Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
20599

Mỹ loay hoay đối phó chống các nhóm cực đoan Kỳ 1: Chiêu bài đưa vào danh sách tổ chức khủng bố

 

Sự gia tăng hoạt động của hàng loạt tổ chức, nhóm cực đoan đang khiến xã hội Mỹ trở nên bất ổn và luôn phải đối mặt với nguy cơ bùng phát biểu tình bạo lực, chống đối chính phủ.

Dù các cuộc biểu tình, tấn công toà nhà Quốc hội Mỹ đã trôi qua được một thời gian, song dư âm của nỗi hoảng loạn và sợ hãi vẫn còn đó. Vì thế, những ngày đầu tháng 4 này, giới chức Mỹ đang nỗ lực tìm cách giải quyết triệt để vấn đề bằng những biện pháp mạnh. Hôm 4-4, hạ nghị sĩ Mỹ Lauren Boebert đã thúc đẩy chỉ định nhóm Antifa vào danh sách các tổ chức khủng bố. Nếu được thông qua, nghị quyết sẽ chỉ định Antifa là một tổ chức khủng bố trong nước, lên án tất cả các hành vi bạo lực của tổ chức và các thành viên của tổ chức này, đồng thời yêu cầu chính phủ liên bang “chống lại sự lây lan của tất cả các hình thức khủng bố trong nước”. Bà Boebert nói trong một thông cáo báo chí: “Antifa và những người ủng hộ chúng là kẻ thù của người dân Mỹ”. Để minh chứng cho lập luận của mình, bà Boebert đã liệt kê một loạt các sự cố xảy ra trong năm 2020 và 2021, trong đó Antifa có liên quan đến các hành vi bạo lực, bao gồm nhiều vụ bạo lực ở Portland, Oregon. Thậm chí, nữ hạ nghị sĩ còn lưu ý rằng, năm 2016 Bộ An ninh nội địa dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama đã dán nhãn các hoạt động của Antifa là “bạo lực khủng bố trong nước”. “Ngay cả chính quyền Obama cũng phân loại các nỗ lực Antifa là “bạo lực khủng bố”. Bây giờ chính quyền ông Biden không thể bỏ qua. Đã đến lúc phải để Antifa chịu trách nhiệm về các hành động của mình. Tôi đã chính thức giới thiệu lên Quốc hội dự luật tuyên bố Antifa là một tổ chức khủng bố trong nước”. Đồng tài trợ dự luật này của hạ nghị sĩ Boebert là 10 thành viên khác của đảng Cộng hoà bao gồm cả hạ nghị sĩ bang Arizona Andy Biggs và hai hạ nghị sĩ bang Texas là Randy Weber, Louie Gohmer.

Nữ hạ nghị sĩ Lauren Boebert đang thực hiện chiến dịch đưa Dự luật coi Antifa là tổ chức khủng bố trong nước

Antifa là một phong trào phản đối chính trị cánh tả, chống phát xít và chống phân biệt chủng tộc, bao gồm nhiều nhóm khác nhau trên thế giới. Một số nhóm Antifa xác định nguồn gốc của phong trào đấu tranh chống lại phát xít tại châu Âu vào những năm 1920 và 1930. Mark Bray, tác giả của cuốn “Antifa: The Anti-Fascist Handbook”, cho biết phong trào Antifa hiện đại của Mỹ bắt đầu từ những năm 1980 với một nhóm có tên là Hành động chống phân biệt chủng tộc. Các thành viên của nó đã đối đầu với những kẻ đầu trọc theo chủ nghĩa tân Quốc xã ở miền Trung và Tây nước Mỹ. Đầu những năm 2000, phong trào Antifa hầu như không hoạt động và chỉ nổi lên trở lại trong vài năm gần đây. Nhiều cuộc biểu tình Black Lives Matter trở thành bạo lực vào mùa hè năm ngoái tại Mỹ được cho là do Antifa dàn dựng và mới đây là cuộc tấn công, vây ráp toà nhà Quốc hội tại thủ đô Washington cũng như cuộc đột nhập toà nhà Quốc hội bang Oregon hồi cuối tháng 3. Theo tin từ tờ The New York Times, trụ sở chính của Antifa là ở bang Oregon và những thành viên của nhóm ngày càng có quan điểm chống chính phủ. Họ lập luận rằng, chủ nghĩa độc đoán đang len lỏi trong chính quyền Mỹ hiện tại và nhiệm vụ của Antifa là tìm cách xây dựng “một phong trào thực sự”.

 Các nhóm của Antifa có không ít lần đụng độ với cảnh sát Mỹ)

Giống như các phong trào biểu tình khác có từ thời Chiến tranh Lạnh, những người ủng hộ Antifa thường mặc đồ đen, đôi khi che mặt bằng khẩu trang hoặc mũ bảo hiểm để các nhóm đối lập hoặc cảnh sát không thể nhận ra. Họ cũng có một chiến thuật đáng sợ, được gọi là “khối đen” cho phép di chuyển cùng nhau thành một nhóm ẩn danh. Các nhóm Antifa thường sử dụng hình thức tổ chức cộng đồng truyền thống hơn như các cuộc mít tinh và tuần hành phản đối. Những nhóm cực đoan nhất của tổ chức sẽ mang theo vũ khí như bình xịt hơi cay, dao, gạch và dây xích – và họ không loại trừ bạo lực. Phong trào Antifa tại Mỹ hiện chịu sự chỉ trích của cả cánh tả và cánh hữu. Tuy nhiên, cũng có những mâu thuẫn rõ rệt trong nội bộ chính phủ liên bang xung quanh việc tìm cách giải quyết Antifa. Cụ thể, phe bảo thủ thường có tiếng nói phản đối Antifa, với lý do phong trào này đang tìm cách bóp nghẹt quyền bày tỏ các quan điểm bảo thủ. GS ngành Sử học tại Đại học New York (Mỹ), ông Ruth Ben-Ghiat cảnh báo, phương pháp hoạt động của phong trào Antifa có thể “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến tình hình chính trị nội bộ Mỹ ngày càng rối ren. Nhưng cũng có ý kiến lại cho rằng, hoạt động của Antifa thể hiện sử dân chủ trong nước Mỹ và một số cuộc biểu tình mà Antifa thực hiện trong 2 năm qua lại đem lại lợi ích không nhỏ cho cả đảng Dân chủ và Cộng hoà.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *