Phòng ngừa và kéo giảm số trẻ em tham gia hoạt động kinh tế và lao động trẻ em bền vững gắn liền với các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo ở Việt Nam đã và đang được thực hiện ngày càng kịp thời, hiệu quả.
Theo báo cáo chung của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), trên thế giới có hơn 160 triệu trẻ em đang phải lao động kiếm sống và gần 10 triệu em khác đang gặp rủi ro. Trong đó, trẻ em ở độ tuổi 5-11 phải tham gia lao động đang có xu hướng tăng lên; số trẻ ở độ tuổi 5-17 tuổi làm công việc độc hại tăng từ 6,5 triệu (năm 2016) lên 79 triệu.
Các cuộc khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến cho trẻ em có nguy cơ phải làm việc nhiều, trong điều kiện xuống cấp, thậm chí là bị bóc lột do thu thập của gia đình bị ảnh hưởng, cha mẹ bị mất việc làm.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang phát triển đã thực hiện điều tra quốc gia về lao động trẻ em (năm 2012 và năm 2018). So sánh hai kỳ khảo sát này, toàn cảnh về lao động trẻ em ở Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể. Khảo sát năm 2018 cho thấy lao động trẻ em đã giảm từ 9,6% xuống còn 5,3% (thấp hơn khoảng 2% so với tỉ lệ trung bình của khu vực châu Á và Thái Bình Dương). Trong số hơn 1 triệu lao động trẻ em thì có tới 63% trẻ em được tiếp cận giáo dục (tăng gần 20 % so với năm 2012); 51,2% trẻ từ 15 đến 17 tuổi; trẻ em trai chiếm 59%, trẻ em gái chiếm 41%; chủ yếu các em sinh sống ở nông thôn (84%).
Hiện Việt Nam được xem như là một trong những quốc gia hình mẫu và tiên phong, có vai trò dẫn dắt trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 8.7 của Liên hiệp quốc về xóa bỏ lao động trẻ em tại khu vực và trên phạm vi toàn cầu.
Đáng chú ý, để thực hiện mục tiêu 8.7 liên quan đến xóa bỏ lao động trẻ em, Việt Nam đề ra lộ trình giảm dần tỉ lệ lao động trẻ em, tương ứng là <9% vào năm 2020, <8% vào năm 2025 và <7% vào năm 2030. Trên thực tế, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để giảm dần tỉ lệ này trong thời gian qua.
Liên quan đến lao động trẻ em, Luật Trẻ em 2016 đã xác lập rõ nguyên tắc bảo vệ tối ưu quyền trẻ em trong lĩnh vực lao động, quy định cụ thể tại Điều 26.
Song song với nguyên tắc trên của Luật Trẻ em 2016, Bộ luật Lao động 2019 cũng chứa đựng nhiều qui định để bảo vệ lao động trẻ em tại Việt Nam và những qui định này đều tương thích với các qui phạm pháp luật quốc tế có liên quan.
Về mặt luật pháp, Nhà nước đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc ghi nhận và bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam cho đến năm 2030, trong đó có mục tiêu 8.7. Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành các Quyết định, Nghị quyết về phát triển bền vững, mới đây nhất là Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 14-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.
Bên cạnh Bộ luật Lao động 2019, Bộ luật Hình sự 2015 cũng đặt ra một số biện pháp nhằm bảo vệ lao động trẻ em và xử lí hành vi vi phạm trong sử dụng lao động trẻ em; đặt ra chế tài cụ thể nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người sử dụng lao động sử dụng người dưới 16 tuổi làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Việc áp dụng chế tài hình sự có thể xem là biện pháp xử lí nghiêm khắc, có hiệu quả răn đe hơn so với các biện pháp xử lí hành chính đối với người sử dụng người lao động chưa thành niên.
Ngoài các văn bản luật do Quốc hội thông qua, nhiều văn bản qui phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành cũng bảo vệ tối đa quyền lợi chính đáng của trẻ em khi tham gia trong lĩnh vực lao động, việc làm. Trong đó, Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12-11-2020 của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên. Thông tư này đã xác định rõ 69 loại hình công việc và 06 nơi làm việc có nguy cơ gây tổn hại đến sự phát triển của người chưa thành niên trên các phương diện thể lực, trí lực và nhân cách, đồng thời xác định danh mục các địa điểm/nơi làm việc.