Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
45353

Quyền được tiếp cận bản dịch đúng

 

Vốn là một kĩ sư được đào tạo tại Nga, nhiều năm làm việc trong các tập đoàn kinh tế lớn, am hiểu tiếng Nga, tiếng Anh, dịch giả Thiên Lương từ sau khi khởi xướng việc nhặt lỗi của bản dịch Lolita, đã thực sự chuyên tâm vào công việc dịch thuật với mong muốn trước hết, để người đọc được tiếp cận với các bản dịch đúng, chính xác. Trong chưa đầy 10 năm, Thiên Lương đã có tới 10 đầu sách dịch, toàn của các tác giả bậc thầy thế giới về ngôn ngữ như Nabokov, Oscar Wilde, James Joyce… Tác hại của dịch sai hết sức nguy hiểm với nhận thức chung khi làm giảm cơ hội tiếp cận các thông điệp tầm nhân loại từ các tác phẩm thuộc hàng kinh điển. Và lỗi kiến thức nền đó đã khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc hội nhập, giao tiếp với thế giới bên ngoài…

Những “thảm họa dịch thuật” còn âm ỉ tồn tại trong xã hội, nên sự ra đi của dịch giả Đoàn Tử Huyến khiến cộng đồng càng cảm giác mất mát. Không chỉ dịch sách, dịch giả Đoàn Tử Huyến còn tổ chức, duy trì hoạt động của Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, một địa chỉ uy tín cho công chúng yêu văn hóa đọc. Từ thực trạng dịch thuật, nhiều dịch giả đã kiên quyết đặt vấn đề: Phải chấm dứt ngay lối nghĩ nông cạn, sách dịch cần hay, cần dễ đọc và thay bằng đòi hỏi: phải đúng và chính xác. Thực tế thì các tác phẩm kinh điển thường rất khó dịch, đòi hỏi người dịch không chỉ giỏi ngôn ngữ của tác giả, giỏi tiếng Việt mà còn phải giàu trữ lượng kiến thức về triết học, nghệ thuật, văn học… để hiểu được các siêu liên kết có trong tác phẩm. Tổ chức dịch, xuất bản các tác phẩm kinh điển trong kho tàng tri thức nhân loại (không chỉ sách văn học) là đòi hỏi cấp bách hiện nay. Dịch giả Thiên Lương đề xuất: “Có lẽ, nhà nước nên đầu tư vào dự án này vì sẽ phải huy động nguồn lực rất lớn, nhiều tác phẩm sẽ rất khó bán, nên các công ty tư nhân sẽ không mặn mà và cũng không đủ tiền cho một dự án như vậy”.

Một thực tế lạc quan, không hẳn như những kêu ca về thực trạng văn hóa đọc ở Việt Nam, số đầu sách đang được in, xuất bản nhiều hơn, trình bày đẹp hơn. Người đọc mê sách không còn phải dán mắt vào các trang giấy đen sì, sần sùi, chữ nhỏ li ti dưới ánh đèn điện hoặc đèn dầu leo lét, mà ngoài sách in giấy truyền thống, đã có nhiều công cụ hiện đại để đưa xuất bản phẩm tới độc giả. Nhu cầu đọc, tìm hiểu, tiếp xúc với trí tuệ nhân loại được sàng lọc, lưu giữ từ hàng nghìn năm qua luôn hiện hữu trong đời sống tinh thần của người Việt. Để người đọc không quay lưng với sách dịch, để người đọc có thêm nhiều cơ hội tốt, quy trình xuất bản tác phẩm dịch thuật phải nghiêm ngặt, kín kẽ và quy chuẩn hơn, từ khâu dịch, thẩm định bản dịch đến những công đoạn cuối cùng là cấp phép, in ấn…

“Có thực mới vực được đạo” – nhuận bút cho việc việc dịch thuật cũng cần được tính toán, áp dụng linh hoạt, chứ không nên máy móc khô cứng. Theo các dịch giả, để hiểu một từ tiếng Anh, người dịch có khi phải đọc hàng chục, hàng trăm trang sách, chứ không đơn thuần chỉ là tra cứu từ điển, vậy nhưng mức chi trả nhuận bút lại dùng cách đếm chữ cơ học, khó lòng níu chân được những người tài dốc lòng, dốc sức cho công việc luôn đòi hỏi nguồn tri thức khổng lồ lẫn trình độ chuyên môn bậc cao…

KHÁNH LAM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *