Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
29328

“Ở Việt Nam thì tôi thấy người dân đã có văn hóa tín ngưỡng lâu đời. Đó là một điều tuyệt vời!”

Đó là cảm nhận của anh Kitagawa Katshuhiro, phóng viên Hãng Thông tấn xã Nhật Bản Jiji Press tại Hà Nội khi lần đầu tiên anh tham gia Đoàn phóng viên trong nước và nước ngoài thường trú tại Việt Nam của Bộ Ngoại giao phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk trong hai ngày 17 và 18/9 đi thực tế tại tỉnh Đắc Lắk. Các phóng viên trong nước (Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Thế giới và Việt Nam…) và các phóng viên thường trú tại Việt Nam (thuộc các báo Asean today – Hàn Quốc, báo Sputnik – Nga, báo Akahata, báo Nikkei, báo Jiji Press- Nhật Bản) đã trực tiếp được chứng kiến về kết quả triển khai các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt trong bảo đảm về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Chuyến đi tuy ngắn ngày nhưng đã để lại trong mỗi người không ít những cảm xúc khó quên.

Đoàn phóng viên nước ngoài chụp ảnh lưu niệm với các giáo dân tại điểm nhóm sinh hoạt truyền giáo Cơ đốc. Ảnh: Nguyễn Hồng

Những trải nghiệm của những người “đi bắt bình minh”

Bắt đầu khởi hành từ 5 giờ sáng khi trời vẫn còn tờ mờ chưa rõ mọi vật, cả Đoàn phóng viên đã háo hức lên đường đi thực tế trải nghiệm cảm giác tác nghiệp của những người “đi bắt bình minh”. Tháng 9 mùa mưa nhưng cũng thật chiều lòng người thời tiết dịu mát, hiền hòa như chính những con người chân chất nơi đây. Cách thành phố Buôn Mê Thuột 35km, không còn những con đường đất đỏ trơn trượt, nay được thay thế bằng đường nhựa trải dài, chỉ mất tầm 40 phút đoàn đã có mặt để ghi hình, trao đổi, phỏng vấn tại điểm nhóm sinh hoạt Truyền giáo Cơ đốc ở nhà ông Ai Kiên (buôn Mò Ó, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc).

Đoàn phóng viên nước ngoài phỏng vấn tác nghiệp tại điểm nhóm sinh hoạt Truyền giáo Cơ đốc tại nhà Ai Kiên, buôn Mò Ó, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc.Ảnh: Nguyễn Hồng

Bên cạnh đó, Đoàn phóng viên đã được chứng kiến sinh hoạt của điểm nhóm tôn giáo của Chi hội Tin lành tại Buôn Tlung, hoạt động tôn giáo của Chi hội Tin lành Ea Hiu (buôn Tà Đỗq, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc – thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam); điểm nhóm sinh hoạt Liên hữu Cơ đốc tại nhà ông Y Jũ Niê (buôn Puăn, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc do Mục sư Nguyễn Thành Tài phụ trách). Trao đổi với đoàn phóng viên, các mục sư, giáo dân đều phấn khởi được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo. Tất cả hoạt động tôn giáo đều hiện ra sống động, vui tươi. Đó là những nhà thờ khang trang, những điểm nhóm sinh hoạt được tổ chức đều đặn hàng tuần,những bài thánh ca cầu nguyện rộn ràng vang lên, là những giáo lý, giáo luật khuyên con người sống tốt đời đẹp đạo…

Hát thánh ca tại nhà thờ Tin lành Chi hội Tin lành Ea Hiu, buôn Tà Đỗq. Ảnh: Nguyễn Hồng

Đoàn phóng viên trải nghiệm thực tế tại vườn cà phê của ông Y Wang Niê (buôn Ega, xã Cư Ni, huyện Ea Kar), một điển hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây có lẽ cũng là lần đầu tiên các phóng viên nước ngoài được tận mắt chứng kiến quy trình thu hoạch và thưởng thức cà phê ngay tại nông trại, hái sầu riêng, rang, sấy cà phê, macca…

Những cảm nhận mới

Đại diện Bộ Ngoại giao, bà Phạm Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí khẳng định đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao tổ chức đưa đoàn phóng viên trong nước và phóng viên nước ngoài thường trú ở Việt Nam đi thực tế tại  Đắk Lắk. Chuyến đi đặc biệt này đã thu hút rất lớn sự quan tâm của các bạn bè phóng viên nước ngoài về bảo đảm quyền của người dân ở Tây Nguyên. Đây sẽ là cơ hội để bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn chính sách của Đảng và Nhà nước, của Chính quyền địa phương, những nỗ lực trong bảo đảm quyền con người, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt đặc biệt bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân.

Phóng viên Jung Rina tác nghiệp trong chuyến đi. Ảnh: Nguyễn Hồng

Là một phóng viên nữ luôn năng nổ trong chuyến thực tế tại Đắc Lắk, chị Jung Rina, phóng viên báo Asian Today Hàn Quốc chia sẻ về lần đầu tiên được đến với Buôn Ma Thuột, cũng là lần đầu tiên đến một vùng đất thuộc khu vực Tây Nguyên: “Trước khi đến đây, tôi biết Việt Nam là một quốc gia có các dân tộc, văn hoá đa dạng. Nhưng đặt chân đến Tây Nguyên, thấy cuộc sống sinh hoạt thực tế của dân tộc thiểu số, trao đổi với người dân cũng như lãnh đạo địa phương, tôi mới có được nhiều hơn kiến thức và trải nghiệm thực tế. Tôi nghĩ sức mạnh, đặc trưng của văn hóa Việt Nam đến từ sự đa dạng và giữ gìn văn hóa; tôi quan tâm đến giữ gìn văn hóa dân tộc của người DTTS, các chính sách của Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ người DTTS. Tây Nguyên là một nơi cho thấy tinh thần đó; chuyến đi lần này đã giúp tôi và nhiều phóng viên nước ngoài khác có được cái nhìn rất thực tế về tình hình tự do sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của người dân Tây Nguyên nói riêng và người Việt Nam nói chung”.

Phóng viên Kitagawa Katsuhiro – Phóng viên Hãng Thông tấn Xã Nhật Bản Jiji Press (áo kẻ, đứng giữa). Ảnh: Nguyễn Hồng

Còn đối với anh Kitagawa Katsuhiro – Phóng viên Hãng Thông tấn Xã Nhật Bản Jiji Press tại Hà Nội chuyến đi là những trải nghiệm khó quên: “Tôi đã sống tại Hà Nội được 3 năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm hoạt động văn hóa tín ngưỡng của bà con địa phương.  Đây quả là một trải nghiệm đáng quý đối với tôi. Tôi thấy có rất nhiều phụ nữ đến nhà thờ, và cả trẻ em cũng đến nữa. Mọi người đến nhà thờ rồi hát. Mặc dù tôi chưa có nhiều cơ hội đến nhà thờ ở Nhật Bản nhưng tôi thấy ở đây, người dân luôn đến nhà thờ với tâm trạng vui vẻ, cầu mong cho cuộc sống hàng ngày được bình yên. Đối với người dân Nhật Bản thì tín ngưỡng không phải là điều gì đó gần gũi trong cuộc sống hàng ngày lắm đâu. Còn ở Việt Nam thì tôi thấy người dân đã có văn hóa tín ngưỡng lâu đời. Đó là một điều tuyệt vời!”.

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *