Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
4530

Pháp luật về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam hiện nay (bài 1)

Ở Việt Nam, người khuyết tật là một trong những nhóm đối tượng xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong quá trình phát triển. Hỗ trợ người khuyết tật khắc phục khó khăn, hòa nhập xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước là trách nhiệm pháp lý của Nhà nước, xã hội. Để tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ người khuyết tật, Nhà nước đã ban hành và từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý toàn diện thực hiện mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

Tháng 6/2010, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Người khuyết tật. Điều 3 của Luật Người khuyết tật cũng đã phân loại 06 dạng tật (bao gồm: khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác) với 03 mức độ (nhẹ – nặng – đặc biệt nặng). Việc phân loại khuyết tật như trên làm cơ sở cho xây dựng, thực hiện chính sách hỗ trợ phổ quát, phù hợp với mức độ khuyết tật, bảo đảm công bằng, bình đẳng trong thụ hưởng chính sách và các quyền của người khuyết tật.

 

Các đồng chí lãnh đạo tặng quà cho tấm gương thanh niên khuyết tật tại Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023.

 

Luật Người khuyết tật (Điều 9) khẳng định vai trò của các tổ chức của người khuyết tật, vì người khuyết tật trong việc tham gia xây dựng, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật. Nghị định 126/2024/NĐ-CP (Điều 7) (thay thế Nghị định 45/2010/NĐ-CP) quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội: khuyến khích, tạo điều kiện để các hội tham gia cung cấp dịch vụ, tham gia tư vấn, phản biện chính sách, chương trình, dự án, đề tài và các hoạt động khác; hỗ trợ kinh phí gắn với nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao; cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước.

 

Như vậy, việc hoàn thiện chính sách pháp luật; trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật; cải thiện điều kiện sinh hoạt; y tế – giáo dục; giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế, tiếp cận giao thông… là những kết quả rõ nét cho thấy Việt Nam luôn hướng đến người khuyết tật với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.

 

Về chính sách pháp luật: Tại kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua 7 đạo luật trong đó có lồng ghép các quy định để bảo vệ quyền của người khuyết tật, gồm: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (9-1-2023), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (20-6-2023), Luật Hợp tác xã (20-6-2023), Luật Phòng thủ dân sự (20-6-2023), Luật Đấu thầu số (23-6-2023), Luật Tài nguyên nước số (27-11-2023), Luật Nhà ở (27-11-2023).

 

Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24-11-2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22-8-2023 của Ban Bí thư cũng đưa ra quy định duy trì tối đa hoạt động phục hồi chức năng, phòng ngừa và giảm tình trạng khuyết tật phù hợp với môi trường sống của họ, tuyên truyền phòng ngừa khuyết tật, bệnh tật; ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh và bố trí ngân sách nhà nước đối với người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng; bảo vệ quyền lợi người khuyết tật là người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; tiêu chí thụ hưởng chính sách, ưu tiên số lượng thành viên là người khuyết tật nhiều hơn;

Bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch, ưu tiên người khuyết tật trong hoạt động phòng thủ quân sự, cứu trợ khắc phục thiệt hại; ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu đối với các nhà đầu tư có sử dụng 25% lao động là người khuyết tật trở lên; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người khuyết tật; thực hiện hỗ trợ ưu tiên người khuyết tật trong trường hợp các đối tượng có cùng tiêu chuẩn và điều kiện; các chung cư phải có chỗ để xe cho người khuyết tật trong khu vực đỗ xe của cư dân…

 

 

 

 

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các nghị quyết, quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TW, Chỉ thị số 39-CT/TW và Kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, điều chỉnh chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật như: chính sách trợ cấp xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm, miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông…

 

 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ người khuyết tật trên thế giới chiếm khoảng 8 – 10% dân số. Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, người khuyết tật chiếm 20% trong số người nghèo nhất trên thế giới. Người khuyết tật được coi là một trong những nhóm thiểu số lớn nhất thế giới và cũng là một trong những nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Tình trạng khuyết tật khiến họ gặp nhiều rủi ro, thiệt thòi hơn trên nhiều phương diện của đời sống xã hội, như: Sức khỏe, cơ hội học tập, mức độ tham gia kinh tế ít hơn những người không khuyết tật. Tại Việt Nam, theo điều tra quốc gia về người khuyết tật năm 2016, ước tính có khoảng 7,09% dân số là người khuyết tật từ 02 tuổi trở lên (khoảng 6.225.519 người khuyết tật); cả nước có gần 05 triệu hộ có người khuyết tật (cứ 05 hộ thì có 01 hộ có người khuyết tật). Trong đó, hơn 3/4 số hộ có người khuyết tật sống ở khu vực nông thôn.

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *