Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
44728

Sân khấu: Tiếp cận công chúng theo phương thức mới 

Có thể nói, sân khấu là một trong những lĩnh vực văn hóa văn nghệ chịu hậu quả nặng nề từ COVID-19. Vốn đã là một ngành mang trên mình không ít khó khăn, lại ở trong bối cảnh chung đó, sân khấu Việt Nam lại càng gian nan. Tuy nhiên, vượt lên trên những khó khăn chồng chất, trong năm 2020, những người làm sân khấu đã lập được không ít thành tựu, ghi được những dấu ấn cả bề nổi lẫn chiều sâu. Trước những khó khăn do dịch bệnh, các đơn vị đều bền bỉ tìm cách vượt qua. Các nghệ sĩ tìm cách đưa nền tảng số vào sân khấu, lập các kênh Youtube cho sân khấu trực tuyến. Ở góc độ nào đó, dịch bệnh là sự nhắc nhở các nghệ sĩ cần có thêm cách tiếp cận công chúng theo phương thức mới cũng như cần có những chương trình quảng bá, kích cầu bằng việc giảm giá vé, khuyến mại đưa khán giả đến với sân khấu nhiều hơn. Chính vì thế, chỉ ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, các hoạt động của ngành sân khấu Việt Nam lại diễn ra tưng bừng hơn bao giờ hết. 

Chưa có năm nào, hoạt động tìm kiếm diễn viên tài năng trẻ lại rầm rộ như năm nay. Các cuộc thi tìm kiếm tài năng liên tiếp được tổ chức ở mọi lĩnh vực từ Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói, dân ca… Không chỉ có vậy, các Liên hoan sân khấu hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân, Liên hoan sân khấu Thủ đô… đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật. Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân có tới 27 đoàn tham gia với nhiều loại hình đa dạng của các đơn vị sân khấu công lập và dân lập. Liên hoan sân khấu Thủ đô với 13 vở diễn của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật tham dự cùng hơn 700 nghệ sĩ, diễn viên. Điều đó cho thấy sự trở lại ngoạn mục của sân khấu Việt Nam sau thời gian tạm nghỉ vì COVID-19. Đặc biệt, từ những Liên hoan này, người yêu sân khấu nhận thấy các vở diễn đa dạng về đề tài, được dàn dựng kỹ lưỡng, chất lượng nghệ thuật khá tốt. Có những vở diễn mới và cả những vở được dựng lại nhưng vẫn mang hơi thở thời đại mới. Các yếu tố đương đại được đưa vào tác phẩm tạo hiệu ứng tốt cho giới làm nghề và khán giả. Liên tiếp các liên hoan tài năng trẻ thuộc các lĩnh vực như Tuồng, Chèo, Cải lương, kịch nói toàn quốc được tổ chức mang đến niềm hi vọng từ những thế hệ kế cận.

Sân khấu phía Nam cũng luôn cho thấy sự nỗ lực vượt khó của mình. Sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn liên tục có vở mới dù gặp không ít khó khăn chung và riêng. Sân khấu IDECAF tiếp tục khẳng định thương hiệu bằng cơn sốt từ những vở diễn “Cậu Đồn”, “Người lạ người thương rồi người dưng” với yếu tố lạ khi đưa ban nhạc sống vào vở diễn. Sân khấu 5B mặc dù đối diện với bù lỗ nhưng vẫn không để khán giả “đứt bữa” bằng những vở diễn như “Bồ công anh ”, “Công lý như mặt trời”, chùm hài kịch ngắn tối thứ năm hàng tuần và chương trình dành cho thiếu nhi vào sáng thứ 7 và Chủ nhật.

Đặc biệt, sân khấu phía Bắc đã tạo được điểm nhấn với sự hoạt động mạnh mẽ, tích cực của đơn vị nghệ thuật xã hội hóa như Lucteam, Sân khấu Lệ Ngọc. Trong đó sân khấu Lệ Ngọc đã dựng tới 6 vở diễn trong năm, tổ chức những đợt “Nam tiến ” thành công với hàng chục đêm diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đội ngũ nghệ sĩ sân khấu Việt cũng cho thấy sự dám nghĩ, dám làm khi thực hiện dự án “khủng” như “Huyền thoại sử Việt” (4 tác phẩm về Tứ bất tử của người Việt), là sự hợp tác giữa Nhà hát Cải lương Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Đồng thời cũng cho ra mắt thử nghiệm sân khấu kết hợp giữa cải lương và xiếc, cải lương và jazz, đưa các ca khúc hit vào kịch nói…

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *