Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
46280

Nâng cao Vị thế Việt Nam: Chủ động thể hiện vị trí, vai trò dẫn dắt

 

Việt Nam hiện tham gia các mặt đời sống chính trị – xã hội quốc tế. Tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam đã đưa Việt Nam trở thành bộ phận cấu thành của chỉnh thể thế giới. Cần xác định việc giành lấy vị trí, vai trò ngày càng đáng kể trong nền kinh tế thế giới, nền chính trị thế giới và nền văn minh nhân loại là nội dung chủ yếu của tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong đó có hội nhập quốc tế về nhân quyền. Qua đó, thể hiện vai trò của Việt Nam “là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Đại sứ Đặng Đình Quý tham gia lễ đặt cờ của Việt Nam trong nhóm 5 nước ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an

Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đảm bảo sự tương thích với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước cơ bản về quyền con người. Trong quá trình thực thi các nghĩa vụ theo các công ước, Việt Nam đã nỗ lực mạnh mẽ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo sự tương thích với những điều ước mà Việt Nam là thành viên.

Trong lộ trình thực thi các công ước quốc tế về nhân quyền, Việt Nam đã tiến hành rà soát các quy định của luật pháp quốc gia về các quyền dân sự, chính trị. Kết quả rà soát được tiến hành tại khoảng 80% số các cơ quan trung ương và địa phương cho thấy các quyền dân sự, chính trị được nêu trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã được thể hiện xuyên suốt, thống nhất trong Hiến pháp và được thể hiện tại nhiều văn bản luật quan trọng. Nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử là nền tảng xuyên suốt các văn bản pháp luật Việt Nam, tạo tiền đề cho việc đảm bảo và phát huy các quyền của người dân trên từng lĩnh vực cụ thể. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật quốc gia về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

Hiến pháp 2013 được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 và có hiệu lực từ 1/1/2014 là sự kế thừa và phát triển các chế định quyền con người, quyền công dân, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu chính đáng và ngày càng tăng về quyền và tự do của nhân dân, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Hiến pháp 2013 gồm 11 chương, 120 điều, trong đó có riêng Chương II với 36 điều chế định trực tiếp và quy định rõ ràng các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Từ năm 2014-2018, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới 96 văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phù hợp với Hiến pháp 2013. Một số đạo luật quan trọng được Quốc hội thông qua trong thời gian này như Bộ luật hình sự 2015, Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Bộ luật dân sự 2015, Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Luật tố tụng hành chính 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, Luật trưng cầu ý dân 2015, Luật an toàn thông tin mạng 2015, Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Luật trẻ em 2016, Luật báo chí 2016, Luật tiếp cận thông tin 2016, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, Luật trợ giúp pháp lý 2017, Luật an ninh mạng 2018…, trong đó có một số luật lần đầu tiên được ban hành để thể chế kịp thời các quy định về quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp 2013 (Luật tiếp cận thông tin, Luật trưng cầu dân ý), đồng thời, tương thích với các công ước mà Việt Nam đã tham gia.

Bảo đảm quyền con người cơ bản của người dân trên cơ sở tham chiếu với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế và các mục tiêu chung của Liên hợp quốc

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, việc thực thi các quyền con người tại Việt Nam luôn có sự tham chiếu nhằm tuân thủ các chuẩn mực nhân quyền, các mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế, đồng thời, phù hợp với đặc thù về điều kiện kinh tế, xã hội, thể chế chính trị tại Việt Nam, bao gồm các quyền chính trị, dân sự và các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa.

Chính phủ đã tập trung thúc đẩy các chính sách về phát triển bền vững,  lồng ghép vào Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020. Với cam kết mạnh mẽ triển khai hiệu quả Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia với 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs) và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên của quốc gia. Chính phủ đã ban hành và thực thi có kết quả tốt nhiều chính sách về giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, thúc đẩy nông nghiệp bền vững, chăm sóc sức khỏe cho người dân, bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, đảm bảo quyền của người lao động. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do có những quy định chặt chẽ về lao động như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu, khẳng định cam kết bảo đảm quyền của người lao động.

Tích cực tham gia các thể chế đa phương, khu vực và đối thoại về quyền con người; nghiêm túc thực thi các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người

Hợp tác quốc tế về nhân quyền là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam đã tích cực tham gia và đề xuất nhiều sáng kiến thúc đẩy quyền con người trong khuôn khổ LHQ, đặc biệt là tại Hội đồng Nhân quyền và các cơ quan chuyên biệt về quyền con người. Năm 2020, Việt Nam đã đồng chủ trì xây dựng nghị quyết về “Biến đổi khí hậu về quyền con người” được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận tại Khóa 44 Hội đồng Nhân quyền. Tháng 12/2020, Đại hội đồng LHQ đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết A/RES/75/27 thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong huy động đoàn kết và hợp tác quốc tế trong chống dịch bệnh Covid-19, bảo vệ quyền con người. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 – 2016 và hiện đang chuẩn bị ứng cử nhiệm kỳ 2023 – 2025.

Trong phạm vi khu vực, cùng các nước thành viên ASEAN,  Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) và việc Tuyên bố Nhân quyền ASEAN đã được lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN thông qua tháng 11/2012. Đây là văn kiện đầu tiên phác thảo khuôn khổ tăng cường hợp tác và bảo vệ nhân quyền ở khu vực, là sự cam kết của các nước ASEAN trong việc tôn trọng và đảm bảo các quyền và tự do cơ bản, bao gồm cả quyền phát triển và quyền hưởng hòa bình, của người dân trong khu vực.

Việt Nam đã tích cực tham gia Sáng kiến cấp Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mê kông về phòng, chống nạn buôn bán người (COMMIT), phối hợp chặt chẽ với các tổ chức của Liên hợp quốc như UNICEF, UNODC, IOM, UNIAP và ký nhiều thỏa thuận, hiệp định hợp tác song phương với các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, Malaysia… nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động phòng, chống buôn bán người trong khu vực. Hiện nay, Việt Nam cũng đang hợp tác chặt chẽ với Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) nhằm tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm du lịch tình dục trẻ em trong khu vực.

Với chủ trương sẵn sàng đối thoại và hợp tác về quyền con người, coi đó là cơ hội để trao đổi thẳng thắn, xây dựng về những vấn đề nhân quyền cùng quan tâm, Việt Nam đã thiết lập các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về nhân quyền với một số nước và đối tác như  Mỹ, EU, Úc, Na Uy. Các cơ chế đối thoại này đã phát huy kết quả tích cực, không chỉ góp phần tăng cường hiểu biết và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác, mà còn là kênh trao đổi các kinh nghiệm tốt nhất của mỗi bên và giải quyết được nhiều vấn đề nhân quyền hai bên cùng quan tâm. Việt Nam cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và nhiều nước đối tác thông qua việc triển khai Dự án tăng cường năng lực thực thi các công ước quốc tế về nhân quyền tại Việt Nam (giai đoạn 2008-2011 và 2012-2016) và nhiều chương trình hợp tác kỹ thuật khác trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đầy quyền con người.

Với tư cách là thành viên của nhiều công ước nhân quyền quốc tế, Việt Nam đã nghiêm túc thực thi các nghĩa vụ liên quan, đặc biệt là nghĩa vụ báo cáo quốc gia. Từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã tập trung nguồn lực và huy động nhiều bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiều báo cáo quốc gia về nhân quyền như Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước xóa bỏ mọi hình thức Phân biệt chủng tộc (ICERD) giai đoạn 2000-2009; Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước về Quyền của Trẻ em (CRC) giai đoạn 2008-2011; Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) giai đoạn 1993-2010; Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW); Báo cáo quốc gia thực thi Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị (ICCPR); Báo cáo quốc gia thực thi Công ước chống tra tấn; Báo cáo quốc gia theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) các chu kì I, II, III, trong đó đã chấp thuận và triển khai thực chất nhiều khuyến nghị của các nước, các tổ chức quốc tế.

Trong nỗ lực tăng cường hợp tác, thể hiện sự công khai, minh bạch trong vấn đề quyền con người, Việt Nam đã đón nhiều Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền (về các vấn đề người thiểu số, đói nghèo cùng cực và nhân quyền, tác động của nợ nước ngoài đối với nhân quyền và quyền được chăm sóc y tế, tự do tôn giáo…). Qua các chuyến thăm, các Thủ tục đặc biệt đã tiếp xúc với đại diện các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ và cá nhân liên quan, tìm hiểu tình hình thực tế tại các địa phương, đều đánh giá cao tinh thần hợp tác, quyết tâm chính trị, các chính sách và biện pháp mà Việt Nam đã thực hiện, đồng thời chỉ ra các thách thức Việt Nam cần giải quyết nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền con người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *