Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
23462

Biểu hiện cụ thể của việc thực thi nhân quyền

Cùng với sự phát triển của nhận thức về con người trong xã hội, ngày nay nhân quyền được khẳng định là một giá trị cao quý có ý nghĩa phổ quát đối với toàn thể loài người. Ở Việt Nam, việc bảo đảm dân chủ, nhân quyền luôn được khẳng định là một trong những mục tiêu hàng đầu. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tạo mọi điều kiện để nhân quyền luôn thuộc về nhân dân, vì nhân dân, đồng thời xác định bảo đảm dân chủ, nhân quyền là yếu tố quan trọng góp phần khẳng định quyền tự chủ, góp phần tạo nên động lực mạnh mẽ trong quá trình phát triển, bảo vệ nền độc lập, xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Cách đây 72 năm, ngày 10-12-1948, với việc thông qua Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền (Tuyên ngôn), Liên hợp quốc đã công bố bản thỏa thuận pháp lý quốc tế đầu tiên về quyền con người. Đây là một bước tiến quan trọng của cộng đồng nhân loại khi xác định “phẩm giá vốn có và các quyền bình đẳng bất di bất dịch của tất cả các thành viên trong gia đình loài người là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới”. Xác định đó có được bởi cộng đồng nhân loại đều thấy rằng: “sự coi thường và xâm phạm các quyền con người dẫn đến những hành vi man rợ, xúc phạm tới lương tâm nhân loại, và việc tạo lập một thế giới trong đó con người sẽ được hưởng tự do ngôn luận, tín ngưỡng và tự do thoát khỏi nỗi sợ hãi và đói nghèo đã được tuyên bố như là khát vọng cao cả nhất của những người dân bình thường”… Dù là văn bản có tính khuyến nghị, cam kết về chính trị – đạo đức hơn là ràng buộc về chính trị – pháp lý, Tuyên ngôn cũng đưa ra những tiêu chí để đánh giá hành động của các chính phủ trong phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm quyền con người, đấu tranh với hành vi lạm dụng quyền lực, bạo lực để chà đạp lên nhân phẩm, tính mạng, tương lai của con người…

Nhìn từ lịch sử, ngay từ đầu các nội dung liên quan nhân quyền đã được khẳng định trong chiến lược của cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo. Cương lĩnh Chính trị năm 1930 của Đảng xác định trong các mục tiêu đấu tranh vì xã hội mới có nội dung: xây dựng xã hội nam nữ bình quyền, phổ cập giáo dục, lấy ruộng đất của đế quốc chia cho dân cày nghèo. Tháng 9-1945, khi đất nước đứng trước vô vàn khó khăn, vừa trải qua nạn đói khủng khiếp, 95% dân số không biết chữ, lại phải đối phó “thù trong, giặc ngoài”,… song Nhà nước non trẻ vẫn triển khai kế hoạch “chống nạn mù chữ” trong toàn dân, coi đó là nhiệm vụ cấp bách, như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Khát vọng độc lập dân tộc và nhân quyền thể hiện rất cụ thể khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời các nhà báo nước ngoài năm 1946: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Việc nhân quyền được khẳng định là một mục tiêu của cách mạng đã góp phần cực kỳ quan trọng tạo ra động lực để dù khó khăn thế nào thì toàn Đảng, toàn dân Việt Nam vẫn nỗ lực vượt qua, giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Thành quả vĩ đại nhất của nỗ lực đó là giành lại và bảo vệ quyền tự quyết dân tộc, đất nước độc lập và thống nhất, tạo dựng tiền đề vững chắc để phổ cập nhân quyền trong toàn dân. Nên hơn ai hết, mọi người Việt Nam yêu nước đều hiểu rất rõ rằng, đem xương máu để giành lại độc lập tức là giành lại quyền làm người – giá trị cao cả, thiêng liêng và cần phải tiếp tục bảo vệ, phát triển.

Từ năm 1975 đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định nhân quyền là nội dung có tính pháp lý, phải liên tục được phát triển, bổ sung, hoàn thiện. Phản ánh kết quả nhận thức khoa học, tiên tiến, văn minh về nhân quyền, Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ đã tiếp cận nhân quyền theo cả chiều rộng, chiều sâu, với các nội dung phù hợp mục tiêu phát triển của Việt Nam, phù hợp nhận thức chung của nhân loại tiến bộ. Biểu hiện cụ thể là trong Hiến pháp năm 2013, sau Chương I “Chế độ chính trị” là Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” mở đầu bằng Điều 14 khẳng định: “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Và khẳng định đó được cụ thể hóa trong quy định của Hiến pháp về quyền con người, kết hợp với việc Quốc hội thông qua các bộ luật và luật liên quan để bảo đảm nhân quyền được thực thi nghiêm túc.

