Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
43371

Quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam Kỳ 4: Người dân Việt Nam nói gì?

 

Ngày 07/2/2021, USCIRF công bố “Báo cáo cập nhật về tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam năm 2021” bên cạnh ghi nhận một số điểm tích cực về chính sách và thực hiện chính sách tôn giáo của Việt Nam thời gian qua nhất sau khi Việt Nam triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng tôn giáo, tuy nhiên tổ chức này tiếp tục đưa ra các nhận định thiếu khách quan, sai lệch về tình hình tôn giáo Việt Nam.

Không nghe những điều kẻ xâu dụ dỗ để chống phá đất nước

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

ở Mường Nhé, mảnh đất ở cực Tây của Tổ quốc thuộc tỉnh Điện Biên – nơi mà hơn 10 năm trước được biết đến với vụ bạo động, đòi thành lập “Vương quốc Mông” bất thành…, việc sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của bà con rất thuận lợi.

Nếu như trước đây, thời gian sinh hoạt tập trung của các điểm nhóm Tin lành phải từ 20-25 năm trở lên thì nay, chỉ cần 5 năm sinh hoạt liên tục, thường xuyên, cộng thêm một số điều kiện khác là đã được đăng ký. Thậm chí, Mường Nhé còn là một trong những huyện thành công nhất ở Điện Biên trong việc cấp phép cho các điểm nhóm Tin lành.

Nói về việc này, ông Giàng Hồng Sinh, người phụ trách trực tiếp giảng đạo ở điểm nhóm Tin lành thuộc bản Sima 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé cho biết, bà con rất phấn khởi, biết ơn Đảng và Nhà nước khi được cùng nhau tề tựu, sinh hoạt tôn giao tại căn nhà gỗ khang trang hơn 150m2. Mỗi buổi sinh hoạt, bà con đến rất đông đủ để nghe giảng về lòng yêu kính Chúa, yêu thương con người, chăm chỉ làm ăn, không vi phạm pháp luật.

Còn ở tỉnh Gia Lai, đặc biệt là huyện Đak Đoa, nơi có đông đồng bào thiểu số theo tôn giáo và từng tham gia nhiều hoạt động liên quan đến Tin lành Degar, sinh hoạt tôn giáo của bà con cũng luôn được quan tâm, tạo điều kiện. Chính vì thế mà nơi đây đã chứng kiến rất nhiều người từng sa chân, lỡ bước nghe theo lời của những kẻ xấu xúi giục nhưng sau đó tỉnh ngộ, quay trở về quê hương làm ăn sinh sống.

Ông Y Bome (người Ba Na, 65 tuổi) ở làng Rai, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa là một nhân chứng sống. Hoạt động cho Fulro từ trước năm 1975, sau khi Gia Lai được giải phóng, ông Y Bome đã bị bắt đưa đi cải tạo nhưng lại trốn trại và tiếp tục hoạt động Fulro cho đến năm 1999 thì nhận sự chỉ đạo từ đối tượng Ksor Kơk ở Mỹ, kêu gọi người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai tổ chức biểu tình tại Pleiku với số lượng rất đông. Sau sự kiện ngày 2/2/2001, ông bị bắt với tội danh “Phá rối an ninh”. Theo tài liệu của cơ quan chức năng, các tổ chức phản động đã dựng nhân vật này thành “Tỉnh trưởng Gia Lai” của cái gọi là “Nhà nước Degar tự trị”.

Ông Y Bome với vườn cafe của mình

Ngày 6/3/2012, sau hơn 11 năm chấp hành án phạt, ông Y Bome trở về quê hương, quyết tâm gây dựng lại cuộc sống. Giờ đây, khi nói về những trải nghiệm cay đắng đó, ông Y Bome vẫn hối hận, chỉ mong sao ngày càng có nhiều người hiểu được và tránh xa những suy nghĩ lệch lạc sai trái mà những kẻ xấu dụ dỗ để không lầm đường, lạc lối.

“Các dân tộc ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, nếu 54 dân tộc, ai cũng muốn xé đất nước ra để thành lập nhà nước riêng thì làm sao có đất để ở. Tranh giành nhau đất đai thôi cũng sẽ bất ổn, đất nước không thể phát triển. Tốt hơn hết là đừng nghe những điều họ nói”, ông Y Bome tâm sự.

Mọi người dân Việt Nam đều tự do thực hiện quyền tôn giáo, tín ngưỡng 

Những đánh giá tiêu cực về tự do tôn giáo ở Việt Nam trong bản phúc trình của USCIRF đã không phản ánh đúng bản chất vấn đề cũng như tâm tư nguyện vọng của người dân Việt Nam. Các tôn giáo chung sống hòa hợp, gắn bó đồng hành với dân tộc. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia phong trào xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước…

Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân

Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân được thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo, đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.

Thời gian qua Nhà nước Việt Nam chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về tôn giáo. Luật tín ngưỡng và tôn giáo có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 theo hướng dẫn đảm bảo tốt hơn quyền con người và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh hoạt tôn giáo của người dân.

Hàng năm, trong cả nước có hơn 8.500 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức. Các hoạt động tôn giáo diễn ra sôi động trên khắp cả nước; nhiều hoạt động, sinh hoạt tôn giáo lớn được tổ chức trang trọng, thu hút hàng trăm ngàn lượt người tham dự. Các tổ chức tôn giáo được phép thành lập trường đào tạo, mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo để đáp ứng nhu cầu đào tạo của tôn giáo. Hiện nay, ở Việt Nam có 53 cơ sở đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo. Một số cơ sở được phép đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Ngoài ra, chính quyền các địa phương còn tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo mở các khoá đào tạo, bồi dưỡng thần học, giáo lý cho hơn 10.000 người mỗi năm.

