Hệ thống xử lý hồ sơ khép kín, sử dụng chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp, đã ngăn chặn nhiều vụ làm giả giấy tờ để bán tài sản chưa giải chấp.
Phòng CSGT Công an TP HCM hồi tháng 1 phát hiện 4 trường hợp làm giả, sửa thông tin trên giấy xác nhận xóa đăng ký thế chấp ôtô để làm thủ tục giải toả ngăn chặn, phục vụ việc bán xe.
Cán bộ công an đã so sánh bản cứng (giấy) do cá nhân nộp với bản mềm (file) có chữ ký số do hệ thống xử lý hồ sơ trực tuyến của Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại TP HCM gửi qua mạng, phát hiện giả mạo – ngăn chặn được hành vi sang tên ôtô đang thế chấp.
Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại TP HCM (Trung tâm) trực thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng thực hiện đăng ký và cung cấp thông tin về toàn bộ tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới (ôtô, xe máy, sà lan, trừ tàu bay, tàu biển), phương tiện thủy nội địa, máy móc, thiết bị, vật tư… đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Tịnh (Giám đốc Trung tâm), 4 vụ trên là giả hồ sơ đầu ra, còn các trường hợp giả văn bản đầu vào cũng diễn ra tương tự. Như hồi tháng 5, một người làm giả phiếu yêu cầu xóa đăng ký thế chấp ôtô của Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) – Chi nhánh Gia Định. Trên phiếu thể hiện ông này đã trả xong khoản vay 700 triệu đồng cho PVcomBank (thực tế chưa tất toán), yêu cầu Trung tâm xác nhận giải chấp ôtô.
Trước đây, việc phát hiện phiếu yêu cầu xóa thế chấp giả phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của cán bộ tiếp nhận, nhưng nay hệ thống xử lý hồ sơ trực tuyến với chữ ký số của Trung tâm đã kết nối với ngân hàng để kiểm tra dãy số xác thực (mã pin) in trên phiếu.
“Mã pin do ngân hàng cấp cho khách hàng đã tất toán khoản vay, nếu làm giả phiếu sẽ không có mã này. Còn khi sửa, tẩy xóa thông tin thì hệ thống cũng đối chiếu, phát hiện ra”, ông Tịnh giải thích và cho biết hành vi của người phụ nữ trên cũng như các trường hợp khác đều đã được trình báo công an.
Kế hoạch xây dựng quy trình xử lý hồ sơ khép kín trên nền Internet với chữ ký số được Trung tâm nghiên cứu từ giữa năm 2020. Việc này xuất phát từ thực tế mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận 1.100 yêu cầu giao dịch bảo đảm. Mỗi yêu cầu phải in thành 2 bộ (cần 6-8 trang giấy), ký duyệt, đóng dấu rồi gửi chuyển phát. Sau 2-4 ngày, các bên giao dịch mới nhận được kết quả.
Còn hệ thống 4.0 sử dụng chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp, chạy thử nghiệm từ đầu năm 2021 và thu được kết quả tốt, áp dụng chính thức từ tháng 6. Cá nhân, tổ chức đăng ký bảo đảm giao dịch tài sản sẽ nhập thông tin trên website của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), chọn nhận kết quả online từ Trung tâm tại TP HCM và thanh toán lệ phí trực tuyến. Kết quả sẽ được duyệt, ký số trên máy tính và gửi đến email các bên liên quan trong một phút. Cá nhân, tổ chức không phải đến Trung tâm nộp, nhận bất cứ giấy tờ gì.
Khi cá nhân, tổ chức nhận được email xác nhận có chữ ký số của Trung tâm thì kết quả đó đồng thời được gửi đến các cơ quan liên quan để làm bản gốc so sánh, loại trừ được sự giả mạo.
“Khách hàng đã trả nợ vay đến Phòng CSGT làm hồ sơ sang tên ôtô thì cán bộ công an chỉ cần kiểm tra file giải chấp, có chữ ký số được gửi đến từ địa chỉ email duy nhất của Trung tâm”, tiến sĩ Tịnh nói.
Đại diện CLB Pháp chế – Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết các ngân hàng ghi nhận tích cực với dự án số hóa thủ tục hành chính của Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại TP HCM. Nhà băng trút được mối bận tâm lớn trong quản lý hồ sơ vay, tránh được nhiều vụ làm giả giấy tờ rút tài sản, chiếm dụng vốn.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Tịnh đánh giá việc áp dụng chữ ký số và gửi nhận hồ sơ trên Internet đã tạo đột phá trong công tác của Trung tâm. Hiện, số yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm qua hệ thống trực tuyến đạt hơn 90%, nộp trực tiếp tại văn phòng còn rất ít và giảm hẳn hành vi tác động xấu vào văn bản giấy như trước đây. “Đây cũng là giải pháp làm việc không tiếp xúc, an toàn trong thời dịch Covid-19 hiện nay”, ông Tịnh nói.