Sự ưu việt nói trên có được do Đảng và Nhà nước ta luôn nỗ lực nhận thức, hoàn thiện quan điểm nhất quán về nhân quyền. Với vai trò chính đảng tiên phong, tổ chức, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, một trong năm bài học kinh nghiệm lớn Đảng rút ra từ hoạt động thực tiễn phong phú, được khái quát trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh – bổ sung, phát triển năm 2011): “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”, khẳng định xã hội mới phải: “do nhân dân làm chủ… con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện… các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo…”. Và Chỉ thị 12 Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta của Ban Bí thư (Khóa VII) xác định “Quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Đó là thành quả đấu tranh lâu dài của nhân dân lao động và các dân tộc trên thế giới chống lại mọi áp bức, bóc lột”. Từ sự phân tích biện chứng về tiến trình lịch sử của vấn đề nhân quyền, Chỉ thị 12 chỉ rõ: “giải phóng con người (trong đó có việc đảm bảo các quyền con người) gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội; chỉ có dưới tiền đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì quyền con người mới có điều kiện được đảm bảo rộng rãi, đầy đủ, trọn vẹn nhất”. Các luận điểm đó cho thấy Đảng có quan niệm hết sức khoa học, đúng đắn khi đặt nhân quyền trong quan hệ biện chứng với độc lập dân tộc, với bản chất chế độ xã hội. Vì, chỉ có giải quyết có hiệu quả quan hệ đó mới có thể duy trì sự thống nhất xã hội, bảo đảm để mọi người được phát triển tự do, hài hòa, phát huy mọi khả năng sáng tạo.

Với Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, nhân quyền không chỉ thể hiện qua quan niệm, chủ trương, chính sách mà còn thể hiện qua hành động thiết thực để nhân quyền thật sự trở thành giá trị xã hội, là tài sản của nhân dân. Sau hơn 30 năm của sự nghiệp đổi mới, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về nhân quyền được cụ thể hóa sinh động với tính cách là những tiêu chí sống, được hiện thực hóa qua các giá trị vật chất – tinh thần toàn dân được thụ hưởng. Từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ nỗ lực của toàn dân, ngày nay mức sống từ thành thị tới nông thôn đã nâng cao rất rõ rệt. Nhà nước chú trọng phát triển hệ thống giao thông, lưới điện quốc gia. Các chương trình xóa đói, giảm nghèo đạt hiệu quả cao, từng bước đưa cuộc sống và sự phát triển văn hóa – văn minh của đồng bào vùng sâu, vùng xa theo kịp mọi miền. Phúc lợi, an sinh xã hội trở thành tài sản chung của toàn dân. Giáo dục các cấp phát triển trên địa bàn cả nước, việc học tập để nâng cao tri thức, phát triển trí tuệ, thể chất được khuyến khích đối với mọi lớp tuổi, mọi thành phần, một xã hội học tập đã bước đầu hình thành. Đặc biệt, từ quan điểm coi tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện để công dân theo tín ngưỡng, tôn giáo sống “tốt đời đẹp đạo”, niềm tin tôn giáo được tôn trọng cùng quyền lợi, trách nhiệm xã hội. Đồng bào các dân tộc ít người luôn được bảo đảm quyền công dân, được Nhà nước quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, để vừa giữ gìn bản sắc văn hóa riêng, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển chung trên cả nước. Cùng với đó là sự phát triển rất mạnh mẽ của hệ thống y tế, hệ thống bưu điện, hệ thống thông tin đại chúng… Điển hình nhất gần đây là nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19 để bảo vệ tính mạng con người, hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của đại dịch. Hay trong đợt thiên tai, bão lụt vừa qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan hữu quan đã cùng toàn dân nỗ lực hết sức mình với quyết tâm chính trị ở mức cao nhất, bằng rất nhiều giải pháp từ chủ trương, chính sách đến huy động nguồn lực, sức người, sức của để phòng, chống thiên tai, khắc phục mọi khó khăn, tổ chức cứu trợ, cứu nạn, bảo vệ tính mạng con người, giúp nhân dân vùng bị bão lụt sớm ổn định cuộc sống…

Những thành tựu về nhân quyền mà chúng ta đã đạt được là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã phát triển theo chiều hướng rất tích cực, và được dư luận thế giới công nhận. Đó là những thành tựu không thể phủ nhận. Và dù đất nước còn nhiều khó khăn thì những thành tựu này vẫn là biểu hiện cụ thể của việc thực thi nhân quyền. Vì thế để tiếp tục sự nghiệp Đổi mới, chúng ta cần tiếp tục khẳng định và tiếp tục nỗ lực phấn đấu để nhân quyền luôn là bộ phận cấu thành bản chất của chế độ, là mục tiêu của cách mạng, là một điều kiện tiên quyết để xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân. Lịch sử dân tộc hơn nửa thế kỷ qua đã chứng minh lô-gích tất yếu rằng các thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu để giành lại chủ quyền và nhân quyền, ngày nay chúng ta có trách nhiệm phải giữ vững chủ quyền, phải làm cho nhân quyền trở thành tài sản chung của toàn dân, tạo cơ hội để mọi người cùng phát triển. Chính vì vậy, chúng ta cần phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa để đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam tới các thành tựu mới, để một ngày không xa, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trở thành hiện thực sống động trên đất nước Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *