Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
13782

Hơn 2.500 hộ dân kêu cứu vì bị nợ sổ hồng gần 10 năm

Hàng nghìn hộ dân khu tái định cư Phú Mỹ, quận 7, đang sống khổ sở vì mua nhà gần 10 năm vẫn chưa được cấp sổ hồng, do chủ đầu tư đã thế chấp.

Khu tái định cư Phú Mỹ được UBND TP HCM chấp thuận cho Công ty cổ phần Đức Khải làm chủ đầu tư năm 2009 theo phương án tự ứng vốn xây dựng. Năm 2014, dự án hoàn thành gồm 9 block với gần 3.200 căn hộ. Ngoài 470 căn thuộc block B4 phục vụ tái định cư đã được bàn giao cho Nhà nước, hiện những căn hộ thương mại còn lại đều bị chủ đầu tư nợ sổ hồng.

Ông Lê Quốc Nam, 66 tuổi, cho biết 10 năm trước người thân của ông mua căn hộ thuộc block A3 từ Công ty Đức Khải với giá hơn 1,3 tỷ đồng. Đến năm 2018, ông mua lại giá 1,7 tỷ đồng và đã trả đủ tiền. Thời điểm ký hợp đồng với cư dân, chủ đầu tư chỉ nói việc cấp sổ tùy thuộc vào cơ quan có thẩm quyền, công ty sẽ nỗ lực tối đa để có trong thời gian sớm nhất. Nhưng gần chục năm trôi qua gia đình ông và hàng nghìn hộ khác vẫn chưa có giấy chủ quyền.

Để mua được căn hộ này, ông phải lĩnh bảo hiểm xã hội một lần trước khi về hưu và gom toàn bộ tiền tích góp của hai vợ chồng. Nay ông đổ bệnh muốn thế chấp căn hộ để vay tiền chữa trị nhưng vì chưa có giấy tờ, gia đình không biết xoay xở thế nào.

“Người ta bảo tôi muốn có sổ đỏ thì phải kiện ra tòa. Giờ tiền chữa bệnh tôi còn không có lấy đâu ra tiền để theo kiện. Tôi chỉ mong chủ đầu tư và các cơ quan chức năng có hướng xử lý thấu tình đạt lý để người dân ổn định cuộc sống”, ông Nam nói.

Các cư dân phản ánh tình trạng không có sổ. Ảnhh: Ngân Nga

Các cư dân bức xúc phản ánh tình trạng bị chậm cấp sổ. Ảnh: Ngân Nga

Tương tự, ông Đào Nguyên Vận, 52 tuổi, cho biết mua lại căn hộ ở block A5 đã 7 năm nay với giá hơn 2 tỷ đồng. Lúc mua ông phải vay mượn nhiều người đến nay chưa trả hết, lại thêm nuôi hai con ăn học nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Ông mong muốn có được giấy tờ nhà để thế chấp ngân hàng vay tiền đầu tư cho con học hành ở ngôi trường tốt hơn.

Sau nhiều năm chờ đợi không có câu trả lời thỏa đáng, ông cùng các hộ dân tìm hiểu thì được biết quyền sử dụng đất của dự án đang bị chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng và hiện vẫn nợ thuế, nên cơ quan chức năng chưa thể cấp sổ. “Tiền mua nhà chúng tôi đã đóng đủ từ lâu. Không có sổ hồng chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn. Chủ đầu tư có thể sai, nhưng cư dân mong các cơ quan có thẩm quyền cùng các bên ngồi lại với nhau tìm hướng giải quyết để cư dân yên tâm”, ông Vận nói.

Nếu như các cư dân khác mua căn hộ từ chủ đầu tư, thì bà Võ Thị Việt Hồng, 62 tuổi, mua căn hộ block B2 từ ngân hàng phát mãi với giá hơn 2 tỷ đồng. Lúc đầu bà nghĩ mua từ ngân hàng sẽ yên tâm về mặt pháp lý hơn việc mua lại từ người khác, nhưng đến nay bà cũng chưa được cấp sổ. “Tôi muốn bán chuyển đi nơi khác. Nhưng khách đến xem biết tình trạng pháp lý của chủ đầu tư họ lắc đầu, hoặc ép giá”, bà phân trần.

Ông Nguyễn Văn Hiên, 69 tuổi, Trưởng ban quản trị block A4 và A5, cho biết cư dân đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu các cơ quan chức năng liên quan giải quyết nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Năm 2021, Sở Xây dựng TP HCM có văn bản trả lời cư dân nguyên nhân của việc chưa có sổ là do chủ đầu tư chưa xóa đăng ký thế chấp và chưa cung cấp hồ sơ cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

“Cư dân rất khổ sở. Nhiều người mất ăn mất ngủ vì dùng tiền tích góp cả đời và vay mượn để mua căn hộ”, ông Hiên nói.

