Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
30424

Bảo đảm quyền con người trên không gian mạng ở Việt Nam

Ngày 19/11/1997 Việt Nam hoà mạng Internet toàn cầu. Từ đó đến nay số người và thời lượng sử dụng Internet ở Việt Nam phát triển nhanh chóng trong tốp đầu trên thế giới.

Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kết nối với internet, với không gian mạng cao trên thế giới. “Việt Nam có khoảng 55 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm khoảng 57% dân số, trong đó, số lượng người sử dụng mạng xã hội qua di động xấp xỉ 50 triệu người. Chủ yếu tập trung sử dụng các mạng xã hội lớn như đã nói là Facebook, YouTube, Zalo,…Thời lượng sử dụng internet và mạng xã hội trong một ngày của người Việt Nam tương ứng 7 giờ và 2,5 giờ, khá cao so với khu vực và thế giới. Facebook và YouTube là những trang được sử dụng nhiều nhất với tỷ lệ 61% và 59%”[1].

Từ sự phát triển nhanh chóng của kỷ nguyên kỹ thuật số, Việt Nam cũng như bao quốc gia khác trên thế giới đều hòa chung với sự phát triển đó, đồng thời phải tạo hành lang pháp lý để mọi người tham gia được thuận lợi hơn và cũng phải an toàn hơn trong việc tham gia vào không gian mạng. Không gian mạng với tính năng vượt trội của nó mang lại cho người vô số những tiện ích khác nhau. Từ đó giúp con người thực hiện có hiệu quả hơn công việc của mình, hưởng thụ tốt hơn quyền con người của mình nhưng đó cũng là nơi mà quyền con người dễ bị xâm hại. Điểm nổi bật của không gian mạng là ở đó con người dễ bề thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin.

Trong thời đại ngày nay, không gian mạng còn là cầu nối giữa Nhà nước với người dân. Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến góp phần bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Bàn về việc này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân để thực hiện có hiệu quả các giao dịch trực tuyến như thành phố Hồ Chí Minh cần có giải pháp để nhân dân các quận trung tâm Thành phố sử dụng các giao dịch trực tuyến ngày càng nhiều hơn. Nhân dân có quyền đòi hỏi việc nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, Nhà nước cũng nắm bắt được các bất cập, vướng mắc, cản trở quá trình cải cách thủ tục hành chính để có giải pháp cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn phục vụ nhân dân”[2].

Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin. Thể chế hóa Hiến pháp về quyền tiếp cận thông tin, Điều 3 Luật tiếp cận thông tin quy định rõ nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin:

  1. Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
  2. Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ.
  3. Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
  4. Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
  5. Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác.

Cùng với việc khẳng định quyền tiếp cận thông tin, Hiến pháp, pháp luật Việt Nam cũng thể hiện rõ đây không phải là quyền tuyệt đối. Có nghĩa là quyền này bị hạn chế theo quy định của luật. Quyền bí mật về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác cùng với danh dự, uy tín của con người được pháp luật bảo vệ, không ai được phép xâm hại các quyền này.

Bên cạnh những quy định về bảo vệ bí mật đời tư, Điều 159 Bộ luật hình sự năm 2015 còn quy định về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Người phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Khoản 3 Điều 4 Luật an ninh mạng quy định nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng: Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng… bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng…”. Luật này cấm lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi” (Điều 8 Luật an ninh mạng).

Bên cạnh những thuận lợi to lớn mà không gian mạng mang lại, ở Việt Nam, không gian mạng đã và đang có nhiều cản trở, thậm chí còn là phương tiện xâm hại quyền con người. Theo số liệu từ Kaspersky Security Network, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất năm 2018. Kaspersky Lab nhận định: “Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, những mối đe dọa về vấn đề an ninh mạng ngày càng tinh vi hơn. Đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 bùng nổ, Việt Nam sẽ phải đối mặt và chịu nhiều ảnh hưởng bởi những thay đổi phức tạp của an ninh mạng”[3] Một thống kê khác cho thấy, hai năm 2017 và 2018, số lượng lỗ hổng an ninh tăng đột biến với hơn 15.700 lỗ hổng, gấp khoảng 2,5 lần những năm trước đó; năm 2018, hơn 9.300 cuộc tấn công vào mạng Việt Nam, hơn 1,6 triệu lượt máy tính bị mất dữ liệu. Bộ Công an mới đây cũng đưa ra cảnh báo, thời gian qua, đã có nhiều người dân bị các đối tượng phạm tội dùng thủ đoạn giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brand Name) để chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn[4].

Việt Nam luôn nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới, tội phạm phát triển nhanh như lừa đảo trực tuyến, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, môi giới mại dâm, buôn bán vũ khí, ma túy…, tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm thuần phong mỹ tục diễn ra tràn lan…, cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia còn nhiều lỗ hổng, điểm yếu[5].

Nhận xét về mặt trái của mạng xã hội, Tổng biên tập báo Nhân dân Thuận Hữu cho rằng: “Có lẽ không có nước nào như Việt Nam, mở máy ra thấy chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai”.

Dẫn câu chuyện tại Thái Lan, có trường hợp lên mạng xã hội xúc phạm nhà vua một câu thôi là bị bỏ tù, ông lo lắng: “Ở ta tình trạng chửi tràn lan mà bất lực. Những tin tức giả mạo xuất hiện thường xuyên. Có lẽ công an bây giờ sợ dư luận, cảnh sát sợ cả người vi phạm quay phim, chụp ảnh làm lung tung cả lên. Có tình trạng chửi cơ quan công quyền như hát hay”.

Về quản lý mạng xã hội, ông cho biết gần đây có xử lý nhiều vụ trên mạng xã hội như đưa tin sai trái thì truy đến nơi và xử phạt. Tuy nhiên việc này số lượng còn hạn chế và những tin xấu độc vẫn còn nhiều[6].

Thực tiễn cho thấy các hoạt động trên không gian mạng ngày càng đa dạng, phức tạp, nhanh chóng, còn việc soạn thảo các quy định của pháp luật chậm trễ hơn nhiều.

Đại diện các nước ASEAN đã đến Hà Nội tham dự Hội thảo “Các quy tắc ứng xử và trách nhiệm quốc gia trên không gian mạng” diễn ra trong 2 ngày 27, 28/11/2019. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thôngViệt Nam cho biết việc đưa ra các quy tắc ứng xử là hết sức cần thiết. Tuy không mang tính pháp lý và áp dụng bắt buộc, các quy tắc ứng xử sẽ phần nào nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của các quốc gia khi tham gia vào không gian mạng; tạo tiền đề cho việc xây dựng, hình thành các hiệp định, công ước quốc tế sau này[7].

[1] http://kinhtedothi.vn/bo-tttt-viet-nam-co-toi-360-mang-xa-hoi-316996.html, truy cập ngày 14/8/2018.

[2] http://kinhtedothi.vn/nguoi-dan-co-quyen-doi-hoi-nang-cao-chat-luong-dich-vu-cong-324995.html, truy cập ngày 26/3/2020.

 

[3] http://vietbao.vn: Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất thế giới đănng ngày 10/3/2020.

[4] http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/an-toan-khong-gian-mang-tintuc454708, truy cập ngày 28/3/2020.

[5]https://thanhnien.vn/thoi-su/khong-gian-mang-loi-ich-va-thach-thuc-can-thiet-luat-an-ninh-mang-972748.html, truy cập ngày 27/2/2020.

[6]https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/chu-tich-hoi-nha-bao-viet-nam-mang-xa-hoi-bay-gio-chui-khong-chua-ai-579917.html, truy cập ngày 27/2/2020.

[7] http://ictvietnam.vn/asean-huong-den-trien-khai-quy-tac-ung-xu-quoc-gia-tren-khong-gian-mang.htm, truy cập ngày 11/3/2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *