Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
18252

EU hành động chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở các nước trên thế giới.

 

Hôm 12-7, các Ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch phát triển chiến lược đầu tư toàn cầu, coi như đối lập với “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở các nước trên thế giới.

Châu Âu kết nối toàn cầu”

Theo chiến lược này, chính sách kinh tế, đối ngoại và phát triển cũng như các lợi ích an ninh của khối sẽ được nâng cao, đồng thời thúc đẩy các giá trị của châu Âu. Năm 2013, Bắc Kinh khởi xướng “Sáng kiến Vành đai và Con đường” và bắt đầu đầu tư vào gần 70 quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế khác nhau, bao gồm cả nước thành viên EU là Hy Lạp và Italia, thể hiện tầm quan trọng của Địa Trung Hải đối với các dự án giao thông và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Còn chiến lược mới của EU có tên “Châu Âu kết nối toàn cầu” lại thúc đẩy đầu tư vào các dự án hữu hình nhằm liên kết châu Âu với thế giới từ năm 2022.

Sáng kiến Vành đai và Con đường được Trung Quốc thực hiện từ năm 2013

“Chúng tôi thấy Trung Quốc đang sử dụng các phương tiện kinh tế và tài chính để gia tăng ảnh hưởng chính trị của mình ở khắp mọi nơi trên thế giới. Than vãn về điều này là vô ích, chúng tôi phải đưa ra các giải pháp thay thế”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói với các phóng viên tại cuộc họp với những người đồng cấp EU ở Brussels.

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell thì cho biết: “Mục đích rộng lớn hơn là đặt kết nối làm trung tâm trong chính sách đối ngoại của chúng tôi. Chúng tôi đã bắt đầu làm điều này hai năm trước bằng thỏa thuận với Nhật Bản. Nhưng có vẻ như ngày nay, việc quan trọng hơn nhiều đối với EU là  các vấn đề kết nối với Trung Đông rộng lớn hơn và hướng tới Trung Á. Kết nối tốt hơn có nghĩa là đa dạng hóa chuỗi giá trị và giảm sự phụ thuộc chiến lược cho khối và các đối tác”.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu tại tổ chức Bruegel, Alicia García-Herrero, nhấn mạnh với Euronews rằng các nước châu Âu cần phải cảnh giác với việc trở nên quá phụ thuộc vào Bắc Kinh, về cơ sở hạ tầng, cũng như về thương mại, để tránh tắc nghẽn trong trường hợp nguồn cung bị lỗi hay gặp trục trặc: “Ví dụ: nhập khẩu 90% sản phẩm quan trọng thông qua một cảng thuộc về Trung Quốc và đột nhiên cố gắng chống lại bất cứ điều gì với Trung Quốc, thì bạn có hai điểm nghẽn tiềm ẩn: nhập khẩu của bạn và cảng của bạn”, García-Herrero nói.

“Quan hệ đối tác kết nối” với các quốc gia khác, miễn là có cùng chí hướng.

Hiện EU đã ký kết quan hệ đối tác với Nhật Bản và Ấn Độ để điều phối các dự án giao thông, năng lượng và kỹ thuật số nối châu Âu và châu Á. Cả Tokyo và Delhi đều lo lắng về sự lớn mạnh của Trung Quốc mà các quan chức cho rằng Trung Quốc đã khiến các nước nghèo hơn phải phục tùng bằng cách buộc họ phải gánh những khoản nợ lớn.

Montenegro, một thành viên của liên minh quân sự NATO và là quốc gia khao khát gia nhập EU, là nạn nhân lớn nhất về nợ của Trung Quốc. Montenegro đã vay gần 1 tỷ USD từ Trung Quốc vào năm 2014 để xây dựng một tuyến đường dài 41 km. Số tiền này khiến Montenegro có nguy cơ phá sản và trong tháng 7, nước này đang  đàm phán với các ngân hàng phương Tây để hoán đổi hoặc tái cấp vốn cho khoản nợ.

Hồi tháng trước, các nhà lãnh đạo G7 cũng đã thông qua kế hoạch “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” để cạnh tranh với ảnh hưởng của Bắc Kinh. EU không phản đối cái gọi là “quan hệ đối tác kết nối” với các quốc gia khác, miễn là họ có cùng chí hướng.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *