuyền hoạt động ở khu vực vịnh Bắc Bộ; quản lý chặt chẽ, cấm các phương tiện ra khơi, nhất là tàu cá, tàu du lịch; kiểm tra, hướng dẫn và có biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu; kiên quyết không cho người dân quay trở lại trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản khi bão chưa tan; đảm bảo an toàn đối với khách du lịch lưu trú trên các đảo, thông báo, tuyên truyền không để khách du lịch hiếu kỳ ra bờ biển đón bão tránh tai nạn đáng tiếc.

Đối với khu vực đồng bằng, ven biển, tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán dân ra khỏi các nhà yếu, không đảm bảo an toàn, khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập sâu ở cửa sông, ven biển; sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập lụt đối với các khu vực đô thị, khu vực công nghiệp, nhất là địa bàn các tỉnh, thành phố thường xảy ra ngập lụt khi có mưa lớn như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng…

Đồng thời kiểm tra việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ để tránh những thiệt hại đáng tiếc về người do cây đổ, mái tôn bay…

Ông Nguyễn Văn Tiến lưu ý, các tỉnh khu vực miền núi cần chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra lũ quét, sạt lở đất, chia cắt. Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, không để xảy ra sự cố gây thiệt hại về người khi có mưa lớn; kiểm tra, rà soát, chủ động các biện pháp ảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du. Bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành, điều tiết và xử lý các tình huống; kiểm tra, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.

Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ. Các Bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan, triển khai hiệu quả công tác ứng phó với bão, mưa lũ,…/.