Tính đến nay, hầu hết các cơ sở thờ tự của các tôn giáo (hơn 20.000 cơ sở thờ tự, chiếm 80%) được sửa chữa, nhiều cơ sở thờ tự được xây mới. Bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch số 1646/TTLT-TCĐC-TGCP, ngày 30/10/2000 về hướng dẫn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích đất cơ sở tôn giáo đang sử dụng. Tại các địa phương, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo được thực hiện đúng pháp luật. Nhiều tỉnh, thành phố giao đất với diện tích phù hợp cho các tổ chức tôn giáo, như: TP. Hồ Chí Minh đã giao 7.500 m2 đất cho Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện Thánh kinh thần học; tỉnh Thừa Thiên Huế giao 20 ha đất cho Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế sử dụng; TP. Đà Nẵng giao 6.000 m2 đất cho Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam sử dụng; TP. Hà Nội giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam khoảng 11ha đất để xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội…

Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện in ấn, phát hành kinh sách, đồ dùng việc đạo phục vụ hoạt động tôn giáo. Từ năm 2013 đến nay, đã có gần 6 ngàn xuất bản phẩm tôn giáo được xuất bản, hơn 19 triệu bản in; nhiều xuất bản phẩm được in bằng nhiều ngôn ngữ: Anh, Pháp, tiếng dân tộc; 15 tờ báo, tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động; phần lớn các tổ chức tôn giáo (kể cả tổ chức tôn giáo trực thuộc) có Website riêng.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer tại TP. Cần Thơ để đáp ứng nhu cầu đào tạo của tu sỹ Phật giáo Nam tông Khmer. Kinh sách của các tổ chức tôn giáo đã được phép xuất bản bằng 13 thứ tiếng dân tộc. Năm 2020, có 5.000 bản in Kinh thánh bằng tiếng Ê đê, 3.000 bản in Kinh Thánh tiếng Jrai. Tại khu vực các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước hiện có khoảng  583.000 tín đồ (97% là đồng bào dân tộc thiểu số) sinh hoạt tôn giáo tại hơn 2.000 Hội thánh, điểm nhóm. Tại khu vực miền núi phía Bắc có hơn  230.000 tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số sinh hoạt tôn giáo tại 1.640 Hội thánh, điểm nhóm.

Hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo ngày càng được mở rộng. Hàng năm, có hàng trăm đoàn của tổ chức, cá nhân tôn giáo ở trong nước tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài; nhiều chức sắc nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam: Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa Minh thế giới tại Đồng Nai; Tin lành kỷ niệm 100 năm đạo Tin lành truyền vào Việt Nam; Giáo hội Phật giáo tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc năm 2019 tại Việt Nam đã thu hút sự tham dự của 3.000 đại biểu, trong đó có 1650 đại biểu khách quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, 250 kiều bào là tăng ni sinh từ 40 quốc gia, trên dưới 20.000 lượt tăng ni, phật tử tham dự các hoạt động bên lề của đại lễ và được dư luận quốc tế đánh giá cao.

Các tôn giáo chung sống hòa hợp, gắn bó đồng hành với dân tộc

Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội hóa về y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo, góp phần đáng kể vào công tác an sinh xã hội, giảm gánh nặng cho Nhà nước, cụ thể: thành lập trên 450 cơ sở y tế; gần 1.300 trường, lớp mầm non, trên 50 cơ sở dạy nghề; 800 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần, HIV/AIDS. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia tích cực và hiệu quả trong hoạt động y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện nhân đạo, đã mở nhiều phòng khám và tổ chức cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân không chỉ là tín đồ, phật tử mà còn cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn khi họ bị bệnh tật, yếu đau.

Năm 2020, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình cứu trợ, nổi bật là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, đoàn Chủ tịch Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi ủng hộ nguồn lực cho phòng chống dịch bệnh Covid-19, tăng ni, phật tử các chùa đã ủng hộ trang thiết bị y tế, phòng áp lực âm tại các bệnh viện đa khoa, trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC các tỉnh thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Ninh, Tp Hồ Chí Minh; ủng hộ tiền, nhu yếu phẩm cho các bệnh nhân, những người bị nghi lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung, các y bác sỹ, các chiến sỹ quân đội, công an, lực lượng tình nguyện nơi tuyến đầu phòng chống dịch với số quà và tiền trị giá ước tính hàng ngàn tỷ đồng; tham gia ủng hộ cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt và sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung, không phân biệt là người có đạo hoặc không có đạo, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp, nhân văn, bác ái của các tôn giáo.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt biểu dương các chức sắc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tại thành phố Đà Nẵng. Tại cuộc gặp mặt, các tôn giáo bày tỏ sự nhất trí đồng thuận với Đảng, Nhà nước và mong muốn được đóng góp công sức trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền lãnh thổ. Đại diện chức sắc Hội thánh Cao Đài phát biểu “Bàn thờ tôn giáo có nhiều nhưng bàn thờ Tổ quốc có một”… khẳng định sự đoàn kết, đồng lòng của tôn giáo phản bác luận điệu xuyên tạc của thế lực xấu.

Do đó, có thể khẳng định rằng những cáo buộc sai sự thật của USCIRF và các tổ chức lưu vong người Việt sẽ không thể thay đổi được sự thật về những thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong việc đảm bảo các quyền tự do tín ngưỡng cho người dân mà cộng đồng quốc tế đã thừa nhận

H.Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *