Một số nhà khoa học đã cho rằng cần xem xét lại ý kiến “phủ định tuyệt đối” làng cổ Đường Lâm xuất hiện trong một công trình nghiên cứu về làng xã, nông thôn Việt Nam gần đây.
Trong cuốn sách Làng mạc ở châu thổ sông Hồng (NXB Tri Thức vừa ấn hành), nhà nghiên cứu Nguyễn Tùng, tác giả cuốn sách, cho rằng: không có làng Đường Lâm cổ, mà chỉ có xã Đường Lâm mới.
Cuốn sách Làng mạc ở châu thổ sông Hồng tập hợp những bài viết nghiên cứu của tác giả Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski thông qua hai chương trình hợp tác nghiên cứu Pháp – Việt vào đầu thập niên 1990 và giai đoạn 1996 – 1999. Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski từng làm việc lâu năm trong ngành nhân học ở Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học của Pháp (CNRS), chuyên nghiên cứu về Việt Nam, là tác giả của nhiều bài nghiên cứu được đăng trên một số tạp chí khoa học ở Pháp cũng như ở Việt Nam.
Một ngôi nhà cổ ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm
L.Q.P
Tại buổi tọa đàm xung quanh cuốn sách vừa diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội), GS-TS Nguyễn Văn Khánh (Khoa Lịch sử Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ theo nhiều tài liệu nghiên cứu, cách đây khoảng 1 thế kỷ, dân số Việt Nam khoảng trên 20 triệu người, 90% trong đó là nông dân, sống ở nông thôn. Nơi đô thị hóa cao nhất là Sài Gòn – Chợ Lớn chiếm khoảng 14%. Còn đô thị ở miền Bắc, dân số còn thấp hơn. “Bởi vậy, xã hội Việt Nam bị bao bọc bởi nông thôn, bị chi phối bởi đời sống xã hội nông dân”, ông nói. Do đó, ngay từ cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, nhiều nhà xã hội học, dân tộc học, nhân học, địa lý học… của Pháp đã quan tâm đến nghiên cứu làng xã Việt Nam.
Bìa sách Làng mạc ở châu thổ sông Hồng ẢNH: T.L |
GS Nguyễn Quang Ngọc (nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển) cho biết việc nghiên cứu về làng xã, nông thôn Việt Nam có quá trình lịch sử lâu dài với một số công trình mang dấu mốc quan trọng: thứ nhất là cuốn Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ của GS Trần Từ; thứ hai là bài nghiên cứu Làng, liên làng, siêu làng (Mấy suy nghĩ về phương pháp) của GS Hà Văn Tấn; thứ ba là công trình nghiên cứu Làng Việt Nam, một số vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội của GS Phan Đại Doãn. GS Ngọc cho rằng cuốn sách Làng mạc ở châu thổ sông Hồng có thể được xếp vào mốc thứ 4.
Theo GS Ngọc, cuốn sách đáng đọc và cần đọc, nhưng bên cạnh đó, đi vào cụ thể thì có nhiều chi tiết cần trao đổi, thảo luận lại. Chẳng hạn, trong sách, tác giả Nguyễn Tùng cho rằng, không có làng cổ Đường Lâm mà chỉ có xã Đường Lâm mới. Theo tác giả, hiện nay dùng từ làng cổ Đường Lâm là không chính xác, vì có thể hiểu xã Đường Lâm hiện nay là một “làng cổ”. Tác giả cho rằng, xã (mới) được lập ra sau Cách mạng tháng Tám và nhất là từ năm 1954 ở miền Bắc và từ năm 1975 ở miền Nam. Bởi vậy, không thể dùng từ làng để chỉ xã (mới) Đường Lâm hiện nay (gồm các làng/thôn Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Lâm, Phụ Khang, Hà Tân, Văn Miếu và Hưng Thịnh). Bên cạnh đó, không phải tất cả 9 làng (thôn) này đều là “làng cổ”. Theo tác giả, chỉ có 5 làng (thôn) Cam Thịnh, Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Lâm và Đoài Giáp đã được lập ra cách đây đến trên 500 năm, còn 4 làng (thôn) còn lại chưa đến trăm năm, thậm chí mới mươi năm.
GS Nguyễn Quang Ngọc nhận xét việc tác giả Nguyễn Tùng đã phủ định tuyệt đối làng cổ Đường Lâm, mà cho rằng chỉ có xã Đường Lâm lập ra từ năm 1964, trước đó không có là không đúng. GS Ngọc cho biết trong sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi, ngay từ giữa thế kỷ thứ 10 đã có tên làng Đường Lâm. “Lúc đó, người ta gọi là thôn Đường, thôn Nguyễn ở chỗ Sơn Tây, nhưng có thể hiểu đấy là thôn Đường Lâm. Đến năm 1016, dưới thời Lý Thái Tổ, sử liệu cũng có chép địa danh làng Đường Lâm. Điều đó cho thấy là đã có tên làng Đường Lâm đàng hoàng từ xưa, chứ không phải đến mãi sau này năm 1964 mới có xã Đường Lâm là không đúng”, GS Ngọc phân tích.
Ngọc An