Dự án khu dân cư Phú Mỹ. Ảnh: Ngân Nga

Dự án khu dân cư Phú Mỹ. Ảnh: Ngân Nga

Trả lời VnExpress, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Giám đốc pháp lý dự án Công ty Đức Khải, cho biết từ cuối năm 2010-2012, công ty mở bán các block căn hộ thương mại cho khách hàng. Công ty sau đó đã thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai của các block cho ngân hàng để vay hơn 4.000 tỷ đồng. Năm 2018, chủ đầu tư giải chấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của block A1, nhưng đến nay các hộ dân của block này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận.

Theo bà Yến, UBND TP HCM chấp thuận cho công ty làm chủ đầu tư dự án. Doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước tương đương với giá trị quyền sử dụng đất của khu dự án là hơn 330 tỷ đồng. Trong khi đó, chủ đầu tư đã bỏ ra 390 tỷ đồng để xây dựng cho thành phố một số công trình và 470 căn hộ block B4 phục vụ tái định cư – tức Nhà nước phải thanh toán giá trị chênh lệch lại cho công ty hơn 56 tỷ đồng. Đến nay, thành phố chưa khấu trừ nghĩa vụ tài chính dẫn đến việc công ty bị Cục Thuế TP HCM ra quyết định cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn, ảnh hưởng đến thủ tục cấp sổ cho cư dân.

Để hoàn thành việc cấp sổ đỏ cho các hộ dân, công ty phải hoàn thành nghĩa vụ về tài chính (tiền sử dụng đất) của dự án và giải chấp các block còn thế chấp cho ngân hàng. Tuy nhiên, bà Yến thừa nhận công ty đang gặp khó khăn về tài chính, chưa thực hiện giải chấp các block cùng lúc nên chưa thể hoàn thiện thủ tục cấp sổ cho cư dân. “Chúng tôi sẽ tìm cách xoay xở giải chấp theo hình thức cuốn chiếu”, bà Yến nói.

Liên quan đến việc chưa khấu trừ nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư Khu tái định cư Phú Mỹ, năm 2020, UBND TP HCM có văn bản thừa nhận việc này là do các cơ quan chức năng chậm thanh quyết toán giá trị các hạng mục công trình chủ đầu tư đã thực hiện bàn giao cho nhà nước quản lý.

Hồi tháng 4, Văn phòng UBND TP HCM có văn bản đề nghị Sở Xây dựng khẩn trương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát hồ sơ pháp lý dự án, báo cáo, đề xuất UBND xem xét, giải quyết dự án khu tái định cư Phú Mỹ.

Theo thạc sĩ Nguyễn Nhật Thanh, giảng viên Đại học Luật TP HCM, căn cứ Điều 147, 182 Luật Nhà ở 2014 và khoản 8 Điều 81 Nghị định 99/2015 của Chính phủ, chủ đầu tư phải có trách nhiệm giải chấp nhà ở trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng. Do đó, Công ty Đức Khải đã ký hợp đồng mua bán nhà ở với khách hàng nhưng vẫn thực hiện việc thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai xây dựng trên đất cho ngân hàng là không có giá trị pháp lý và không được pháp luật công nhận.

“Để bảo vệ quyền lợi của mình, các cư dân có thể khởi kiện Công ty Đức Khải ra tòa án để yêu cầu tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu và buộc chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ cấp giấy chứng nhận cho mình theo hợp đồng mua bán”, thạc sĩ Thanh nói.

Còn theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP HCM), nếu chủ đầu tư cho rằng nguyên nhân chậm sổ là do Nhà nước chậm quyết toán công trình thì có quyền khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên việc này cũng mất nhiều thời gian, UBND TP HCM cần đứng ra chủ trì để sớm tìm hướng giải quyết cho doanh nghiệp và cư dân, không nên để người mua nhà phải chịu thiệt hại vì những sai phạm không liên quan đến họ.

Tại TP HCM, tình trạng người dân ở các dự án chung cư đang bị treo sổ hồng còn rất nhiều. Trong chương trình “Dân hỏi – chính quyền trả lời” do HĐND TP HCM chủ trì hồi tháng 3, ông Nguyễn Toàn Thắng (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết có khoảng 50.000 căn hộ thuộc trường hợp này, do hai nguyên nhân chính là: các dự án xây dựng sai phép; chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, trách nhiệm.

Hiện trên địa bàn thành phố có 60 dự án thế chấp ngân hàng. Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị doanh nghiệp sớm giải chấp để nộp hồ sơ cho cơ quan Nhà nước làm thủ tục cấp giấy cho người dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *